Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 16/9/2013 18:15'(GMT+7)

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Huyền Trân

Vừa qua, Hội nhà văn Hà Nội (Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Hà Nội) đã long trọng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vẩy bút làm mưa gió” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Huyền Trân (13/9/1913-13/9/2013).

Tham dự có Hội thảo kỷ niệm có gia đình nhà thơ; lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hội nhà văn Hà Nội; các văn nghệ sỹ Trung ương và Hà Nội; các nhà nghiên cứu, sáng tác, hội viên Hội nhà văn Hà Nội, phóng viên báo chí và đông đảo bạn đọc yêu mến người nghệ sĩ tài hoa.

Trần Huyền Trân tên thật là Trần Đình Kim (thường gọi là Trần Kim), sinh ngày 13-9-1913 và mất ngày 22-4-1989 tại Hà Nội; quê quán ở huyện Ân Thi (Hưng Yên). Học trung học đến năm thứ hai, ông phải bỏ học để kiếm sống. Ông đã trải qua thời thơ ấu rất vất vả. Nhà nghèo, cha mất năm 13 tuổi, sống với mẹ chỉ có một cái lều vó để kiếm cá quãng đầm ao sau Cống Trắng, phố Khâm Thiên (Hà Nội). Từ hoàn cảnh xuất thân nghèo khổ, ông cảm thông đối với những thân phận “dưới đáy xã hội” và bộc lộ lòng căm hờn đối với mọi bất công xã hội việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Chính từ hoàn cảnh khốn cùng ấy, Trần Huyền Trân sống gần gũi với nhân dân lao động, sớm giác ngộ cách mạng, tự nguyện dấn thân cho sự nghiệp cao quý đó để trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ. Ông đã tham gia nhiều hoạt động lớn, như: Tham gia Hội Văn hóa cứu quốc 1943; viết báo Cứu quốc, Cờ giải phóng, tạp chí Tiên phong; tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội; phụ trách kiểm duyệt của Ban tuyên truyền ca kịch (Sở thong tin tuyên truyền Bắc bộ), Trưởng ban ca kịch Nha thông tin Việt Nam, phụ trách ngành kịch Đoàn văn công Trung ương… Tổ chức các hội tuyên truyền cho Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa I, Hội văn hóa cứu quốc cử 6 hội viên tham gia ứng cử, trong đó có Trần Huyền Trân cùng các nhà văn: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Xuân Diệu, Nguyễn Đỗ Cung và Vũ Ngọc Phan.  Sau cách mạng tháng Tám nhà thơ vẫn tiếp tục cống hiến cho văn học nghệ thuật, đảm nhiệm những nhiệm vụ, như:  phụ trách ngành chèo, làm công tác chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn ở Đoạn kịch nói Hà Nội, Trưởng đoàn Chèo Hà Nội, sở Văn hóa Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam… Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản tháng 7/1946.

Làm thơ từ năm 20 tuổi, Trần Huyền Trân đã để lại một di sản văn học, nghệ thuật khá đồ sộ, gồm 13 vở kịch – Kịch thơ với tư cách là tác giả - đạo diễn (Lên đường, Hoàng Văn Thụ, Đêm trong tù, Lam Sơn tụ nghĩa, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Phá xiếng, 19/8, Con trâu hai nhà, Đường dây chiến thắng, Giờ phút quyết định, Cái máy chém…); 17 vở chèo với tư cách là tác giả, sưu tầm, cải biên, chỉnh lý, chuyển thể (Tiếng hát bên nôi, Tạ Thị Kiều, Lửa Hà Nội, Lý Thường Kiệt (hay Bên sông Như Nguyệt), Ngôi nhà mới, Người con dâu, Vườn cam, Thạch Sanh, Bà má vùng cát trắng; Ni cô Đàm Vân, Câu chuyện ngược dòng, Tú Uyên Giáng Kiều...). Ông là người dày công sưu tầm, cải biên, chỉnh lý, đạo diễn 3 trong số 7 "viên ngọc quý" của nghệ thuật chèo cổ được các nghệ nhân trao truyền (Quan Âm Thị Kính, Vân dại, Trương Viên). Không chỉ là tác giả, đạo diễn chèo, kịch thơ, kịch nói, ông còn là nhà phê bình lý luận sắc sảo.

Bên cạnh đó, Trần Huyền Trân là tác giả của khối lượng lớn những tác phẩm văn xuôi, gồm tiểu thuyết: Tấm lòng người kỹ nữ, Người ngàn thu cũ, Sau ánh sáng, Lẽ sống; truyện: Bộ áo rét của nhà thơ, Lá rụng, Yêu, Chim lồng, Người xóm mai vàng… và hơn 100 bài thơ viết từ trước cách mạng tháng Tám cho đến khi ông mất (1989), in trong các tập “Rau tần” (1986), “Trần Huyền Trân – Rau tần” (1995), “Tuyển tập thơ Trần Huyền Trân” (2001) và in chung trong tập “Thi nhân Việt Nam” và nhiều tập thơ khác.

Ngoài viết văn, làm thơ, sáng tác kịch, nghệ sĩ Trần Huyền Trân phải lăn lộn với nhiều nghề khác như: dạy học tư, viết báo, mở báo Bắc Hà cùng một số bạn, làm thợ chiếu phim… để kiếm sống.

Bút danh Trần Huyền Trân đài các, nữ tính của ông gắn với một kỷ niệm nhân văn khi trái tim nghệ sĩ động lòng trắc ẩn với số phận khốn cùng của một cô gái làm trong quán cô đầu ở phố Khâm Thiên bị chủ đuổi việc vì có mang. Thương cảm trước hoàn cảnh éo le của cô gái và sinh linh tội nghiệp kia, ông đã cưu mang, lo cho cô sinh nở “mẹ tròn con vuông” và còn lo đặt tên cho con cô gái tội nghiệp ấy là Trần Huyền Trân…

Tham luận gửi đến Hội thảo của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học đều đánh giá, chia sẻ nhận định xung quanh sự nghiệp phong phú của “con người nghệ sĩ” Trần Huyền Trân, trên nhiều lĩnh vực: Tiểu thuyết, thơ, chỉnh lý, sáng tác kịch bản sân khấu, đạo diễn sân khấu, hoạt động báo chí. Ông cùng hai thi nhân thân thiết là Thâm Tâm, Nguyễn Bính đã lập nên nhóm thơ “áo bào gốc liễu” (phong cách viết gợi hơi hướng các tráng sỹ không gặp thời trong truyện cổ). Ông là nhà thơ cuối cùng có mặt trong “chuyến tàu” của “Thi nhân Việt Nam”. Hoài Thanh đã mở cửa đón ông như đón một nhà thơ đặc biệt: “Viết đến đây tôi đã định khép cửa lại, dẫu thiên tài đến gõ cửa cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa: Trần Huyền Trân” (Thi nhân Việt Nam).

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đánh giá đóng góp của Trần Huyền Trân trên nhiều bình diện. Một vấn đề được đồng tình cao là cần khai thác nhiều hơn tác phẩm để nhìn lại những đánh giá của báo chí đương thời với Trần Huyền Trân cũng như những nhận định của một số nhóm tác giả khác cùng thế hệ. Khi có độ lùi thời gian, những đánh giá của thế hệ sau đối với tác phẩm, hoạt động văn nghệ của Trần Huyền Trân đã có “độ khúc xạ” đáng kể. Vì thế, không chỉ dựa vào đánh giá của hai nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân về sự nghiệp thơ của Trần Huyền Trân trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, mà phải nhìn rộng hơn, xa hơn. Thực tế trong thời điểm bấy giờ, Hoài Thanh, Hoài Chân mới tiếp cận với một số ít tác phẩm của thi sĩ mới xuất hiện. Vì thế, còn nhiều tác phẩm trong giai đoạn đó cũng như sau này đã thể hiện những khuynh hướng và giọng điệu nghệ thuật khác của ông chưa được nghiên cứu và cần được nghiên cứu thấu đáo hơn.

Thay mặt Hội liên hiệp VHNT Hà Nội, nhà thơ Bằng Việt phát biểu chúc mừng; đồng tình cao với những ý kiến, đề xuất của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học; đánh giá vai trò liên kết các văn nghệ sĩ của ông và nhấn mạnh sẽ cùng Hội Nhà văn Hà Nội và gia đình chuẩn bị kỹ càng di sản văn học quý báu đó để xuất bản cuốn sách “Trần Huyền Trân Toàn tập”. Đó là những tín hiệu vui thể hiện sự quan tâm và đánh giá toàn diện tài năng, nhân cách của người nghệ sĩ tài hoa Trần Huyền Trân.

Lê Thị Bích Hồng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất