Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 27/12/2011 10:38'(GMT+7)

Ký ức Khâm Thiên 12 ngày đêm lịch sử

Ông Nguyễn Văn Cầu cùng nhân dân thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân sáng 26/12/2011.

Ông Nguyễn Văn Cầu cùng nhân dân thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân sáng 26/12/2011.

Đã 39 năm trôi qua, song ký ức của người dân Hà Nội và cả nước vẫn không thể quên những ngày cuối tháng 12, khi Hà Nội bị đế quốc Mỹ dùng bom B25 rải thảm. Dù trong bom đạn, chết chóc, người dân thủ đô vẫn anh dũng chiến đấu trong suốt 12 ngày đêm lịch sử (từ 18 – 30/12/1972).

Người cựu chiến binh Nguyễn Văn Cầu, 75 tuổi, hiện là Bí thư Chi bộ phường Khâm Thiên, vẫn xúc động khi nhắc lại sự kiện đau thương, bi tráng này. Cứ đến sáng 26/12 hàng năm, ông cùng những gia đình có người thân thiệt mạng do bom B52 lại đến tượng đài tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong 12 ngày đêm lịch sử, để thắp nén hương cho người đã khuất.

Với ánh mắt đỏ hoe, ông Cầu kể lại: Khi đó ông là nhân viên Xưởng in báo Hà Nội mới, vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu. Ngày 22/12/1972, ông cho vợ con về sơ tán về nhà ngoại bên Bát Tràng. Chiều 26/12, ông đón vợ con về nhà ở phố Khâm Thiên để đi làm. Cùng ngày, đơn vị nhận lệnh “Đêm nay, Mỹ có thể đánh phá ác liệt thủ đô, và 9h tối phải có mặt tại đơn vị để sẵn sàng chiến đấu”. Vậy là ông Cầu xin nghỉ sớm, về nhà dặn vợ con, em và cháu là đêm phải nhanh chóng xuống hầm, nhưng ông không ngờ đó là giây phút cuối cùng ông được ở bên vợ con.  

21h ông có mặt tại đơn vị. Khoảng 23h45, bom B52 của Mỹ bắt đầu trút xuống thủ đô. Ông cùng đồng đội đã chiến đấu trên tầng 4 của Xưởng in. Rồi lòng ông như có lửa đốt khi hay tin khu vực đầu đầu phố Khâm Thiên, nơi có những người ruột thịt của ông, bị trúng bom và đang bốc cháy dữ dội.

Chiến đấu đến gần sáng, ông xin phép đơn vị về nhà. Nhưng, trước mặt ông, cảnh tượng tan hoang, nhà ông và cả dãy phố đã bị bom cày nát, xác người la liệt khắp nơi. Ông Cầu chết lặng khi thấy người vợ của mình bị mất 1/2 cơ thể, đứa con vị vùi lấp chỉ còn lại một bên chân, 2 người cháu ruột của ông cũng chịu chung số phận. Người em ruột ông thì mãi gần 2 tháng sau mới tìm thấy xác…

Phố Khâm Thiên sau đêm 26/12/1972.

Bà Nguyễn Thị Lân, hiện sống ở phố Minh Khai, cũng không thể quên cảnh tượng vợ chồng người em ruột của bà cùng hai con nhỏ bị chết thảm trong đêm 26/12 tàn khốc ấy. “Mặc dù cả nhà em tôi cùng nhiều gia đình đã xuống hầm, nhưng không may bị trúng bom nên mấy chục người chết hết. Một người em của tôi may mắn thoát chết, nhưng bị cháy xém cơ thể, sau đó được đi cấp cứu tại Bệnh viện Sait Paul, giờ trên người chi chít vết thương”, bà Lân kể lại.

Bà Lân cho biết, đêm 26/12, bà tham gia chiến đấu tại khu vực Nhà máy nước Yên Phụ. Sáng hôm sau bà đi bộ về nhà, qua phố Hàng Bồ, Quán Sứ, Yết Kiêu… thấy phố phường tan hoang, nhà cửa đổ nát, những đám cháy vẫn bốc lên xen lẫn mùi khét lẹt… Về lo hậu sự cho những người thân và hàng xóm xong, bà cùng người dân đi gom xác người chết.

“Ban đầu còn có quan tài để nhập, sau đó chẳng có quan, chỉ có manh chiếu, tấm vải vể khâm liệm. Cơ thể người chết cũng không còn nguyên vẹn nên chúng tôi chỉ biết gom lại và cùng chính quyền chôn cất cho bà con. Thật đau thương. Lúc đó, chúng tôi không thể khóc được, mà phải tự nhủ thật gan dạ để cùng nhau chiến đấu bảo vệ thủ đô. Đã gần 40 năm trôi qua, cứ đến ngày giỗ chung của bà con, tôi lại bật khóc”, bà Lân ngậm ngùi.

Danh sách và hình ảnh người dân phố Khâm Thiên bị thiệt mạng do B52 rải thảm.

Trận bom rải thảm phố Khâm Thiên, Hà Nội đêm 26/12/1972 đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em; làm cho 178 cháu mồ côi, trong đó có 66 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ; 290 người bị thương, 2.000 ngôi nhà, trường học, đền chùa, rạp hát, trạm xá bị sập, trong đó có 534 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, 7 người trong ngôi nhà này không còn ai sống sót. Mảnh đất này được xây Đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và một bức tượng bằng đồng, tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ. Tượng được lấy nguyên mẫu từ chính chủ nhân của ngôi nhà bị hủy diệt này./. 

Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Chiến tranh Việt Nam, từ 18 - 30/12/1972. Chiến dịch này là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 5 - 10/1972, ngoại trừ điểm khác biệt lớn là các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom chiến lược B52. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném trong toàn bộ thời kì từ 1969 - 1971.

Với chiến dịch ném bom rải thảm cực kỳ tàn bạo này, theo tính toán thì sức tàn phá của nó tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945, đế quốc Mỹ tin rằng, Hà Nội sẽ phải khuất phục. Tuy nhiên, qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52.

Thất bại này của Mỹ không chỉ đơn thuần là thất bại quân sự, mà là thất bại chiến lược toàn diện cả về quân sự lẫn chính trị. Cùng với những thắng lợi giành được trước đó, đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược 1972 ở miền Nam, thắng lợi của trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đã góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.


(Theo: Lại Thìn/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất