Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 25/5/2012 16:56'(GMT+7)

Kỳ vọng “làn gió mới” cho nền kinh tế

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Nhận định và dự báo

Sau quý 1 năm 2012, Chính phủ đã nhận thấy những dấu hiệu sản xuất kinh doanh đình đốn nên đã yêu cầu các cơ quan chức năng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI),… trực tiếp khảo sát đánh giá tình hình thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, các kết quả khảo sát đã được tổng hợp và trình Chính phủ kèm theo đề án đề xuất giải pháp của Bộ Tài chính. Có thể nói, lần này Chính phủ đã phản ứng nhanh nhạy, có bài bản và linh hoạt hơn so với những lần đối phó với khó khăn lạm phát cao như năm 2008 hay suy giảm tăng trưởng do khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2009...

Với nhận định đánh giá như sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; sức mua của thị trường giảm; tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ, rõ ràng Chính phủ đã điểm trúng “huyệt” của nền kinh tế là sản xuất kinh doanh đình đốn, tồn kho tăng cao và tổng tiêu dùng của nền kinh tế tăng rất chậm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp hỗ trợ cả phía tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc và lạm phát cao vẫn rình rập. Ngoài ra, Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên một số giải pháp xử lý chưa đủ “liều lượng”, thậm chí chưa trị đúng nguyên nhân “gây bệnh”.

Tháo gỡ khó khăn

Sự “co lại” của tổng cầu tiêu dùng, cả tiêu dùng cuối cùng và tiêu dùng trung gian là hệ quả trực tiếp của lạm phát cao và các biện pháp thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô chống lạm phát. Vấn đề then chốt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường là giảm giá sản phẩm hàng hoá dịch vụ kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho, đi đôi với tăng cầu có khả năng thanh toán thông qua cải thiện thu nhập khả dụng và tăng niềm tin tiêu dùng cho toàn xã hội. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đảo ngược được xu thế tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể khi GDP quý 1 năm 2012 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây, chỉ cao hơn mức tăng GDP 3,14% của quý 1 năm 2009 - năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề trực tiếp của khủng hoảng toàn cầu - và dự báo quý 2 năm 2012 cũng chỉ tăng trưởng được 4,5%.

Có thể nhận thấy, do nhận định về tình hình quý 1 năm 2012 còn “màu hồng” nên chưa đánh giá hết mức độ khó khăn của DN cũng như nguyên nhân gốc rễ của những khó khăn đó và cho rằng khó khăn chỉ là tạm thời với đáy tăng trưởng sẽ rơi vào quý 2 năm 2012 trước khi cải thiện từ quý 3 năm 2012 nên những giải pháp nêu trong Nghị quyết 13 chỉ tập trung vào gia hạn một số loại thuế và khoản thu ngân sách.

Rõ ràng, thay vì gói kích cầu như năm 2009 với trọng tâm là tăng chi tiêu công thông qua hỗ trợ lãi suất 4%, tăng chi đầu tư công,… Và từ đó những giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh năm 2012 đã lường trước rủi ro lạm phát cao, nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, khả năng lạm dụng chi tiêu công nên chuyển sang đặt trọng tâm vào giảm bớt gánh nặng thu ngân sách cho doanh nghiệp, tuy chủ yếu chỉ là lùi thời hạn. Hơn nữa, NQ13 cũng đã cụ thể hoá được sự phối hợp nhất định giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ nhằm một mục tiêu chung là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Đề xuất và kỳ vọng

Với những kỳ vọng của NQ13 sẽ mang lại “làn gió mới” cho nền kinh tế và các doanh nghiệp, nhưng các giải pháp đưa ra dường như vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam cả về cách thức, quy mô và mức độ hỗ trợ.

Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc phân biệt đối tượng được hỗ trợ thuế hay chi tiêu công rất dễ phát sinh cơ chế “xin - cho”, hỗ trợ không đúng đối tượng, lạm dụng hỗ trợ và hỗ trợ sai mục đích. Giả sử tất cả các doanh nghiệp (nếu được Quốc hội) cho miễn giảm 30% thuế TNDN năm 2012 thì trị giá khoản hỗ trợ này cũng chỉ gần 62 nghìn tỷ tính theo dự toán thu NSNN với giả định tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% và lạm phát một con số.

Tương tự, nếu bổ sung giải pháp miễn giảm 50% thuế GTGT năm 2012 tương đương hơn 115 nghìn tỷ đồng hay miễn giảm 30% thuế GTGT tương đương hơn 69 nghìn tỷ đồng theo dự toán. Như vậy, thay đổi bổ sung cách thức hỗ trợ với quy mô lớn hơn có thể được cân nhắc trong trường hợp những giải pháp theo Nghị quyết 13 chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Với những kỳ vọng đó, Chính phủ cần tiếp tục bổ sung hình thức, tăng quy mô và mức độ hỗ trợ để tạo ra “cú huých” thật sự giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hỗ trợ thị trường đó là cần miễn giảm thuế gián thu (chẳng hạn giảm 50% thuế GTGT năm 2012, thậm chí mạnh dạn hạ thuế suất thuế GTGT phổ thông từ 10% hiện nay xuống 5-7%) đủ để doanh nghiệp có điều kiện giảm giá bán, kích thích tiêu thụ, giảm tồn kho, bên cạnh những giải pháp nâng cao cầu có khả năng thanh toán cho người tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu…, mở rộng hơn nữa đối tượng được miễn giảm thuế GTGT, thuế TNDN năm 2012 thay vì chỉ cho đối tượng cho thuê nhà trọ, trông giữ trẻ hay cung ứng suất ăn ca cho công nhân. Thậm chí có thể xem xét hạ ngay thuế suất thuế TNDN từ 25% hiện nay xuống 20-22%.

Nhất là cần được tính toán lại tiền sử dụng đất theo giá thị trường nhằm bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp BĐS, góp phần giảm giá BĐS thay vì chỉ gia hạn 12 tháng đối với khoản thu này; cần tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất hợp lý thay vì chỉ kêu gọi hạ mặt bằng lãi suất, ưu tiên bốn lĩnh vực, cơ cấu lại nợ và tái cấu trúc ngân hàng, trong đó trọng tâm là giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục vay vốn ngân hàng để duy trì sản xuất kinh doanh thông qua chương trình cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản thế chấp và bảo lãnh tín dụng.

Việc cần làm hiện nay đó là tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, tăng chi tiêu công, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế là cần thiết nhưng cần gắn với tái cấu trúc đầu tư công để tránh làm giảm hiệu quả đầu tư khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hơn nữa, tăng đầu tư và chi tiêu công không phải chỉ là để giải quyết lượng sắt thép, xi-măng ế thừa hay văn phòng phẩm tồn kho mà mục tiêu là “kích hoạt” hiệu quả đầu tư chung của cả nền kinh tế.

Với những giải pháp trên có thể nhận thấy, việc xem xét miễn giảm thuế TNCN dường như chưa thật sự cần thiết nhằm kích thích tiêu dùng cuối cùng do số đối tượng phải nộp thuế TNCN không lớn, hơn nữa họ cũng không phải là đối tượng chính cần kích thích tiêu dùng để giải quyết đầu ra, mà các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cân nhắc thận trọng trong quản lý và điều hành thị trường giá cả các nguyên nhiên vật liệu thiết yếu như điện, xăng dầu, than… Bởi vì, mặc dù lạm phát đã và đang có xu hướng “hạ nhiệt”, song giá cả của những nguyên nhiên vật liệu thiết yếu đó tăng lên không chỉ làm chồng chất thêm khó khăn cho giá đầu vào của doanh nghiệp, theo đó hạn chế khả năng tiêu thụ sản phẩm, mà còn làm cho thu nhập khả dụng của các hộ gia đình có thể dành để tiêu dùng các sản phẩm hàng hoá dịch vụ khác bị thu hẹp, hạn chế khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Việc triển khai nội dung NQ13 chắc chắn sẽ hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khắc phục được những khó khăn trước mắt, tiếp tục tồn tại và chuẩn bị điều kiện phát triển. Ngoài ra, các doanh nghiệp hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp mới, căn cơ hơn, bài bản hơn, có tính dài hạn hơn để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế ổn định và bền vững hơn.

Tiến sĩ VŨ ĐÌNH ÁNH. Ảnh : SƠN CẨM
Nguồn: Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất