Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 6/10/2009 21:25'(GMT+7)

Lạc điệu

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)


Ngày 24-9-2009, Hội đồng nhân quyền LHQ họp phiên toàn thể tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) với sự có mặt của đầy đủ đại diện 192 nước thành viên, đã thông qua Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) của Việt Nam. Với Cơ chế UPR, một lần nữa Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những thành tựu trong việc bảo đảm các quyền của con người cũng như thái độ nghiêm túc, hợp tác, cởi mở trao đổi kinh nghiệm với các nước về lĩnh vực này. Hầu hết các quốc gia, các tổ chức quốc tế lại một lần nữa thừa nhận rằng, ở Việt Nam con người là mục tiêu, là chủ thể và là động lực phát triển đất nước; Việt Nam đã vượt lên nỗi đau và hậu quả chiến tranh chưa từng có để xây dựng và phát triển cuộc sống mới; Việt Nam đã thành công ngoạn mục trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo và ở Việt Nam không có xung đột sắc tộc, tôn giáo, ổn định chính trị được giữ vững...

Thế nhưng, cũng có những tiếng nói lạc điệu của đại diện một vài tổ chức phi chính phủ (NGO) như: Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch), Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International), tổ chức "Bảo vệ quyền làm người Việt Nam" ở hải ngoại của Võ Văn Ái… Họ đã nêu ra những sự việc hoàn toàn không đúng với bản chất tình hình thực hiện quyền con người của Việt Nam, khiến cho những tiếng nói của chính họ trở nên lạc lõng. Trước đó, một số tổ chức phản động lưu vong người Việt ở Mỹ núp dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” để giở trò vu cáo, xuyên tạc với các luận điệu cũ rích rằng, Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, hạn chế tự do ngôn luận, chà đạp nhân quyền, đòi Việt Nam thả các “tù nhân lương tâm”… Điển hình là cái tổ chức xưng danh “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” (VHRN), có trụ sở ở số 14550 Magnolia St.,Suite 203. Westminster, CA 92683, Mỹ. Chúng có những hành động rất trơ trẽn khi gửi “thư ngỏ” cho Tổng thống Mỹ và một số dân biểu, nghị sĩ thuộc lưỡng viện Mỹ, kêu gọi áp đặt những điều kiện về “dân chủ, nhân quyền” khi xem xét trao “Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam” (PNTR); đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” (CPC)… Một số dân biểu, nghị sĩ Mỹ không có thiện cảm với Việt Nam từ nhiều năm nay như: Christopher Smith, Loretta Sanchez, Joseph Cao (tức Cao Quang Ánh - dân biểu gốc Việt)... đã cố tình can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam bằng những lời lẽ vu khống, kích động, hòng lái chệch dư luận quốc tế hiểu sai vấn đề dân chủ, tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam.

Những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” và những người thiếu thiện chí với Việt Nam đang ở chính ngay trên đất Mỹ đã cố tình lảng tránh sự thật hiển nhiên là trong một thế giới hiện đại, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại, chứ không phải là sản phẩm riêng của một nhà nước nào đó để rồi tìm mọi cách áp đặt “giá trị nhân quyền” cho các nước khác. Việc bảo đảm về quyền con người bao giờ cũng phải đặt trong một quốc gia, dân tộc nhất định, gắn với những điều kiện cụ thể về trình độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống, pháp luật và chế độ chính trị của quốc gia, dân tộc đó. Vì thế, mỗi quốc gia, dân tộc dù phát triển hay chưa phát triển, đều có quan niệm riêng về nhân quyền, có phương thức đảm bảo các quyền con người của mình. Điều đó đã được Hiến chương của LHQ ghi rõ trong Khoản 2 (Điều 4), Khoản 2 (Điều 7) và trong nội dung Tuyên bố của Hội nghị thế giới về Nhân quyền, họp tại Viên (Áo) ngày 25-6-1993.

Hàng chục thập kỷ nay, cộng đồng quốc tế đã có những Tuyên ngôn và Công ước về nhân quyền, trong đó nêu rõ các chuẩn mực đòi hỏi tất cả các quốc gia, dân tộc phải tuân theo. Không một cá nhân, tổ chức hay một nước nào được tuyên truyền sai sự thật về tình hình nhân quyền của mỗi nước và càng không được nêu ra những đòi hỏi phi lý, khống chế, áp đặt tiêu chuẩn và quan niệm nhân quyền của nước này cho nước khác.

Những kẻ thiếu thiện chí với Việt Nam liên tục đăng đàn vu khống ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, chà đạp nhân quyền. Chúng cổ súy cho hành động của những phần tử cực đoan sử dụng con bài “dân chủ, nhân quyền” như một thứ vũ khí để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Những phần tử cực đoan, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước ta về an ninh quốc gia được chúng tôn vinh là “các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền xuất sắc” như: Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Đan Quế, Lê Quang Liêm, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Anh Kim, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung... Ai đứng đằng sau hậu thuẫn, hỗ trợ, xúi giục các tổ chức, cá nhân phản động phá hoại công cuộc phát triển đất nước Việt Nam, nhân dân ta từ lâu đã rõ. Bản thân những người này cũng thừa hiểu, ai đã chà đạp lên nhân quyền Việt Nam trong suốt mấy chục năm, đặc biệt đã gây ra tội ác khủng khiếp khi rắp tâm tiến hành cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong thế kỷ XX ở miền Nam Việt Nam (1961 - 1971), để lại hậu quả gần 3 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin và những hệ lụy tác hại lâu dài về sức khỏe con người và môi trường sinh thái của Việt Nam. Sao họ không góp sức cùng nhân loại tiến bộ đấu tranh đến cùng để đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam?

Những kẻ cực đoan hiện đang trú ngụ trên mảnh đất một cường quốc của thế giới tư bản và cả một số vị dân biểu, nghị sĩ nước sở tại đang đòi lên án “Việt Nam vi phạm nhân quyền” nhưng họ cố tình lờ đi một thực tế rằng, quốc gia tự cho mình là “hiệp sĩ nhân quyền” thì chỉ trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ XX đã gây ra 40 cuộc chiến tranh lớn nhỏ, đem quân đội và cảnh sát nhảy vào quốc gia độc lập có chủ quyền để bắt cả tổng thống, tàn sát nhiều dân thường vô tội. Sự thực từ năm 2001, quốc gia “hiệp sĩ nhân quyền” đó đã bị LHQ khai trừ khỏi Ủy ban Nhân quyền. Vậy các vị hãy tỉnh táo để phán xét rõ và lên án ai đã chà đạp lên giá trị nhân quyền của nhân loại, được ghi trong Hiến chương LHQ.

Ngày nay, những người có lương tri trên thế giới đều thừa nhận rằng, biểu hiện cao nhất, cụ thể và thiêng liêng nhất của nhân quyền đối với một đất nước, một quốc gia là đất nước phải được độc lập, nhân dân phải được tự do, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện. Không thể có thứ nhân quyền chung chung, nhân quyền của kẻ mạnh áp đặt, thậm chí chà đạp chủ quyền của các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu hơn. Chính vì phấn đấu cho mục tiêu thiêng liêng ấy mà hơn 20 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, bước đầu thu được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong hơn một thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức trên 7% một năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 5 lần; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia giảm 4 lần (từ 60% xuống còn 13,8%), được quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu về xóa đói giảm nghèo. Đây cũng chính là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy các quyền con người, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em, có nhiều tôn giáo khác nhau, chung sống hòa thuận, cùng đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Tuy còn có những khó khăn, thử thách trong quá trình phát triển nhưng cộng đồng quốc tế đều thừa nhận những thành tựu to lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, bên cạnh những thành tựu lớn không thể phủ nhận cũng còn có những khiếm khuyết, mà chủ yếu do nhận thức chưa đồng đều, chưa thống nhất trong đội ngũ cán bộ cơ sở, nhiều khi gây ra những hiểu lầm đáng tiếc. Xác định được nguyên nhân của những khiếm khuyết ấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng có trình độ cao hơn, tiếp tục cải cách hành chính để xây dựng và phát triển, trong đó có việc thực thi các chính sách bảo đảm quyền con người, bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng các quyền con người của mỗi người dân. Với chủ trương “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển”, Việt Nam luôn sẵn sàng tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế, kể cả trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Đến nay, Nhà nước Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người của LHQ; đồng thời, đã chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác về quyền con người trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương cũng như trong quan hệ song phương và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thực tế về dân chủ, nhân quyền Việt Nam sáng tỏ như ánh mặt trời, không bàn tay nào có thể che lấp được./.

Đại tá, Thạc sĩ  NGUYỄN ĐỨC THẮNG

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất