NHỮNG CÁCH LÀM SÁNG TẠO...
Để lan tỏa nếp sống mới con người mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu, những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 27 văn bản các loại như: Chương trình hành động, Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch. Các văn bản được ban hành luôn đảm bảo tính kế thừa và cụ thể hóa các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và đồng bào dân tộc trên địa bàn, tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đạo lý tốt đẹp; đẩy lùi những hủ tục rườm rà, lạc hậu gây cản trở quá trình hội nhập phát triển như: Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa đến 2020, định hướng đến 2030; Đề án về phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; Đề án bảo tồn dân tộc Cống, Mảng, La Hủ...
Những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì được quảng bá, giới thiệu tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Hà Nội) năm 2019.
|
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn chuyên môn về văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình theo thẩm quyền như: Quản lý tổ chức hoạt động Nhà văn hóa, Đội văn nghệ; quy ước hương ước, công tác thông tin tuyên truyền. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo phong trào “TD ĐKXD ĐSVH” cấp tỉnh, BCĐ phong trào các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa; bản, khu phố, tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn mình; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đặc biệt từ việc thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa đã góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, chống phá Đảng và Nhà nước, tuyên truyền nói xấu, xuyên tạc, bóp méo sự thật gây hoang mang trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tiếp tục được đẩy lùi, đặc biệt tại các xã, bản vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
... LAN TỎA NẾP SỐNG MỚI CON NGƯỜI MỚI
Để việc xây dựng nếp sống mới, con người mới Lai Châu phát triển toàn diện, hướng đến những giá trị chân – thiện – mỹ thì các huyện, thành phố đều đề ra những giải pháp khác nhau đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và từng vùng đồng bào dân tộc. Nếu như huyện Tân Uyên xác định việc xây dựng phát triển văn hóa con người đi đôi xây dựng nông thôn mới với mục tiêu phấn đấu đến năm 2019 có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn huyện lên 08/09 xã; đến hết năm 2020, 09/09 xã hoàn thành xây dựng nông mới, thị trấn Tân Uyên đạt chuẩn văn minh đô thị, Tân Uyên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lai Châu. Huyện Tam Đường lại chọn việc phát triển văn hóa con người gắn với phát triển du lịch, tức là biến các di sản, giá trị bản sắc văn hóa của từng dòng họ tộc người trở thành tài sản mang lại thu nhập ổn định cho người dân thông qua việc xây dựng các bản văn hóa du lịch cộng đồng.
Điểm du lịch Đồi thông Tả Lèng (Tam Đường) góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
|
Nhờ đó năm 2018, lượng du khách đến với Tam Đường đạt gần 80.000 lượt người, tăng gần 68.000 lượt du khách so với năm 2015; doanh thu đạt 24 tỷ đồng, tăng 21 tỷ so với 2015. Khác với các huyện, thành phố Lai Châu lại chọn “xây dựng phát triển văn hóa con người gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, tuyến phố văn minh, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học... đặc biệt hàng năm thành phố có 3 lễ hội thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, vui chơi giải trí của nhân dân là lễ hội “Đền thờ Vua Lê Lợi” ở phường Đoàn Kết; lễ hội “Tú Tỷ” của dân tộc Giấy xã San Thàng; lễ hội “Gầu Tào” dân tộc Mông xã Nậm Loỏng.
“Nếu như trước kia ở xã chúng tôi đám tang thường để vài ngày trong nhà, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba thường xuyên xảy ra thì ngày nay với những cách làm mới, suy nghĩ mới đã góp phần xây dựng con người mới văn hóa văn minh, nhưng giàu bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc xã Ka Lăng, hay tết mùa mưa “Zé khù chà” được tổ chức vào tháng 6 âm lịch hàng năm với những bài hát, điệu múa, những trò chơi dân gian đặc sắc của người Hà Nhì như: đánh cù, đi cà kheo, đu lăng. Toàn xã hiện có 11/11 bản có quy ước, nhà văn hóa và có Đội văn nghệ hoạt động thường xuyên; số hộ nghèo chỉ còn 43%; đặc biệt không còn tình trạng uống rượu xay gây mất an ninh trật tự; từ năm 2016 đến nay không có hộ sinh con thứ ba, đám tang chỉ để hai ngày trong nhà, 80% đường giao thông nội bản được bê tông hóa…”. Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng (Mường Tè) Khoàng Xì Chừ chia sẻ.
Nếp sống mới, con người mới Lai Châu văn minh, lành mạnh giàu bản sắc được lan tỏa, thấm sâu vào từng người dân, gia đình, dòng họ, tộc người thông qua từng hành động, việc làm cụ thể của từng người dân ở địa bàn dân cư. Nhờ đó đến nay toàn tỉnh có 79,3% số hộ gia đình; 66,5% số bản, khu phố; 94,6% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 1.102 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên; 699 nhà văn hóa bản, khu phố, 82 nhà văn hóa cấp xã; 92,4% thôn, bản, khu phố xây dựng được quy ước, hương ước và áp dụng vào cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có trên 31.000 hiện vật; 26 di tích được xếp hạng, trong đó có 21 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 05 di tích Quốc gia và 01 Bảo vật quốc gia; 13 “Nghệ nhân ưu tú”, đây chính là những pho tượng sống góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cũng như duy trì tổ chức 40 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh hàng năm.
Du khách hành hương viếng Đền thờ Vua Lê Lợi
|
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Lai Châu sẽ thực hiện nhiều giải pháp mới nhằm xây dựng phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hội nhập nhưng không hòa tan. Thay cho lời kết chúng tôi xin mượn lời của chị Vi Thị Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng nhận xét khi đến với Lai Châu: “Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dòng họ, tộc người ở các xã, bản vùng cao, khu vực biên giới, duy trì các hoạt động văn hóa và tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch ở các huyện, thành phố vào dịp 2/9 hàng năm, thì Lai Châu còn là một trong những tỉnh có những đóng góp tích cực trong việc tổ chức các ngày hội văn hóa khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, “một nếp sống mới con người mới Lai Châu” đang ngày càng tỏa sáng muôn nơi, đó chính là những điều mà chúng tôi cảm nhận được qua những chuyến công tác đến với Lai Châu”.
Bài và ảnh: Bích Hạnh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu