(TG) - Người Việt ta từ trong truyền thống vốn yêu nước, thương nòi, yêu những gì thuộc về cội nguồn, xứ sở và gắn với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Kẻ nào có thái độ huênh hoang, trọc phú, sống theo kiểu trưởng giả học làm sang hay chạy theo lối sống “dở tây dở ta”, lai căng, không giữ được gốc gác, thì kẻ đó rất dễ bị mang tiếng, thậm chí bị tẩy chay trong cộng đồng.
Từ khi đất nước mở cửa, hội nhập, dẫu quan niệm, phương châm xử thế “Ta về ta tắm ao ta...” không hẳn lúc nào cũng đúng, cũng phù hợp trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng những ai yêu văn hóa Việt, quý trọng những giá trị tinh túy, tiêu biểu đã làm nên cốt cách, tâm hồn Việt, thì cũng chẳng bao giờ ủng hộ, cổ vũ cho những thái độ, hành vi, lối sống sùng ngoại, lai căng. Bởi sùng ngoại, lai căng không chỉ là biểu hiện của tâm lý tự ti, không tự tin vào những giá trị, bản chất tốt đẹp của dân tộc, cộng đồng và con người mình, mà còn chạy theo một cách sống, cách cư xử hời hợt, hào nhoáng, giả tạo và có phần phù phiếm.
Có một dạo, truyền thông từng lên tiếng phê phán những ông bố, bà mẹ hiện đang sinh sống trên đất Việt mà lại đặt tên con “nửa Tây, nửa ta” chẳng giống ai, đại loại như: A-lếch Hạ, Giôn-xơn Trần, Ku-mi Tấn... Cũng có một dạo, dư luận tỏ ra khó chịu vì những cái tên cửa hàng, doanh nghiệp Việt đã được “ngoại hóa”, kiểu như Cuhamubasacu, Xunhakhavahopha... Mới thoạt nghe, ai cũng tưởng tên có nguồn gốc từ... Nhật Bản; nhưng khi “luận ra” mới biết đó là: “Cửa hàng mua bán sách cũ”, “Xuất nhập khẩu văn hóa phẩm”...
Căn bệnh “sùng ngoại” tiếp tục có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, khi hầu hết các dự án đầu tư bất động sản, khu đô thị sinh thái, chung cư cao cấp, biệt thự liền kề cũng mang tên tiếng nước ngoài, đặc biệt ở hai đô thị lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố du lịch như Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu... Có lẽ không ít cư dân Thủ đô sẽ cảm thấy “mờ mắt, méo miệng” khi trên địa bàn này mọc lên nhan nhản những dự án khu đô thị sinh thái, chung cư cao cấp, biệt thự liền kề có những cái tên ngoại lai như: Seasons Avenue, Green Stars, Park View Residence, Imperia Garden, Goldseason, Eco Green City, Handi Resco,... Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cư dân nơi đây cũng có lúc cảm thấy “đau lưỡi” khi phải đọc những cái tên dự án đô thị sinh thái, chung cư cao cấp bằng tên nước ngoài dài dằng dặc. Ví như ở Quận 1 có: Somerset Chancellor Court, New Generation Apartment; Quận 2 có River Garden Executive Residences; Quận 3 có Angela Boutique Serviced Residence; Quận 7 có: Dragon Hill Residence and Suites, The Era Royal Plaza...
Người viết bài này từng đến thăm một người bạn vừa chuyển đến ở tại khu chung cư Park View Residence (Hà Đông, Hà Nội). Khi đứng gần tòa nhà vài ba chục mét, dù mất công hỏi thăm dăm bảy người dân địa phương từng sinh sống hàng chục năm ở đây nhưng họ đều... lắc đầu không biết. Lý do là khu chung cư này mọc lên nhưng chưa có biển, bảng tên chỉ dẫn; mặt khác, do cái tên chung cư quá dài lại khó hiểu nên bà con địa phương chẳng mấy người quan tâm.
Khi vào khu vực bảo vệ tòa chung cư, hỏi một nhân viên an ninh có biết “Park View Residence” dịch sát nghĩa sang tiếng Việt là gì không, cậu ấy bảo: “Chẳng biết “mô tê” gì cả, ngay cư dân ở đây cũng mỗi người gọi tên chung cư một kiểu, nào là Pắc Viu, Pác Viu, Bác Viu, Pác Vưu... Còn em thì cứ gọi là “Bác Viu” cho... thuần Việt, dễ nhớ!”.
Trong số những tên dự án đô thị sinh thái, chung cư cao cấp đặc sệt tiếng nước ngoài, được biết có một số thương hiệu thuộc quyền sở hữu của người nước ngoài, còn lại phần lớn là do các “ông chủ” người Việt tự ý đặt tên. Nhiều doanh nhân, nhà đầu tư Việt đang ăn cơm Việt, sống trên đất Việt, hít thở không khí Việt, làm chung cư cho người dân Việt mà vẫn mang nặng tâm lý sùng ngoại, khiến các cư dân nơi đây nhiều lúc không khỏi “méo mồm, méo miệng” khi phải đọc những cái tên ngoại lai rất xa lạ, khó hiểu, khó nhớ! Tiếng Việt thiếu gì những tên hay, tên đẹp, tên ý nghĩa để gắn vào khu đô thị sinh thái, chung cư cao cấp, biệt thự liền kề, hà cớ gì mà phải lệ thuộc vào ngôn ngữ nước ngoài để vô hình trung tự đánh mất ngôn ngữ mẹ đẻ ngay chính trên quê hương, xứ sở mình?
Để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, khuyến khích các nhà đầu tư bất động sản Việt Nam tôn trọng và có trách nhiệm gìn giữ tiếng Việt, tránh lạm dụng tiếng nước ngoài khi gắn tên với các dự án đô thị sinh thái, chung cư cao cấp, biệt thự liền kề. Đối với các cơ quan báo chí, cần đề cao trách nhiệm, gương mẫu trong việc sử dụng ngôn từ trong sáng, chuẩn mực để góp phần bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tiếng Việt, không nên vì lợi nhuần thuần túy mà quảng cáo, truyền thông, “PR” thái quá cho các dự án đầu tư khu đô thị sinh thái, chung cư cao cấp, biệt thự liền kề có tên ngoại lai quá xa lạ đối với người Việt./.
Phúc Nội