Sau hơn 1 năm thực hiện Dự án xây dựng Kế hoạch marketing du lịch Việt Nam 2008- 2015 (bắt đầu từ tháng 3.2007), hôm 19.11.2008, tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án này đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả hoạt động và để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia nước ngoài, các sở, ngành địa phương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn và cơ quan báo chí để hoàn thiện hơn nữa kế hoạch marketing cho du lịch Việt Nam.
Dự án này do Tổng cục Du lịch thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Tây Ban Nha (AECID). Đây là lần đầu tiên kế hoạch marketing được xây dựng tại Việt Nam và hạn chế về ngân sách để nghiên cứu sâu ở những thị trường quốc tế. Tuy nhiên, số liệu có được từ những nghiên cứu, khảo sát, điều tra vẫn đủ và đáng tin cậy để có thể đưa ra đề xuất cuối cùng này.
Những quy trình marketing được thực hiện trong điều kiện rất khó khăn về cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch (khi có những thay đổi từ sáp nhập) và với phương pháp mới theo 3 hướng cơ bản: Xây dựng một kế hoạch marketing phù hợp với những yêu cầu thực tiễn của phát triển du lịch Việt Nam. Đào tạo, hướng dẫn nhóm công tác Tổng cục Du lịch thực hiện các nhiệm vụ marketing. Xây dựng mạng lưới năng động gồm các thành phần đang hoạt động trong ngành để cùng với cơ quan quản lý nhà nước phát triển mô hình du lịch Việt Nam bền vững.
Trong hơn một năm qua, nhóm công tác của Dự án đã tiến hành thu thập từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau của Tổng cục Du lịch, AECID, các Sở quản lý du lịch địa phương, kết quả điều tra của nhóm công tác, nhóm Marketing và Cạnh tranh (MC) trên cả nước. Tổ chức các cuộc điều tra và nghiên cứu đa dạng, trưng cầu ý kiến, quan điểm của các chuyên gia trong và ngoài nước, của các doanh nghiệp và người dân nhằm đưa ra kết quả về thực trạng, xu hướng, lợi thế cạnh tranh, phân tích điểm yếu và thế mạnh của du lịch Việt Nam, du lịch thế giới, từ đó xây dựng kế hoạch marketing phù hợp và hiệu quả giúp cho du lịch nước ta phát triển nhanh, mạnh, lâu dài và bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), trưởng nhóm công tác của Dự án cho biết: “Kế hoạch này được xây dựng từ dưới lên, tức là từ thực tế những người làm du lịch trực tiếp, từ các địa phương. Bởi vì chúng tôi không thể ngồi ở 80 Quán Sứ (trụ sở của Tổng cục Du lịch) để vạch ra một kế hoạch tổng thể, lâu dài như thế cho mọi miền đất nước mà chúng tôi thực hiện từ nhiều nguồn của tất cả các địa phương trên cả nước. Vì thế, kế hoạch này cần cho cả Tổng cục Du lịch lẫn các doanh nghiệp, các địa phương, nếu muốn phát triển du lịch”.
Kế hoạch được xây dựng với phương pháp mới là sử dụng hệ thống nhóm MC tự nguyện. Nhóm này là một diễn đàn tương tác- nơi các công ty, các hiệp hội, các cộng đồng và cơ quan quản lý công gặp nhau để cùng có những thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo hoạt động du lịch là bền vững và có thể kiến tạo những cơ hội và lợi ích mới cho các bên liên quan.
Kế hoạch dài hơi
Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên là điểm đến năng động, an toàn và có lợi thế về giá cả. Điều này đã khuyến khích và hấp dẫn các hãng lữ hành và công ty du lịch trên thế giới giới thiệu điểm đến Việt Nam trong các ấn phẩm quảng bá của họ.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng về lượng khách trước mắt và dự đoán sẽ đạt được trong thời kỳ ngắn và trung hạn không phải là kết quả trực tiếp từ công tác quảng bá xúc tiến của Việt Nam, bởi chúng ta thiếu vắng những hoạt động khoa học và có kế hoạch. Nguyên nhân là do du lịch Việt Nam chưa có một kế hoạch mang tính chiến lược thích hợp. Đây cũng chính là mục tiêu nghiên cứu mà bản kế hoạch đưa ra. Sự tăng trưởng về lượng khách vừa qua chẳng qua là do quy luật của thị trường quốc tế và do khách du lịch tìm kiếm những điểm đến mới thay thế cho những điểm đến truyền thống mà môi trường và xã hội đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Phạm Quang Hưng- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), Trưởng Dự án cho biết: “Bản kế hoạch cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong công tác marketing của du lịch Việt Nam và mạnh dạn đưa ra kế hoạch hành động cùng 7 mục tiêu nhằm duy trì sự ổn định lâu dài, đảm bảo Việt Nam sẽ trở thành sự lựa chọn số 1 của khách du lịch trong nhiều năm liền chứ không phải là chỉ thu hút lượng khách đột biến trong thời gian ngắn”.
Sự tăng trưởng của lượng khách phải gắn với sự phát triển và cải thiện của hệ thống hạ tầng công cộng và trang thiết bị cần thiết, phát triển đồng đều giữa các vùng miền. Việt Nam cũng phải đa dạng hóa thành phần khách và xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn trên cả nước, tránh tình trạng tập trung vào những khu vực trọng điểm. Tạo ra sự khác biệt và ưu thế cạnh tranh với các nước khác dựa trên thế mạnh về chất lượng, giá trị bảo tồn của các điểm du lịch tự nhiên và văn hóa. Chính sách cộng đồng phải được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động du lịch, tránh việc khai thác không đồng đều và suy cấp quá mức ở một số nơi, lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa và tự nhiên của quốc gia. Đã đến lúc phải tính đến phương án cải tạo, trùng tu lại một số nơi do lượng khách quá tải gây ra. Công tác quảng bá xúc tiến của Việt Nam phải phù hợp với mục tiêu về lượng khách đặt ra, nhắm tới từng đối tượng khách cụ thể và xâm nhập vào từng ngóc ngách của thị trường. Chúng ta không thể dùng một chương trình quảng bá chung chung cho tất cả các thị trường mà phải xây dựng từng thị trường cụ thể dành riêng cho từng thị trường với những sản phẩm cụ thể... Chúng ta chỉ có thể quảng bá khi chúng ta có cơ sở hạ tầng, có sản phẩm du lịch, có nhân lực, có định hướng, nghiên cứu thị trường... nếu không, cứ quảng cáo để khách vào ào ào mà dịch vụ và cơ sở không tốt, người thiếu, dự báo sai thị trường thì sẽ phản tác dụng.
Để tiếp thêm sức mạnh cho ngành du lịch trong môi trường cạnh tranh hiện nay cần phải có những cơ quan quản lý đủ mạnh, vượt qua khỏi sự níu kéo của tính quan liêu để có thể đưa ra những phản ứng tức thời đối với nhu cầu và sự thay đổi của thị trường.
Theo Lại Thuý Hà (Báo Văn hóa)