Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 20/12/2013 22:1'(GMT+7)

Lần đầu tiên nghiên cứu về ngoại thương ở Hà Nội xưa

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo công trình của tiến sỹ Đỗ Thị Thùy Lan (khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), Kẻ Chợ là trung tâm xuất nhập khẩu của Bắc Đại Việt, thương cảng trung chuyển hàng hóa giữa Nam Trung Quốc với mạng lưới thương mại quốc tế biển Đông. Như vậy, các mối liên hệ giao thương hải ngoại của cảng thị này khá thoáng mở so với những nhận định khoa học trước đây.

Tiến sỹ Đỗ Thùy Lan cho biết, lịch sử ngoại thương Việt Nam thời kỳ tiền cận đại là một đề tài khó, trong khi tài liệu rất ít, chủ yếu lại được lưu giữ ở nước ngoài. Các nghiên cứu về đề tài này vẫn chỉ dừng lại ở quy mô các bài viết mà chưa có một công trình chuyên khảo nào tập trung phân tích sâu và lý giải thỏa đáng về vị trí, vai trò, chức năng của từng cảng thị, về sự hình thành hay quá trình suy tàn của hệ thống đó cùng với vấn đề khung thời gian tồn tại của hệ thống thương mại sông Đàng Ngoài.

Công trình khái quát được bối cảnh lịch sử tác động đến sự hình thành một hệ thống cảng thị trên tuyến giao thông thủy trọng yếu nhất của Bắc Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII.

Tác giả cũng khắc họa diện mạo của cảng thị Thăng Long-Kẻ Chợ, tái hiện sự tập trung đông đảo của khách thương ngoại quốc tại Thăng Long, nhấn mạnh nền tảng thủ công nghiệp Kẻ Chợ trong bối cảnh thủ công nghiệp Đàng Ngoài, đặc biệt với hai thương phẩm tơ lụa và gốm sứ.

Quá trình hình thành và các giai đoạn phát triển của Phố Hiến được phân tích làm rõ, khẳng định sự hưng thịnh của cảng thị vào cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVII gắn liền với chính sách ngoại kiều của chính quyền Lê-Trịnh.

Đây cũng là công trình đầu tiên khắc họa vai trò của Phố Hiến trong các hoạt động ngoại thương Bắc Đại Việt cũng như vai trò, chức năng trung gian của cảng thị này trong hệ thống sông Đàng Ngoài./.

Minh Nguyệt (TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất