Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 23/10/2009 12:57'(GMT+7)

Làng nghề chế biến thực phẩm: Hiện hữu nhiều mối lo

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)


Hiện hữu những mối lo

Cả nước hiện có hơn 220 làng nghề sản xuất thực phẩm truyền thống với những cái tên quen thuộc: Tương Bần, Giò chả Ước Lễ, Bánh cuốn Thanh Trì, Bánh dày Quán Gánh... những loại sản phẩm này đã và đang góp phần làm phong phú thêm cho thị trường thực phẩm. Tuy nhiên, chất lượng VSATTP của những loại sản phẩm này luôn là vấn đề đáng quan tâm.

Thực tế, các làng nghề này đã phát huy được nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu cải thiện chất lượng món ăn của người tiêu dùng đồng thời là yếu tố thúc đẩy phát triển dịch vụ văn hoá, du lịch ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, cũng từ thực tế chính tại các làng nghề cũng đã không ít lần dấy lên dư luận về tình trạng báo động mất VSATTP. Việc sử dụng hàn the, phoóc-môn, phẩm màu cấm, vấn đề bàn tay bẩn, các dụng cụ bẩn, ô nhiểm... chưa kiểm soát được. Bên cạnh đó, ô nhiễm thực phẩm từ môi trường, bao bì, từ người trực tiếp chế biến thực phẩm là rất cao. Tình trạng phổ biến của các hộ, cơ sở sản xuất nghề ở nông thôn là sử dụng ngay diện tích ở làm nơi sản xuất. Khi quy mô sản xuất tăng lên hoặc sử dụng thiết bị, hóa chất đã làm cho môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề. Về cơ bản, phần lớn nước thải tại các làng nghề chế biến thực phẩm đều thải thẳng ra ngoài không qua bất kỳ khâu xử lý nào.

Qua phân tích nước thải của một số làng nghề của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm mới đây cho thấy chất lượng môi trường nước rất đáng lo ngại. Chất lượng nước ngầm tại các làng nghề chế biến thực phẩm phần lớn đều có dấu hiệu bị ô nhiễm với hàm lượng COD, TS, NH4+ trong nước giếng cao. Cụ thể: nước giếng của làng nghề sản xuất nước mắm Hải Thanh (Thanh Hóa) hàm lượng COD lên tới 186 mg/lít... Nước thải này tồn đọng ở cống rãnh thường bị phân hủy yếm khí gây ô nhiễm không khí và ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm môi trường đất và suy giảm chất lượng nước ngầm. Đối với môi trường không khí, nguồn gây ô nhiễm đặc trưng nhất của làng nghề chế biến thực phẩm là mùi hôi thối do sự phân hủy của các hợp chất hữu cơ có trong chất thải rắn và nước thải từ các cống rãnh, kênh mương.

Kết quả cũng cho thấy: 8 - 30% người dân có bệnh về đường tiêu hóa; 4,5 - 23% bệnh viêm da, 6 - 18% bệnh đường hô hấp; 13 - 38% phụ nữ làng nghề mắc bệnh phụ khoa...  Đơn cử: tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp ở làng nghề Dương Liễu (Hà Tây cũ), làng bún bánh Vũ Hội (Thái Bình) là 70%, làng sản xuất nước mắm Hải Thanh là 10%...

Cần có giải pháp căn cơ

Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, về phía Nhà nước: cần có những chủ trương, chính sách khuyến khích tạo điều kiện phát triển các làng nghề chế biến thực phẩm như các chính sách ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước) chính sách vay vốn nâng cấp trang thiết bị... Khuyến khích các cơ sở sản xuất - chế biến thực phẩm áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến như thực hành sản xuất tốt (GMP); Chương trình phân tích mối nguy, kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) trong chế biến thực phẩm.

Về phía các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm cần nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như điều kiện vệ sinh về cơ sở nhà xưởng, môi trường sản xuất, trang thiết bị dụng cụ... Thực hiện nghiêm túc các quy định về học tập kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người chế biến, sản xuất cần được khám sức khoẻ định kỳ, thực hành vệ sinh cá nhân tốt trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, đối với các làng nghề sản xuất sản phẩm từ tinh bột cần cải tiến máy rửa guồng quay, tuần hoàn, tái sử dụng lại nước lắng tinh bột cho công đoạn rửa củ; tận thu lại bã thải (trồng nấm, làm phân bón, thức ăn cho gia súc, thu năng lượng bằng hầm bi-ô-ga). Với nơi sản xuất bún: cải tiến thiết bị vắt bún, thay thế lò đốt kín, có bảo ôn nhiệt, có ống thải khí; với nơi sản xuất đậu phụ: trang bị máy ly tâm tách bã, thay thế gói khuôn thủ công bằng máy, thay thế lò đốt kín, có bảo ôn nhiệt, có ống thải khí./.

Nhật Quang

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất