Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 25/7/2010 15:41'(GMT+7)

"Lãng phí chữ nghĩa”

 

Sử dụng “lời nói” trên sóng phát thanh có phần công phu hơn “chữ viết”, vì nó phải đi qua 2 lần soát xét, từ sáng tạo văn bản đến khi đọc - thể hiện lên làn sóng. Nếu vô ý sử dụng lãng phí ngôn từ phát thanh hoặc dùng từ theo kiểu “hàng giả” thì hậu quả sẽ không dễ khắc phục như kiểu “đền bù thiệt hại vật chất”, vì “lời trên sóng” cùng một lúc đã đến với đông đảo bạn nghe Đài cả trong và ngoài nước.

Xưa nay người ta chỉ nhắc nhau đừng lãng phí tiền của, công sức, vì đó là tài sản vật chất. Thật ra, còn có loại lãng phí nữa đối với “tài sản phi vật thể”, không dễ nhìn thấy và hậu quả càng không dễ gì khắc phục. Đó là hiện tượng “lãng phí chữ nghĩa”. Dùng chữ nghĩa to để biểu đạt giá trị nhỏ là lãng phí. Hậu quả không chỉ làm mòn nhạt đi hàm nghĩa của chữ, mà nguy hại hơn, nó sẽ gây ra chứng ảo giác, tự huyễn hoặc, vội bằng lòng với mình.

Xin dẫn chứng hiện tượng sử dụng từ “nổi tiếng” trên các phương tiện tuyền thông. Đã có nhiều ý kiến bàn thảo về tiêu chuẩn của sự “nổi tiếng” nhưng rất tiếc chưa có cơ quan chức năng nào kết luận và phân định. Trong phạm vi bài báo nhỏ, chúng tôi chỉ mong nhắc lại thang bậc giá trị đích thực có sẵn trong tiếng Việt để khi dùng loại chữ to tát như thế trên sóng phát thanh sẽ không bị lãng phí.

Gần đây, dễ nhận thấy từ “nổi tiếng” đã bị sử dụng tới mức “lạm phát”. Một ca sĩ xuất hiện trên màn ảnh nhỏ vài lần được gọi ngay là “nổi tiếng”. Lại có chương trình truyền hình “Vào bếp với những người nổi tiếng”, mà xem xong mới thấy nước ta có lắm người “nổi tiếng” đến thế. Người mới lần đầu làm bài hát hoặc thích viết để in sách “trình làng” dễ dàng được BTV đưa lên hàng “nổi tiếng”. Có diễn viên chưa kịp giấu mình (chưa nói đến mức “hoá thân”) vào nhân vật đã thành “nổi tiếng”, rồi vội tráng qua “lớp tại chức” để được mặc nhiên thành đạo diễn điện ảnh “nổi tiếng”… Lạ lùng hơn nữa, cái sự “nổi tiếng” - cứ cho là như thế - cũng chỉ quanh quẩn bên những ca sĩ, diễn viên, người mẫu… Trong khi đó, những tài danh đích thực trong nhiều ngành khác, như: Khoa học công nghệ, y học, mỹ thuật… lại chẳng thấy ai nhắc nhớ.

Thử hỏi, khi đã hoang phí giá trị của sự “nổi tiếng” như thế thì biết dùng từ nào cao hơn để nhắc tới những vị thế “nổi tiếng” đích thực từng được nhân dân và nghệ thuật kiểm định. Ví như NSND - danh ca đích thực Trần Khánh của Đài TNVN một đời hát cho bộ đội và nhân dân mình nghe. Nhạc Trịnh Công Sơn an ủi bao lớp người biết cách bình yên giữa cõi thực. Đạo diễn quá cố Hồng Sến đưa “Cánh đồng hoang” lên màn ảnh nhiều nước để họ nhìn ra cái giá chiến thắng của nhân dân mình. Và rất nhiều tên tuổi khác...

Suy cho cùng, chính là BTV một số báo, đài đã vô tình hay quá vội vàng dán mác “nổi tiếng” cho nhiều người chưa xứng với giá trị đó. Như thế là tiếp tay cho sự phí phạm chữ nghĩa.

Chúng ta đều biết tiếng Việt có thế mạnh phản ánh sắc thái tinh tế. Mô tả ngoại cảnh hoặc cảm giác nội tâm, nhìn nhận sắc màu hay phẩm giá con người… đều có đầy đủ những từ ngữ tương thích và chuẩn xác. Các thang bậc giá trị trước khi thành “nổi tiếng” đã được in rõ trong nhiều cuốn từ điển.

Một ca sĩ có cơ hội xuất hiện trên màn hình ti vi nhiều lần chỉ nên xem là “quen mặt”, “biết tên”. Người học hành, đỗ đạt rồi chuộng viết văn làm thơ mà độc giả chưa kịp nhớ được chất lượng nghệ thuật tác phẩm thì cố lắm chỉ nên coi đó là “thành công”. Dựng nhiều phim hay, được khen nhiều chê ít, nên chăng gọi đạo diễn ấy đã “thành danh”. Rồi gắng vượt nữa để nổi bật trong số “thành danh” ấy mới xứng là “nổi danh”. Bởi như nàng Kiều thuở xưa, ngỡ một tuyệt phẩm giai nhân của tạo hoá mà Nguyễn Du khi sáng tác ra cũng chỉ coi Kiều thuộc cỡ “Nổi danh tài sắc một thì”...

Vậy là từ dùng để tôn vinh tài hoa - đạo đức của người nghệ sĩ có thể xem như các bậc thang giá trị được nâng cao dần giống “hình chóp nón”. Sau nhiều sự bình chọn khách quan rất khác nhau, các tầng nấc ấy càng lên cao càng được chọn lọc kĩ lưỡng, số người đạt được càng thu hẹp lại. Vì thế, trong kho từ vựng Việt, từ “nổi tiếng” đương nhiên được đứng ở đỉnh hình chóp ấy. Như vậy, “nổi tiếng” là loại từ chỉ đẳng cấp có giá trị đặc biệt, do đó sẽ không thuộc số nhiều. Phát hiện lãng phí của cải vật chất dễ thấy qua những con số hiện hữu, cách khắc phục có thể đong đếm bằng đền bù vật chất. Nhưng việc phát hiện lãng phí chữ nghĩa đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa. Chỉ có điều hậu quả nó gây ra không dễ gì khắc phục. Như việc sử dụng lãng phí chữ “nổi tiếng” đang phổ biến hiện nay, thực chất là làm sai lạc thước đo giá trị tinh thần và văn hoá./.

Theo VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất