Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 17/11/2013 14:58'(GMT+7)

Lành mạnh hoá môi trường giáo dục

(Ảnh minh hoạ: Mạnh Thắng/QĐND))

(Ảnh minh hoạ: Mạnh Thắng/QĐND))

Ngày 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên dương hàng trăm nhà giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2013 có thành tích giảng dạy, công tác xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Cùng với hoạt động trên, với truyền thống "tôn sư trọng đạo", "uống nước nhớ nguồn", vào những ngày này, khắp nơi trên cả nước đã và đang tổ chức kỷ niệm, tôn vinh những nhà giáo tiêu biểu, mẫu mực, nhân lên những mô hình hiệu quả, cách làm hay, điển hình tiên tiến của các tập thể, nhà giáo. Hình ảnh đẹp của các nhà giáo trí tuệ, đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm, vượt khó và sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp không chỉ tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, mà còn lưu giữ ký ức không phai mờ trong các thế hệ học trò và nhân dân cả nước.

Môi trường giáo dục được ví như mảnh đất ươm trồng những hạt giống tâm hồn, "vì lợi ích trăm năm trồng người” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Môi trường đó trực tiếp tác động hằng ngày đến cả thầy và trò trong mỗi nhà trường và toàn ngành giáo dục. Trong thời gian qua, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “hai tốt”, ngành giáo dục đã tích cực, chủ động triển khai nhiều phong trào mới như: “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”, “Mỗi nhà giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”… Qua đó, môi trường giáo dục của các nhà trường tiếp tục được giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa, đạo lý của dân tộc. Từ môi trường đó, phẩm chất đạo đức, tài năng của các thế hệ học trò được bồi dưỡng, vun đắp, dành trọn vẹn tình cảm kính trọng, yêu mến đối với đội ngũ nhà giáo, những người thầy, cô của mình.

Tuy nhiên, môi trường giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục-đào tạo không phải là một “ốc đảo” biệt lập với xã hội. Những tác động của xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường đã len lỏi, làm vẩn đục môi trường giáo dục, tác động trực tiếp đến các nhà giáo và học trò. Loại bỏ những hiện tượng tiêu cực để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh là công việc thường xuyên, khó khăn và lâu dài, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống. Trên hết và trước hết, trách nhiệm của mỗi nhà giáo phải là người gương mẫu đi đầu. Khi tất cả các nhà giáo cùng chủ động, sáng tạo ủng hộ cái mới, cái tiến bộ, văn minh; dũng cảm tuyên chiến với những hiện tượng tiêu cực trong thi cử, nói không với bệnh thành tích, với dạy thêm, học thêm… thì chắc chắn môi trường giáo dục sẽ cải thiện và phát triển.

Cả nước đang hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với những tình cảm trân trọng ghi nhớ, biết ơn công lao đóng góp to lớn của các nhà giáo đối với sự nghiệp “trồng người” của dân tộc. Mong muốn của các thế hệ học trò và cả xã hội là các nhà giáo mãi luôn xứng đáng với tình cảm tôn trọng, yêu mến và để nghề giáo là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” của xã hội ta.../.

Vũ Xuân Dân (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất