Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 30/4/2018 7:0'(GMT+7)

Lào Cai: thực hiện có hiệu quả công tác lịch sử Đảng

Bám sát các nội dung Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đã được tỉnh Lào Cai cụ thể hóa, triển khai thực hiện với nhiều giải pháp hữu hiệu mang lại hiệu quả rõ rệt.

 

'

 

Công tác lãnh đạo, triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh coi trọng và thực hiện với nhiều nội dung cụ thể, phù hợp. Trải qua 4 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh (từ khóa XII đến khóa XV) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều đề cập đến vấn đề nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống gắn với giáo dục lịch sử truyền thống trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ gắn với xây dựng văn hóa, con người Lào Cai.

 

Từ năm 2000 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành 25 chương trình công tác trọng tâm với 103 đề án về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong đó có nhiều nội dung thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử. Đặc biệt là đề án số 25 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng và khoa giáo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015” và đề án số 17 về “Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020” đã xác định nhiều nội dung, giải pháp cụ thể trong bố trí nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh; thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học biên soạn 3 cuốn sách về lịch sử tỉnh Lào Cai 110 năm (1907 – 2017); hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị nghiên cứu, biên soạn lịch sử.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuọc đã đặc biệt quan tâm đến công tác lịch sử Đảng bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo. Trong tổng số 11/15 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy được khảo sát cuối năm 2017 thì hầu hết đều ban hành các văn bản chỉ đạo công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, lịch sử đơn vị dưới các hình thức là đề án, kế hoạch, chương trình, công văn, tiêu biểu như các đảng bộ huyện Mường Khương, Sa Pa, Bảo Thắng, Bát Xát, Bảo Yên, Bắc Hà, thành phố Lào Cai.

 

Việc thực hiện quy trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm của các đảng ủy cơ bản theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bao gồm các bước như xin chủ trương cấp ủy cấp trên, lập kế hoạch nghiên thành lập ban chỉ đạo, ban biên soạn, hội thảo góp ý đề cương bản thảo, thông báo, kết luận của cấp ủy về triển khai nghiên cứu biên soạn, thủ tục xuất bản...

 

Công tác triển khai thực hiện quy trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử từng bước được nâng cao, bảo đảm chất lượng các ấn phẩm xuất bản, phục vụ có hiệu quả nhu cầu nghiên cứu, học tập của các tầng lớp nhân dân. Kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp và lịch sử của các sở, ngành, đơn vị, đoàn thể có bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, số xã và đơn vị biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử đơn vị đã tăng từ 47 cuốn năm 2012 lên 129 cuốn năm 2017 (riêng trong 5 năm từ 2013-2017 số sách lịch sử được xuất bản là 72 cuốn, tăng 25 cuốn so với 10 năm trước). Hiện nay có 58 cơ quan, đơn vị đang tiến hành sưu tầm tư liệu và tổ chức biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử ngành, đơn vị. Một số đảng bộ đã tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, xã, lịch sử đơn vị như Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh với 23 công trình, Đảng bộ huyện Bắc Hà với 21 công trình, Đảng bộ huyện Bảo Yên có 13 công trình, Đảng bộ huyện Bảo Thắng có 10 công trình,... Chất lượng nội dung ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các đảng bộ, đơn vị, địa phương không ngừng được nâng cao, thể hiện tính chuyên nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện. Các cuốn sách đã phục dựng khách quan trung thực hiện thực lịch sử; trình bày hoạt động lãnh đạo và phong trào quần chúng đặt trong mối quan hệ lịch sử Đảng bộ tỉnh/lịch sử đảng bộ huyện; văn phong tương đối trong sáng, dễ hiểu. Thông qua việc thực hiện tốt việc nghiên cứu, biên soạn ấn phẩm đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 142/255 đảng bộ trực thuộc tỉnh, đảng bộ cơ sở, đơn vị cấp tỉnh, đảng bộ xã xác định được ngày thành lập tổ chức đảng đầu tiên.  

 

Với sự quyết tâm trong chỉ đạo, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ tháng 12 năm 2013 đến tháng 3 năm 2017, Lào Cai đã hoàn thành nghiên cứu, khôi phục tư liệu, xây dựng và xuất bản 27 tập văn kiện Đảng bộ toàn tập (từ khóa I đến khóa XIV). Với khoảng 2.800 tài liệu và 33.000 trang sách bao gồm văn kiện Đại hội Đảng bộ các nhiệm kỳ, các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông báo, kết luận thông tri, báo cáo… của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy từ năm 1947 đến 2017, công trình không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với Đảng bộ và nhân dân Lào Cai; thể hiện sự kết tinh giá trị lý luận, tư tưởng và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của Lào Cai trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành.

 

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đơn vị được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực như cuộc thi viết, thi kể chuyện, sân khấu hóa… thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tiêu biểu như thi tìm hiểu lịch sử 70 năm Đảng bộ tỉnh Lào Cai (1947 – 2017), cuộc thi Bác Hồ với Lào Cai, Lào Cai làm theo lời Bác Hồ dạy. Việc bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương, sưu tầm những câu chuyện lịch sử, những tấm gương anh hùng liệt sỹ, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, quần chúng có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương được cấp ủy, chính quyền, nhất là ngành văn hóa chú trọng thực hiện.

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm và những giải pháp thiết thực, phù hợp của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của Lào Cai đã đạt những kết quả quan trọng. Vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng trong tổng thể công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Lào Cai không ngừng được củng cố, tăng cường./.

Phùng Nam Trung - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất