Thứ Hai, 30/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 27/7/2011 15:7'(GMT+7)

Lập bảo tàng kỷ vật, ký ức đồng đội

Ông Vũ Đình Lưu giới thiệu các hiện vật trong bảo tàng.

Ông Vũ Đình Lưu giới thiệu các hiện vật trong bảo tàng.

Từ lần thăm lại chiến trường xưa

Sinh năm 1945, năm 24 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh thanh niên Vũ Đình Lưu lên đường nhập ngũ. Từng là Đại đội trưởng Đại đội trinh sát thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, ông Lưu cùng đồng đội chiến đấu trên các chiến trường ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào. Năm 1974, trong một trận đánh trên chiến trường Quảng Trị, ông bị thương nặng và phải rời quân ngũ, chuyển ngành. Đến năm 2004, ông Lưu về nghỉ hưu và bắt đầu công việc sưu tầm kỷ vật cho bảo tàng của riêng mình.

Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu có gần 1.000 kỷ vật, được sắp xếp khoa học trong căn nhà rộng chừng 40m2 nằm kề ngôi nhà ông đang ở. Ông kể, trong một lần cùng đồng đội thăm lại Thành cổ Quảng Trị, ông đã đào được vài kỷ vật ở nơi mà ông cùng đồng đội đã từng quần nhau với giặc. Các kỷ vật ấy được ông gói ghém đem về cất giữ. Và cũng chính từ những kỷ vật ban đầu đó, ý tưởng kiếm tìm thêm những kỷ vật của đồng đội để lưu giữ làm bảo tàng ký ức cho riêng mình luôn nung nấu trong ông.

Nghỉ hưu ông Lưu có thêm nhiều thời gian để thực hiện ý tưởng đó. Cùng chiếc xe Honda cũ, ông rong ruổi đến hầu hết các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và miền Trung. Ông bảo, đi xe máy mới vào được tận các bản làng, vùng sâu, vùng xa. Sau mỗi chuyến đi ông mang về khi thì vài chiếc huy hiệu, cái mũ tai bèo, con dao nhíp hay cuốn nhật ký chiến trường viết dở... Mỗi kỷ vật sưu tầm được dù lớn, dù nhỏ đều mang dấu ấn một hành trình gian nan. Việc đi lại tìm kỷ vật đã vất vả nhưng xác định lai lịch, nguồn gốc di vật đôi khi còn khó khăn gấp bội. Sau 3 năm kiếm tìm không ngừng nghỉ, ông Lưu đã có trong tay gần 400 kỷ vật. Ngày 22/12/2007, Bảo tàng kỷ vật chiến tranh, bảo tàng tư nhân của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu chính thức được khai trương và đi vào hoạt động theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định.


Một góc bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Vũ Đình Lưu

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động

Từ khi khai trương, bảo tàng của ông Lưu ngày nào cũng có khách đến tham quan. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để các cựu chiến binh gặp gỡ ôn lại kỷ niệm xưa và là nơi giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông. Dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng, ông Lưu giới thiệu: “Để người xem tiện tham quan và dễ hình dung, tôi đã phân chia, sắp xếp các kỷ vật thành ba khu vực: từ ngoài cửa vào, theo chiều kim đồng hồ, là khu vực thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tiếp đó là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và cuối cùng là thời kỳ bao cấp. Trong đó, khu vực trưng bày của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhiều nhất, với hơn 500 kỷ vật...”. Ông Lưu tự hào: bảo tàng của tôi có những kỷ vật mà ít bảo tàng khác có được. Đó có khi chỉ là những vật dụng rất nhỏ trong hành trang của người lính như: lọ thuốc chống vắt, lưỡi dao cạo râu...

Mỗi kỷ vật của người lính tự thân nó đã mang một câu chuyện cảm động và với ông Vũ Đình Lưu nó còn có thêm những kỷ niệm riêng. Biết ông tâm huyết mở bảo tàng, nhiều người đã đến tận nhà trao hết cho ông những kỷ vật mà họ đã nâng niu, gìn giữ với tâm nguyện để cho thêm nhiều người biết đến. Một trong những người ủng hộ và đóng góp khá nhiều kỷ vật cho bảo tàng chính là anh trai của ông - bác sỹ quân y Vũ Đình Khôi, trong đó có chiếc chăn bằng dù pháo sáng, chiếc võng dù do một nữ y tá khâu tặng... mà ông sử dụng trong suốt những năm chiến đấu tại chiến trường Nam Lào.

Ông Lưu kể: có lần tôi xin được chiếc ruột tượng gắn với một chuyện tình cảm động. Một đôi trai gái thời đánh Pháp yêu nhau, trước khi đánh trận Điện Biên Phủ nàng trao cho chàng chiếc ruột tượng và hẹn ước: kết thúc chiến tranh, anh còn giữ được nó mang về, em sẽ cưới anh. Vì một vài lý do mà 4 năm sau ngày chiến thắng (năm 1958), chàng trai mới về, đúng ngày cô gái chuẩn bị cưới người khác. Biết người yêu trở về, mang theo chiếc ruột tượng, cô gái đã xin hủy đám cưới để thực hiện lời hẹn ước.

Một lần khác, ông Lưu nhận được cú điện thoại từ Nho Quan, Ninh Bình của chị dâu liệt sỹ Đinh Hoàng Chiêu. Bà và gia đình muốn tặng ông chiếc gùi vải được đặt trang trọng trên bàn thờ, là vật dụng được Nhà nước trang bị đầu tiên cho bộ đội trong đợt mở đường Trường Sơn. Trước khi trao tặng kỷ vật này, gia đình liệt sỹ Chiêu đã họp mặt thắp hương lên bàn thờ anh và từng người chạm vào chiếc gùi lần cuối.

Lại có lần, một cựu chiến binh ở Nam Định trao cho ông nửa chiếc chăn đơn và kể rằng trong một trận đánh giữa rừng, ông bị sốt rét nằm mê man và ai đó đã đắp lên người ông nửa chiếc chăn đơn này. Bẵng đi một thời gian, ông Lưu tình cờ sang Hải Dương, một cựu binh khác tặng ông nửa chiếc chăn đơn và kể: “đây là nửa chiếc chăn đơn mà tôi còn giữ, ngày trước sau trận đánh giữa rừng, tôi thấy một đồng chí của ta bị rét, nằm run lập cập nên đã cắt cho anh ta một nửa và đắp lên người”. Ông Lưu nghĩ đây là một sự thần kỳ và định bố trí để hai người bất ngờ gặp nhau, nhưng chẳng may người thương binh ở Hải Dương đã mất, không kịp gặp lại người đã mang ơn mình...

Qua gần 4 năm hoạt động, việc lưu giữ kỷ vật của Bảo tàng kỷ vật chiến tranh luôn được các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Nam Định tư vấn cách bảo quản, trưng bày và xử lý mối mọt, ẩm mốc. Mỗi hiện vật ông Lưu đều đánh mã số và ghi chú, chụp ảnh cẩn thận. Ông Lưu tâm sự: tôi giờ cũng gần 70 tuổi rồi, gắng làm thêm 5 - 10 năm nữa, sau đó bàn giao lại cho nhà nước quản lý. Các kỷ vật ngày càng nhiều nên bảo tàng thêm chật, khó trưng bày. Giờ tôi chỉ mong muốn sao Thành phố Nam Định quan tâm cấp cho một mảnh đất để tôi xây dựng bảo tàng quy mô rộng hơn, trưng bày được hết những kỷ vật đang lưu giữ./.

(Theo: Nhữ Sơn/Đại biểu nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất