(TCTG) - Sau nhiều năm thực hiện công tác di dân phục vụ công trình thuỷ điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã lấy lại sức hấp dẫn mời gọi, quyến rũ du khách. Đua thuyền giữa các bản trên sông vào ngày đầu xuân là một nét văn hóa truyền thống của những tộc người sinh sống trên đất Quỳnh Nhai.
Để phục vụ công trình thủy điện Sơn La, Quỳnh Nhai là huyện trọng điểm phải di rời các hộ dân lớn nhất, với trên 45 nghìn người, 8.500 hộ dân và di rời toàn bộ khu vực huyện lỵ cũ về địa điểm mới tại Phiêng Lanh (Mường Giàng). Quỳnh Nhai được biết đến là vùng đất giàu bản sắc văn hoá truyền thống với lễ hội Kim pang then, lễ hội gội đầu của dân tộc Thái trắng, những làn điệu dân ca trữ tình mượt mà... Đua thuyền giữa các bản trên sông vào ngày đầu xuân là một nét văn hóa truyền thống của những tộc người sinh sống trên đất Quỳnh Nhai với nghề trồng lúa nước, đánh bắt cá ven sông Đà. Xuân Nhâm Thìn này, cũng lần thứ hai huyện Quỳnh Nhai tổ chức lễ hội này.
|
Dòng sông Đà hung dữ năm xưa sau khi nước dâng đã trở nên hiền hoà hơn, lòng hồ Sông Đà mênh mông xanh thẳm. Sáng sớm, khi mặt trời chưa lên, sương giăng trên những dãy núi mờ xa, lòng hồ mênh mang gợi nhiều ký ức về một miền đất với nhiều trầm tích văn hoá… |
Từng dòng người đổ về cầu Pá Uôn - cây cầu cao nhất Việt Nam mỗi lúc một đông, ai cũng náo nức vì được tham dự một lễ hội hấp dẫn, đông, vui.
Hơn 500 VĐV tham gia thi đấu. Có cả đội thi của những người con Quỳnh Nhai đã dời quê cũ đi tái định cư tại huyện Thuận Châu cũng về dự giải đua thuyền.
Các đội thi đấu đã chuẩn bị sẵn sàng.
Sau hiệu lệnh xuất phát, những chiếc thuyền đuôi én vút đi trong tiếng reo hò cổ vũ, tiếng chiêng tiếng trống rộn rã…
Nội dung thi đua thuyền năm nay gồm: đua thuyền nam cự ly 1.600 mét; đua thuyền nữ và nam nữ phối hợp cự ly 1.400 mét. Trong 12 đội tham dự, đội đua thuyền xã Chiềng Bằng từng đoạt giải nhất cả nam, nữ năm 2011 là đội mạnh nhất, năm nay mang đến hội thi 42 vận động viên. Kết quả thi buổi sáng, đội nữ xã Chiềng Bằng lại đoạt giải nhất.
Lễ Hội đua thuyền truyền thống là dịp để tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc của huyện Quỳnh Nhai, mở rộng giao lưu văn hoá, thể dục thể thao, thiết lập mối quan hệ với các địa phương lân cận cũng như gắn kết đồng bào huyện trước đây đã di dời ra khỏi huyện về các điểm tái định cư trong tỉnh.
Dòng Đà giang một thời hung dữ, bây giờ thành mặt hồ rộng hàng nghìn ha, trong xanh, một vùng non nước hùng vĩ. Người Quỳnh Nhai giàu lòng mến khách, đất Quỳnh Nhai giàu bản sắc văn hóa…tất cả đang gợi mở một tiềm năng du lịch của Quỳnh Nhai.
Bài và ảnh: Thúy Hà