Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 3/2/2012 13:57'(GMT+7)

Liên hoan thơ Châu Á -Thái Bình Dương: Giao lưu và hội nhập văn hóa

Ngày 02/02/2012 tại thành phố Hạ Long xinh đẹp - nơi sở hữu kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và mới đây vinh dự  nằm trong top 7 cùng các địa danh thiên nhiên thế giới mới do Tổ chức New7Wonders bầu chọn - đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan thơ Châu Á -Thái Bình Dương lần thứ nhất. Đây là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng mở đầu năm 2012 do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày thơ Việt Nam. Sự kiện này kéo dài từ ngày 3-6/2/2012 (tức 12-15 tháng Giêng năm Nhâm Thìn) với một  chuỗi các hoạt động tại thủ đô Hà Nội và Quảng  Ninh.

Chọn Quảng Ninh - nơi có Ngày thơ đầu tiên đăng cai Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất

Hơn 20 năm nay, Ngày thơ Quảng Ninh đã thành nét đẹp văn hóa quen thuộc và rất đỗi thiêng liêng, kiêu hãnh của những người con đất Mỏ. Tự hào hơn khi Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước một năm có tới 2 ngày thơ. Và Ngày thơ Việt Nam ít nhiều cũng có xuất phát điểm từ Ngày thơ Quảng Ninh. Đó là, mùa xuân Mậu Tý 1468, vua Lê Thánh Tông (năm Quang Thuận thứ 9), đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long, để uống rượu ngâm thơ. Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, nhà thơ Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá:

"Nhận nước trăm sông sóng cuộn đầy

Núi bày cờ thế, biếc liền mây

Xưa theo kẻ khác luôn bền chí

Giờ đã tung hoành một chớp tay

Đế Chủ điệp trùng quân hổ mạnh

Hải Đông đã tắt khói lang bay

Trời Nam muôn thuở non sông vững

Yển vũ tu văn dựng Nước này"

Từ năm 1988, tỉnh  Quảng Ninh đã lấy ngày 29/3 gắn với ngày Vua Lê Thánh Tông đề thơ trên núi Truyền Đăng để làm ngày thơ Quảng Ninh. Kể  từ Ngày thơ đầu tiên, đến nay, Quảng Ninh đã  bước sang năm thứ 25 tổ chức Ngày thơ và như vậy, sớm hơn cả Hội Nhà văn Việt Nam. Quảng Ninh có Hạ Long - một di sản thiên nhiên thế giới 2 lần  được  UNESCO công nhận và mới đây đã vinh dự trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Chu đáo, thân thiện khi “khách đến chơi nhà”

Liên hoan đã hội tụ hàng trăm nhà thơ tên tuổi từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, cùng một số cây bút thơ đến từ các quốc gia có nền thi ca lâu đời trên thế giới ngoài châu Á tham gia với tư cách là khách mời như: Hoa Kỳ, Anh, Nga, Canađa, NiuDilan. Về phía nước chủ nhà, Việt Nam có 40 nhà thơ chính thức được mời tham dự cùng với Ban Chấp hành Hội và đại biểu các cơ quan chức năng cùng những người tham gia công tác chuẩn bị.

Chuẩn bị chu đáo với tinh thần: “Chúng ta cần một lá cờ chung, mà trong lá cờ chung ấy, mỗi quốc gia đều thấy niềm tự hào của dân tộc mình trong đó. Vì vậy, công tác chuẩn bị cần được chỉ đạo sát sao, với điều kiện tốt nhất”, nên ngay từ đầu tháng 10/2011, thư mời đã được gửi đến các nhà thơ châu Á và những nhà thơ tên tuổi của các nước khác. Mỗi nhà thơ quốc tế tham gia Liên hoan phải nộp tiểu sử văn học, ảnh, năm bài thơ và tham luận của mình về các đề tài như: thơ ca trong việc đối thoại văn hóa, thơ ca trong việc bản tồn và phát triển bản thể văn hóa của mỗi quốc gia, và thơ ca vì mục đích hòa bình, hợp tác và phát triển của châu Á.

Sự khác biệt ngôn ngữ là một trong những trở ngại trong việc giao lưu giữa các nhà thơ và độc giả. Vì thế, Ban Tổ chức đã nỗ lực hoàn thành cuốn  Kỷ yếu song ngữ của các nhà thơ quốc tế tham gia Liên hoan Thơ. Và toàn thể cơ quan Hội đã thân thiện đón tiếp khi “khách đến chơi nhà”, thể hiện tinh thần hiếu khách, yêu chuộng hòa bình và đoàn kết khu vực với các nước anh em trên thế giới.

Hội thảo "Thơ ca vì một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển"

Sau Lễ kéo cờ, lễ dâng hương Hoàng Đế - Thi sĩ Lê Thánh Tông và Lễ thả thơ Quảng Ninh lần thứ II tại chân núi Bài Thơ - nơi còn dấu tích bài thơ của Hoàng Đế - Thi sĩ Lê Thánh Tông trên vách đá là Hội thảo: "Thơ ca vì một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển" diễn ra trong không khí ấm áp thân tình, tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị.

 Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong diễn văn khai  mạc với chủ đề  "Vẻ đẹp thơ ca và hơi ấm của tình hữu nghị"  đã khẳng định:"Sự có mặt của đông đảo các bạn văn quốc tế hôm nay thêm một lần nữa chứng minh rằng, ở đâu và khi nào thì tiếng gọi của hoà bình, của tình bằng hữu cũng có sức tập họp to lớn. Đó là một lẽ phải lớn, một hơi ấm bất diệt trong một thế giới còn nhiều ngổn ngang và lo âu của chúng ta. Chúng ta đến đây, dành những giờ phút đầu năm mới để kết bạn và bàn cách góp sức làm cho Châu Á gian nan và vất vả của chúng ta, cho hai bờ Thái Bình Dương của chúng ta cùng sống trong một nền hoà bình bền vững và cùng phát triển trong tình hữu nghị lâu dài. ... Trước biết bao biến thiên và bất trắc, Thơ ca cần đem đến sự bình yên cho mỗi con người. Thêm một người được bình yên trong tâm tưởng, thế giới bớt đi một điều bất hạnh"

Ông cũng nhấn mạnh tới tính chất quảng diễn, giới thiệu văn học, mà rộng hơn là văn hóa Việt Nam tới các nước có khoảng cách địa lý như Israel, Pakistan,  Ấn Độ…đặc biệt là Israel. Ngay sau ngày thơ Việt Nam, Israel sẽ mời Việt Nam tham dự ngày thơ tổ chức tại quê hương Tây Á này, đã có nhiều đại biểu mang theo các dự án dịch thuật tham gia Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất... Nhiều tham luận chất lượng được gửi đến Liên hoan, như: "Vài ý nghĩ về thơ và việc dịch thơ" của  Nhà thơ GS, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc), Cuộc đối thoại giữa các nên văn hóa, Nhà thơ Proeung Pranit (Campuchia), Nhà thơ Uy Liv (Campuchia), Nhà thơ Soukhee Norasilp (Lào), Nhà thơ Ali Abdollahi (Iran).... Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu đã chia sẻ: "Văn đàn Việt Nam đang song hỷ lâm môn (cùng một lúc có hai việc vui mừng), song song cùng một lúc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 (2012) và Liên hoan thơ Châu Á lần thứ nhất. Đây là Ngày hội lớn làm nức lòng các nhà thơ và những người ưa thích thơ ca của Việt Nam và của châu Á. Cuộc Liên hoan lần này là một dịp quý báu để các bạn cùng nhau thưởng thức thơ, giao lưu thơ và bàn luận về thơ...". Về phía nước chủ nhà, các nhà thơ Vũ Quần Phương, Giang Nam, Trần Ninh Hồ, Đặng Huy Giang, Dương Kiều Minh, Thi Sảnh... đã có nhiều bài thơ gửi đến Liên hoan.

Liên hoan thơ Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ nhất như là cánh cửa mở ra giai đoạn mới của văn hóa – văn học Việt Nam, góp phần đưa văn học Việt Nam hội nhập với văn học quốc tế, kết nối tình hữu nghị, sự sẻ chia, chung tay xây dựng nền thơ ca đại đồng. Cùng  với Ngày thơ Việt Nam lần thứ X, đây là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trong năm 2012 của Việt Nam, đánh dấu giai đoạn mới của giao thoa – hội nhập văn hóa, văn học với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời là dịp để quảng bá, giới thiệu truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long. Qua đó, góp phần thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nhà thơ, các trí thức tiêu biểu khu vực và thế giới cùng xây dựng châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết, hợp tác, phát triển./.

 TS. Lê Thị Bích Hồng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất