Chủ Nhật, 24/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Tư, 12/7/2017 9:28'(GMT+7)

Lĩnh bảo hiểm xã hội một lần: Đẩy nhanh nguy cơ nghèo hóa

Số người hưởng BHXH một lần đang ngày càng tăng cao. Ảnh minh họa: H.P

Số người hưởng BHXH một lần đang ngày càng tăng cao. Ảnh minh họa: H.P

Theo các chuyên gia, lĩnh BHXH một lần nghĩa là khi nghỉ việc, người lao động xin lĩnh tiền hưu trí "một cục", thay vì đóng thêm để nhận lương hưu khi đủ tuổi. Số tiền này tương đương với 2 tháng lương đóng bảo hiểm cho mỗi năm làm việc của người đó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như cần tiền làm ăn, không có tiền đóng tiếp cho bảo hiểm hoặc chờ đến lúc đủ tuổi lĩnh lương hưu còn rất xa khiến cho số người lĩnh tiền BHXH một lần đang có xu hướng tăng nhanh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tổng số lao động đóng BHXH vẫn chỉ loanh quanh 13 triệu người và tăng không đáng kể trong thời gian qua.

Làm việc gần 13 năm rưỡi, chị Lê Thị Thanh (Ba Vì, Hà Nội) quyết định nhận lĩnh BHXH một lần với số tiền 55 triệu đồng. Nếu đóng thêm 11 năm 7 tháng nữa chị sẽ được hưởng lương hưu đến cuối đời kèm theo các chế độ về y tế, tử tuất…Tuy nhiên, chị vẫn lựa chọn phương án trên để lấy tiền làm vốn sản xuất nuôi gà và cá tại nhà. “Đóng bảo hiểm xã hội được từng đấy năm tôi cũng rất tiếc. Nhưng giờ tôi rất cần tiền để tăng gia sản xuất nên rút về. Nếu không kinh doanh thì tôi vẫn quyết định đóng tiếp”, chị Thanh cho biết.

Tương tự, chị Hoàng Thị Xuân (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, chị làm công nhân giày da cho một công ty ở khu công nghiệp tại Hưng Yên hơn 10 năm nay, giờ ngoài 40 tuổi và cảm thấy sức khỏe không đủ để tiếp tục công việc. Chị Xuân muốn xin nghỉ việc và nhận tiền trợ cấp BHXH một lần để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ kinh doanh buôn bán.

Như vậy, có thể thấy, với tốc độ gia tăng số người lĩnh BHXH một lần như hiện nay thì mục tiêu phấn đấu tăng 40% số người tham gia BHXH vào năm 2020 là khó có thể thực hiện. Theo thống kê, nếu năm 2014 có gần 606.000 người lĩnh BHXH một lần, năm 2015 là hơn 629.000 người, năm 2016 là 665.000 người và dự kiến năm 2017 sẽ có gần 690.000 người lĩnh BHXH một lần.

Ở một khía cạnh khác, nhiều nghiên cứu quốc tế cũng khẳng định khi xã hội phát triển, người lao động ngày càng có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn và có đến 80% số người lao động không dành được tiền tiết kiệm khi về già. Khi đó nếu như họ không có BHXH thì sẽ rơi vào tình trạng nghèo hóa, chất lượng cuộc sống thấp và trở thành gánh nặng cho cộng đồng.

Trường hợp của cụ Lê Hồng Thùy (Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ về việc lĩnh BHXH một lần. Lẽ ra có thể an hưởng tuổi già với con cháu thì cụ Thùy vẫn bận rộn hàng ngày với việc nhặt lúa, làm cốm thuê hàng ngày. Thương các con đều nghèo, cụ ở một mình. Vào những lúc ốm đau, không lao động kiếm tiền được cụ lại phải gọi các con về chăm sóc vì không biết trông vào đâu. “Ngày nào còn khỏe, tôi tự làm tự kiếm ăn. Khi ốm yếu, nằm một chỗ không đi làm thuê được thì các con tôi lại sang chăm sóc, nấu nướng cho ăn chứ biết trông vào đâu?”, cụ Thùy chia sẻ.

Ước tính tại Việt Nam hiện nay có hơn 30% người già ở thành phố và 20% người già ở nông thôn chọn không ở cùng con cháu và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên đến 50%. Điều này cho thấy, việc con cái được coi là chỗ dựa tuổi già cho các cụ thì nay đã không còn đúng nữa. Như vậy có thể thấy không có điểm tựa an sinh, không có tích lũy khi về già người lao động sẽ là gánh nặng cho chính gia đình của họ và cho cả xã hội.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, một cảnh báo trong tương lai là số lượng người được hưởng chính sách hưu trí hay nói cách khác là chính sách an sinh xã hội từ Quỹ hưu trí là không lớn. Điều này cho thấy, một bộ phận người lao động về hưu ở tuối 60 đối với nam và 55 đối với nữ sẽ không có lương hưu.

Theo một nghiên cứu, chỉ có 5% số người lĩnh BHXH một lần khởi nghiệp thành công, phần còn lại sẽ tiêu hết số tiền BHXH được hưởng trong thời gian ngắn. Vì vậy, nếu không có biện pháp giảm bớt số người lĩnh BHXH một lần thì số người có nguy cơ nghèo hóa sẽ tăng nhanh.

Rất nhiều chuyên gia cũng cho rằng, người lao động có lương hưu thì sẽ có nguồn thu nhập ổn định hơn, bảo đảm cuộc sống khi về già, không phải dựa vào con cháu. Bởi ngoài lương hưu hàng tháng được nhận thì người lao động còn được nhận rất nhiều quyền lợi khác như: được cấp miễn phí thẻ BHYT, gia đình được nhận trợ cấp tuất hàng tháng hoặc là tuất một lần sau khi qua đời. Như vậy có thể thấy, nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh trợ cấp một lần BHXH cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Chính vì thế người lao động cần có cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định của mình nhằm đảm bảo cho lợi ích lâu dài của chính bản thân họ và gia đình trong tương lai.

Theo BHXH Việt Nam, trong thời gian tới, mức lương hưu sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào  thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giá cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý. Vì vậy, người lao động cần nhận thức rõ hơn về tính ưu việt của việc hưởng lương hưu mà tiếp tục tham gia BHXH để có điều kiện hưởng chính sách hưu trí khi hết tuổi lao động. Điều này sẽ bảo đảm an sinh bền vững cho chính người lao động, gia đình và xã hội./.

BL

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất