Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Tư, 21/12/2011 22:29'(GMT+7)

Lo lắng an toàn thực phẩm cuối năm

Gần một tấn thịt lợn rừng được đóng thùng xốp ướp đá chở từ Bắc vào TP HCM để tiêu thụ trong các quán ăn "đặc sản".

Gần một tấn thịt lợn rừng được đóng thùng xốp ướp đá chở từ Bắc vào TP HCM để tiêu thụ trong các quán ăn "đặc sản".

Hàng chục, hàng trăm tấn nội tạng động vật, thịt động vật, gia cầm thiu thối, nhớt nhát, mốc xanh mốc đỏ, không qua kiểm dịch liên tiếp bị các cơ quan chức năng từ Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng cho tới TPHCM phát hiện vào dịp cuối năm. Cùng với đó là vô vàn mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thấm đẫm hóa chất nguy hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân được bày bán tràn lan trên thị trường.

Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 đang đến gần, dường như thành thông lệ, vào thời điểm năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới, nỗi lo lắng, sự bức xúc của người dân về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại tràn ngập và tăng thêm bội phần trước nguy cơ ngộ độc và dịch bệnh nguy hiểm lây truyền đe dọa.

Không thể không bức xúc và lo lắng khi mà cuối năm là thời điểm thị trường thực phẩm sôi động nhất trong năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nhất, nhưng song hành với đó là tình trạng vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm không ngừng diễn biến phức tạp gia tăng ở nhiều địa phương. 

Bức xúc hơn khi biết rằng, không chỉ có nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm mà ngay cả trách nhiệm của các bộ ngành chức năng, chính quyền các cấp cũng lỏng lẻo và yếu kém trong quản lý lĩnh vực “nhạy cảm”. Chính vì vậy mới có tình trạng ở nhiều địa phương, cán bộ thú y, kiểm dịch cơ sở vì lợi riêng đã bán giấy kiểm dịch hoặc cấp giấy kiểm dịch khống cho các thương lái kinh doanh, xe chở gia súc, gia cầm vận chuyển đi các nơi tiêu thụ, thậm chí còn hợp thức hóa nội tạng động vật, gia cầm nhập lậu từ biên giới làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cho tới nhiều loại thực phẩm nguy hại, không rõ nguồn gốc được vận chuyển, bày bán tràn ngập trên thị trường mà cơ quan chức năng biết rõ nhưng vẫn không thể xử lý triệt để nghiêm túc.

 Bởi lẽ hiện nay dù đã có Luật An toàn thực phẩm nhưng việc quản lý lĩnh vực này vẫn chồng chéo nhiều bộ ngành, quy định xử lý các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn rất hình thức, chủ yếu là xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe nên vi phạm cứ tái diễn tràn lan. Một cán bộ của quản lý thị trường Hà Nội thẳng thắn, rất ngại bắt giữ các vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, nguy hại không rõ nguồn gốc chỉ vì mức xử phạt chỉ có vài triệu đồng một lần vi phạm và tang vật thu giữ được lại không có nơi để lưu giữ và kinh phí xử lý.

Trung bình mỗi năm, cả nước có hơn một trăm vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra nhưng làm hàng ngàn người phải nhập viện và trong số này không ít người tử vong. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vì còn hàng triệu người đang bị thực phẩm bẩn, thực phẩm nguy hại thấm đẫm hóa chất âm thầm gặm nhấm, bào mòn sức khỏe hàng ngày hàng giờ mà chưa thể biết được.

Trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vào dịp cuối năm trở nên căng thẳng và phức tạp hơn, Bộ Y tế đã quyết định lập 12 đoàn thanh tra liên ngành thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại 21 tỉnh, thành phố trọng điểm. Đồng thời, các địa phương trên cả nước cũng đồng loạt ra quân thanh tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực phẩm. Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, việc thanh kiểm tập trung vào những nơi có đầu mối sản xuất cung cấp hàng thực phẩm trong dịp tết, mặt hàng phụ gia, thực phẩm tươi sống và vận chuyển thực phẩm, giết mổ gia súc gia cầm.

Quả thực ráo riết tăng cường kiểm an toàn vệ sinh thực phẩm mỗi dịp tết đến xuân về là công việc bắt buộc các cơ quan chức năng phải triển khai thực hiện, nhưng lại rất mang tính thời vụ nên khó có thể đem lại sự an tâm cho người dân. An toàn vệ sinh thực phẩm hay chuyện “cái ăn, cái uống” là vấn đề dân sinh có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân và sự ổn định của đời sống xã hội.
Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi công tác kiểm tra giám sát phải thường xuyên và chặt chẽ chứ không nên để tình trạng “đến hẹn lại kiểm tra”.

Hơn nữa, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải nâng cao và thể hiện rõ ràng, quyết liệt hơn trách nhiệm trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý thật mạnh tay, nghiêm minh mọi trường hợp, hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân.

SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất