Thứ Bảy, 28/9/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 1/5/2011 20:42'(GMT+7)

"Luật hóa" công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá

 PV: Thưa ông, Dự  thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đang được Bộ Y tế xây dựng khi được thông qua sẽ là văn bản pháp luật cao nhất "luật hóa" về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá?

Ông Nguyễn Huy Quang: Đúng vậy, các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được ban hành rải rác từ những năm 1999 đến nay. Bởi vậy, đến nay đã không theo kịp các yêu cầu mới nảy sinh.

Nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá nằm rải rác trong các văn bản do nhiều cơ  quan có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh trong từng phạm vi hẹp nên chưa mang tính hệ thống, chưa toàn diện. Chưa kể các quy định về xử phạt chưa mạnh nên không có hiệu quả.

Các văn bản quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc lá cũng chưa chú trọng đến các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các giá và thuế còn ở mức thấp.

Do đó, hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa đồng bộ, còn nhiều khoảng trống, hiệu lực pháp lý thấp, một số văn bản đã bộc lộ những mâu thuẫn, chồng chéo.

Tôi ví dụ, quy định về in cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá hiện đang có sự không thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Đó là các văn bản Quyết định số 02/2007/QĐ-BYT ngày 15/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về in cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá; Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống tác hại của thuốc lá; Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ngày 18/10/2007 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh thuốc lá.

Ngoài ra, ngày 11/11/2004, Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Hiện nay, Công ước đã có hiệu lực áp dụng tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005. Do vậy, càng cần thiết phải nội luật hóa Công ước này thành luật để có cơ sở pháp lý đủ mạnh cho việc tổ chức có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở nước ta.

Biển cấm bán thuốc lá tại BV XanhPôn - Hà Nội - Ảnh Chinhphu.vn

PV: Như vậy rõ  ràng là thực trạng pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng dự thảo luật này. Song thiết nghĩ, từ thực tế tình hình sử dụng thuốc lá  ở nước ta hiện nay cũng càng đòi hỏi phải có nghiêm luật, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Quang: Chính xác là Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới mặc dù Nhà nước ta đã và đang có nhiều nỗ lực trong phòng, chống tác hại thuốc lá.

Đối với người hút thuốc lá, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá, thuốc lào ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) là 23,8% (khoảng 15 triệu người), trong đó, tỷ lệ này ở nam giới là 47,4% và ở nữ giới là 1,4%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu là 19,9% (khoảng 12,8 triệu người). Tỷ lệ hút thuốc lào là 6,4% (khoảng 4,1 triệu người).

Đối với người hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49%.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao tồn tại ở những người làm nghề liên quan đến xây dựng, giao thông; những người nghèo có  xu hướng bắt đầu hút thuốc sớm hơn người có thu nhập cao và tỷ lệ bỏ thuốc tăng dần theo nhóm chi tiêu, có nghĩa là người có thu nhập cao bỏ thuốc lá nhiều hơn nhóm có thu nhập thấp.

PV: Thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc lá ở nước ta cũng đang là một vấn đề, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Quang: Theo kết quả điều tra của Trường Đại học Y tế công cộng, trong 1.433 điểm bán thuốc lá trên 10 tỉnh, thành phố năm 2010, có 32,6% điểm bán vi phạm về quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, tăng 3,7% so với năm 2009.

Cả nước hiện có 7 đầu mối sản xuất thuốc lá điếu. Tổng sản lượng của ngành thuốc lá năm 2010 là trên 4 tỷ bao, với giá cả thuộc loại thấp nhất trên thế giới, trong khi một số quốc gia khác có mức giá khá cao. Ở nước ta, giá trung bình của một bao thuốc lá đã có thuế của công ty cho người bán lẻ chỉ đạt 5.500 đồng/bao, cá biệt có những loại thuốc giá chỉ hơn 2.000 đồng/bao và điều này đã giúp các thanh thiếu niên và người nghèo dễ dàng tiếp cận với việc hút thuốc lá hơn.

PV: Vậy dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá dự kiến sẽ có những niêm luật gì để kiểm soát và hạn chế tối đa những vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc lá đang diễn ra thưa ông?.

Ông Nguyễn Huy Quang: Những vi phạm như chúng ta vừa nêu trên đều thuộc các hành vi bị nghiêm cấm đã được ghi rõ trong Dự thảo.

Đó là cấm kinh doanh thuốc lá lậu, thuốc lá giả, thuốc lá không bảo đảm chất lượng, an toàn, sản phẩm mô phỏng thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức; cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi và cấm trực tiếp đối tượng chưa đủ 18 tuổi hoặc phụ nữ đang trong thời gian mang thai sử dụng thuốc lá hoặc bán thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi...

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Hoàng Diên/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất