Thứ Hai, 30/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 1/8/2011 21:24'(GMT+7)

Lưu giữ bản sắc văn hóa Sài Gòn xưa

Sức sống của những giá trị văn hóa

Bằng những bức ảnh tư liệu và các tác phẩm nghệ thuật trắng đen giới thiệu những công trình kiến trúc, nét văn hóa nghệ thuật và cả những sinh hoạt bình dị trong đời sống thường nhật, 60 bức ảnh tại triển lãm được người xem đánh giá như từng mảnh ghép, tạo sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp các thế hệ hôm nay có cái nhìn sinh động về văn hóa cũng như hiện thực xã hội của Sài Gòn giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Qua những tên gọi khác nhau, Sài Gòn – TP.HCM ngày nay đã qua hơn 300 tuổi hình thành và phát triển, một cái tuổi chưa đủ bề dày như Thủ đô, nhưng đủ để sản sinh những giá trị văn hóa ăn sâu trong tâm trí của người dân vùng đất từng được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”.

Những hình ảnh cách đây khoảng một thế kỷ như trang phục của phụ nữ và trẻ em Nam Bộ, phong cách tiếp khách của phụ nữ Sài Gòn; hình ảnh thầy đồ dạy chữ Nho, thầy giáo dạy trẻ; cảnh sinh hoạt nhộn nhịp trên các kênh rạch, đường phố, những công trình nghệ thuật cổ, các trò chơi dân gian… của Sài Gòn xưa đã phần nào tái hiện lại 1/3 chiều dài lịch sử của TP. Bởi đây là bằng chứng về xã hội và văn hóa trong suốt một thế kỷ, đó là văn hóa sông nước tồn tại hài hòa cùng văn hóa đô thị.

Sự phát triển của TP ngày nay dần dần “nuốt chửng” những công trình kiến trúc cổ, nét sinh hoạt văn hóa sông nước cũng đang dần mai một theo thời gian…

Thế nhưng, những hình ảnh mang đậm nét văn hóa xưa vẫn có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người dân TP hôm nay. Th.S. Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng TP.HCM nhận định, những dấu tích lịch sử và văn hóa của TP có thể bị phai mờ hay mất dần theo thời gian.

Nhưng trong ký ức của mỗi người dân TP thì nhiều góc phố, con đường, hình ảnh người dân lao động mưu sinh… vẫn hằn sâu mãi trong tâm trí các thế hệ hôm nay và mai sau. Vì đó là những giá trị văn hóa của một thời, tuy không còn hiện diện nguyên vẹn như vốn có, nhưng bản sắc xưa vẫn luôn có sức sống.

Là người dân “gốc” ở TP.HCM, ông Lê Văn Quang, 68 tuổi (ngụ đường Nguyễn Trãi, phường 14, quận 1) vẫn nhớ như in dáng dấp từng con đường, công trình nghệ thuật, hình ảnh người bán hàng rong... Tham quan triển lãm ông nói, các bức ảnh trưng bày tuy là trắng đen, nhưng đó là hình ảnh trung thực của Sài Gòn xưa. Mong sao nó được lưu giữ nguyên vẹn để đời sau còn biết đến.

 Cảnh bán hàng rong ở Sài Gòn năm 1926

 Trang phục của phụ nữ và trẻ em Nam Bộ đầu thế kỷ XX

 Phong cách tiếp khách của phụ nữ Sài Gòn đầu thế kỷ XX

Mô hình giữa bảo tồn và phát triển

Bà Huyền cho biết, nhằm đa dạng hóa để tăng thêm diện tích và không gian hoạt động, Bảo tàng đã liên kết với Công ty cổ phần An Phú Phát (quận 2) thực hiện cải tạo cảnh quan sân vườn, tăng cường thảm xanh, hồ nước khu vực sân sau của Bảo tàng thành khu dịch vụ bổ trợ, vừa khai thác dịch vụ ăn nhẹ, giải khát; vừa là nơi tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu sinh hoạt, trưng bày triển lãm các chuyên đề về văn hóa, truyền thống lịch sử của TP.

Triển lãm “Sài Gòn xưa” là hoạt động mở đầu cho mô hình thể nghiệm này, đồng thời thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống xã hội. Mô hình trên không những góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn mở ra hướng phát triển các loại hình dịch vụ theo đúng chức năng của Bảo tàng.

Đây thật sự là hướng đi đúng để các bảo tàng giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài ưu đãi về cơ chế chính sách, cần lắm những con người có tâm huyết về văn hóa của dân tộc.

Bà Vũ Thị Bích, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phú Phát chia sẻ, thế hệ trẻ ngày nay rất giỏi trong làm kinh tế nhưng lại rất thiếu thông tin về truyền thống văn hóa xưa. Với suy nghĩ đó, bà quyết định đầu tư khoảng 7 tỷ đồng cải tạo khoảng 600m2 sân sau Bảo tàng TP.HCM thành khu dịch vụ văn hóa giải trí, với mục đích giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc đến các thế hệ trẻ thông qua các loại hình giải trí. Bà Bích cho biết thêm, ngoài chuyên đề “Sài Gòn xưa”, sắp tới các đơn vị sẽ phối hợp trưng bày về văn hóa ẩm thực Việt Nam, dân ca ba miền…

Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM cho biết: Sắp tới, mô hình kết hợp giữa bảo tồn và phát triển nói trên sẽ được triển khai rộng trong hệ thống các bảo tàng và thiết chế văn hóa trên địa bàn TP.

Triển lãm chuyên đề “Sài Gòn xưa” vừa được khai mạc ngày 29.7 tại Bảo tàng TP.HCM (86Bis – Lê Thánh Tôn, Q.1), sẽ kéo dài đến đầu tháng 9.

Hoàng Hải-VanHoa Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất