Rào cản trăm năm
Khi
chạy 100 m hạ thời gian chạy xuống dưới 10 giây; chạy 1 dặm (1,6 km)
xuống dưới 4 giây, cũng là lúc các VĐV, nhà quản lý hay cả các hãng thể
thao khát khao hạ thành tích của marathon xuống dưới 2 giờ. Năm 2014,
một VĐV của xứ chạy Kenya là Dennis Kimetto làm sống dậy niềm hy vọng
này khi hoàn thành đường chạy 42 km sau 2 giờ 2 phút 57, kỷ lục thế giới
mới của marathon tại Giải chạy Marathon Berlin. Thế nhưng khoảng cách
gần 3 phút không dễ gì vượt qua. Suốt hơn 2 năm sau đó, không một ai rút
ngắn được quãng thời gian này, dù chỉ là 1 giây.
Trong nỗ lực
vượt qua rào cản, hãng sản xuất thiết bị và thời trang thể thao Nike ra
mắt dự án có tên gọi “Breaking2” (Phá bỏ 2) vào thời điểm kết thúc năm
2016. Một dự án được công bố toàn cầu sẽ khởi động từ đầu năm 2017 với
mong muốn nâng cao thành tích của các VĐV đến mức vượt qua cột mốc 2 giờ
đã án ngữ trên đường chạy biết bao năm nay.
Cụ
thể, Nike chọn ra 3 VĐV marathon hàng đầu thế giới từ bản danh sách
2.600 VĐV. Đầu tư trên 3 VĐV trọng điểm này, Nike sẽ tập trung một đội
ngũ chuyên gia lên chương trình huấn luyện, dựa trên cơ chế sinh học để
áp dụng khoa học thể thao, thiết kế trang thiết bị luyện tập, xây dựng
hệ thống dinh dưỡng, phát triển cơ sở vật chất và quan trọng nhất là áp
dụng cả khoa học tâm lý và sinh lý thể thao vào quá trình tập luyện.
Theo
người đứng đầu ngành sinh lý học thể thao tại Học viện Thể thao Anh, bà
Emma Ross, thì những đòi hỏi của cơ thể các VĐV marathon hoàn toàn khác
với các môn thể thao khác, vì vậy việc đầu tư chuyên sâu về khoa học
hay các mặt khác từ trước khi tham gia dự án này là điều cần thiết.
Mùa
hè năm 1896, marathon lần đầu tiên được đưa vào thi đấu Olympic đã có
thành tích là 2 giờ 58 phút 50 giây. Người mở màn cho chặng đường chinh
phục mốc thời gian 2 giờ này là VĐV Spyridon Louis (Hy Lạp) đã vượt qua
các đối thủ nặng ký lần lượt gục ngã vì kiệt sức trên đường đua sức bền.
Từ đó cho tới nay, mọi nỗ lực để vượt qua rào cản 2 giờ đều bất thành.
Nếu
tính một cách giản đơn, những nỗ lực để đưa marathon có thành tích dưới
2 giờ là hoàn toàn có cơ sở nếu cứ xét cái cách VĐV Roger Bannister
chạy 1 dặm trong khoảng thời gian dưới 4 phút. Làm phép tính nhân đơn
giản, đem thành tích này mà chạy đủ chặng marathong 26,22 dặm (42,19 km)
thì thành tích chắc chắn sẽ dưới 2 giờ. Vì vậy, người ta tính dồn tổng
lực của rèn luyện, của đầu tư về thể chất và tinh thần, của trang thiết
bị tập luyện để cấp số nhân thành tích của 1 dặm ấy lên.
Nike
không phải là đơn vị duy nhất tin rằng các rào cản thành tích có thể bị
phá bỏ. Cuối năm 2014, giáo sư khoa học thể thao và rèn luyện cơ thể
Yannis Pitsiladis của Đại học Brighton (Anh) từng giới thiệu dự án
Sub2Hr cũng với mục tiêu giúp các VĐV đạt thành tích chạy marathon dưới 2
giờ. Trong lúc vận động tài trợ cho đủ 30 triệu USD mà ông cần thiết,
Pitsiladis đầu tư trên VĐV Ethiopia Kenenisa Bekele, người sau đó đạt
thành tích 2 giờ 03 giây 03 tại Giải marathon Berlin hồi tháng 9 vừa qua
và trở thành người chạy marathon nhanh thứ 2 trong lịch sử.
Thực thi nhiệm vụ
Ba
VĐV được chọn lựa cho chiến dịch của Nike là Eliud Kipchoge, nhà vô
địch Olympic Rio với thành tích cá nhân là 2 giờ 03 phút 05; Lelisa
Desisa, VĐV 2 lần vô địch giải Marathon Boston với thành tích cá nhân là
2 giờ 04 phút 45; Zersenay Tadese, người nắm giữ kỷ lục thế giới bán
marathon, kỷ lục cá nhân là 2 giờ 10 phút 41 giây.
Theo
hãng sản xuất nhiều kinh nghiệm, sở dĩ 3 VĐV này được chọn không chỉ
dựa trên thành tích cá nhân mà quan trọng hơn là khả năng phát triển
tiếp tục của họ. Kipchoge có mặt trong danh sách bởi anh hiện là VĐV
chạy marathon tốt nhất thế giới. Thành tích tốt nhất của anh mới được
lập tại London Marathon 2016 và như thế, rõ ràng anh vẫn đang còn tiềm
năng phát triển. Chiếc HCV tại Rio chứng tỏ đẳng cấp và khả năng tiềm
tàng có thể phát triển nếu có sự đầu tư tốt hơn.
Chạy
dưới 2 giờ chắc chắn là khó nhưng không phải là không được nếu tính
toán trên giấy. Chạy suốt 42,19 km dưới 2 giờ đồng nghĩa với chạy 1 dặm
(1,6 km) trung bình 4,35 phút hay mỗi km chỉ chạy trong khoảng thời gian
2,5 phút. Như vậy, các VĐV tiềm năng chỉ cần rút ngắn thời gian chạy kỷ
lục hiện nay của Kimetto xuống thêm 7 giây mỗi dặm là có thể đạt đến
mức cần thiết. Ở cự ly bán marathon nam, kỷ lục thế giới hiện là 58 phút
23, tương đương với vận tốc trung bình 4,27 phút mỗi dặm.
Trọng
tài nổi tiếng của làng điền kinh thế giới Bill Bowerman từng phát biểu:
“Mục đích thực sự của chạy không phải là để chiến thắng chặng đua mà để
khám phá các giới hạn của trái tim một con người”. Và trái tim con
người đang tự thử thách chính mình.
Minh Tuệ/Báo Tin tức