Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 19/10/2010 14:43'(GMT+7)

Mặt trận Tổ quốc: Sau 5 năm tham gia thực hiện chương trình, phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS

Nhiều sáng kiến phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tham gia thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010 được tổ chức ngày 19/10, bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá, tội phạm, ma túy, mại dâm và lây nhiễm HIV/AIDS hiện diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố phát triển, vùng giáp biên giới. Ma túy, mại dâm đã xâm nhập vào các trường học, các vùng nông thôn… Nhiều hoạt động tinh vi gây mất an toàn cho xã hội, vi phạm pháp luật và truyền thống đạo đức tập quán tốt đẹp của dân tộc. Hệ thống MTTQ trong cả nước đã phối hợp với các ngành Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tổ chức thành viên để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, thực hiện toàn dân phòng chống các loại tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng chương trình “Vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”, “Xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị không có tội phạm ma túy và người nghiện ma túy”… Đến nay, các chương trình đã được triển khai thực hiện ở hầu hết các xã, phường và khu dân cư trong cả nước, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nhiều địa phương đã xây dựng thành công những chương trình cụ thể phù hợp với điều kiện của từng nơi. TP HCM, Khánh Hòa thực hiện chương trình mục tiêu “3 giảm” (giảm tội phạm, giảm ma túy, giảm mại dâm); Thái Bình thực hiện phong trào “Tự quản”; Sơn La ra lời kêu gọi cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân các dân tộc tham gia ủng hộ “Quỹ phòng chống ma túy” để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện…

12 triệu lượt người được tuyên truyền trực tiếp

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS được xem là then chốt. Qua 5 năm thực hiện, Mặt trận các cấp đã tổ chức được 250 nghìn buổi tuyên truyền với trên 12 triệu lượt người tham dự.

Nét mới trong công tác tuyên truyền là hướng đến từng địa bàn, từng đối tượng ở khu dân cư. Tỉnh Điện Biên đã tổ chức hội nghị biểu dương già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS. Tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng mô hình “Tổ già làng”, “Hội đồng già làng tự quản”, hàng năm tổ chức hội nghị biểu dương, gặp mặt nhân sĩ trí thức tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số thông qua “Tiếng nói chung”… Thông qua các hình thức sáng tạo này, nhận thức của người dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS đã có những chuyển biến quan trọng, góp phần đẩy mạnh phong trào trong toàn dân.

Các mô hình điểm được xây dựng đã đóng góp đắc lực cho công cuộc phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Trong 5 năm, MTTQ đã xây dựng và duy trì 322 điểm chỉ đạo quy mô cấp xã và hơn 1.800 điểm chỉ đạo ở khu dân cư. Trong đó, có 85 xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường lành mạnh, 237 xã phường có chuyển biến tốt; 684 khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư lành mạnh, hơn 1.000 khu dân cứ có chuyển biến tốt. Đến nay, có khoảng 150 mô hình được xây dựng, duy trì triển khai và nhân rộng trong toàn quốc như: Mô hình khu dân cư không có tội phạm, câu lạc bộ phòng chống tội phạm, câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật; dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội, sống tốt đời đẹp đạo…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có sáng kiến trong việc xây dựng mô hình điểm như Bắc Ninh với mô hình “Tình thương trách nhiệm”; Yên Bái với mô hình “Vùng giáo không có tệ nạn ma túy”; Tuyên Quang với mô hình “Cai nghiện 3 giai đoạn”…

Trao đổi về công tác xây dựng mô hình khu dân cư không có tệ nạn ma túy, anh Thanh Bạch đến từ thị trán Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho biết: “Trước đây, nhiều lần quần chúng nhân dân, chính quyền các cấp tổ chức nhiều đợt truy quét, xử lý nhưng vẫn không hạn chế được tên nạn xã hội trên địa bàn; ngược lại, còn gia tăng số người mua, người bán và sử dụng ma túy ở địa phương cũng như nơi khác đến hoạt động khá phức tạp, gây hoang mang và hoảng sợ trong quần chúng nhân dân. Thực hiện kế hoạch của UB Trung ương MTTQ VN về việc xây dựng mô hình điểm về phòng chống tội phạm, ma túy trên địa bàn, Ban thường trược UB MTTQ thị trấn Bến Lức đã kết hợp với các cấp, các ngành vào cuộc đồng bộ, huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân. Dặc biệt, qua công tác tuyên truyền, đã tạo ra phong trào quần chúng nhân dân phòng ngừa, lên án tội phạm có liên quan đến tệ nạn xã hội, xì ke ma túy một cách mạnh mẽ. Từ đó, nhiều tụ điểm bị triệt xóa, số đối tượng vi phạm bị phát hiện và xử lý theo pháp luật, các đối tượng ma túy bị phát hiện đã có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời…”

43,5% xã, phường không có tệ nạn ma túy

Thực hiện toàn dân tham gia phòng ngừa phát hiện tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, tính đến tháng 7/2010, nhân dân cung cấp gần 1,7 triệu nguồn tin. Trong đó, gần 60% nguồn tin có giá trị giúp lực lượng Công an và các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và điều tra xử lý nhiều vụ phạm tội, nhất là các vụ án về ma túy, mua bán người.

Theo số liệu thống kê của 63 tỉnh, thành phố, tính đến tháng 6/2010, cả nước có 43,5% xã, phường không có tệ nạn ma túy. Diện tích trồng cây thuốc phiện giảm đáng kể…

Tuy dã có bước kiềm chế, song tình hình tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội tiềm ẩn nhiều phức tạp. Đại dịch HIV/AIDS tuy đã được kiềm chế song vẫn có nguy cơ lan rộng.

Trong thời gian tới, để phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc kinh doanh dịch vụ, sửa dụng đất đai, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động khi phối hợp tham gia chương trình. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp quy về công tác phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm; găn tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm vào các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…

Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất