Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 12/7/2010 15:20'(GMT+7)

Mấy suy nghĩ về công tác tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, không ngừng củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên CNXH ở nước ta. Nhiều tổ chức đảng và đảng viên đã trưởng thành mọi mặt về phẩm chất chính trị; tư duy lý luận cũng như năng lực lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và công tác vận động quần chúng… Đa số cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, trưởng thành trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công phải biết cách tuyên truyền; phải biết cách nói. Nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Chớ dùng những danh từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài đề, chớ lắp đi lắp lại. Chớ nói qua một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai. Không thích nghe nữa. Phải có lễ độ.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 80 năm qua đã khẳng định hoạt động tuyên truyền của toàn Đảng đã góp phần quan trọng tạo nên các phong trào cách mạng, góp phần lập nên những chiến thắng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay thì công tác tuyên truyền lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Thực tiễn hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng mang tính lịch sử trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng, đối ngoại…; đưa nước ta bước lên vị thế mới đưa nước ta chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền cũng tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội và các sự kiện mang tính quốc tế. Có thể nói công tác tuyên truyền các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng và các ngày lễ lớn trên đã góp phần tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trên cơ sở đó tăng cường củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động, nhằm làm nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ thời cơ, thấy rõ nguy cơ, thách thức của cách mạng Việt Nam; đoàn kết thống nhất để vượt qua những khó khăn trước mắt, thúc đẩy sự phát triển trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo. Mặt khác, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tích cực tự giác sáng tạo của quần chúng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn góp phần tích cực trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong xã hội hiện nay, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt hiện nay đất nước ta đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo động lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì vậy trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, nhiều điển hình tiên tiến trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền thời gian qua còn những hạn chế, yếu kém: Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức về vai trò của công tác tuyên truyền còn ở mức độ. Việc tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa thường xuyên, chưa chú trọng đổi mới khâu quán triệt, học tập nên vẫn còn một số cấp ủy, nhất là ở cơ sở, chưa coi trọng đúng mức việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Tuyên truyền các điển hình tiên tiến còn ít ; việc tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái còn thụ động, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống cán bộ tư tưởng và các nhà khoa học vào cuộc đấu tranh này.

Để công tác tuyên truyền được phát huy, thực sự có hiệu quả hơn, trong thời gian tới cần triển khai tập trung một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là cấp uỷ và ban tuyên giáo cấp uỷ các cấp đối với công tác tuyên truyền. Để đảm bảo cho công tác tuyên truyền hoạt động đúng hướng, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì phải có sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là cấp uỷ và ban tuyên giáo của cấp uỷ. Do đó, phải nâng cao nhận thức của cấp uỷ và thủ trưởng đơn vị đối với công tác này, lãnh đạo các cơ quan tuyên truyền cần xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, cấp uỷ các cấp hàng năm tổ chức kiểm tra chặt chẽ, đi đôi với việc sơ, tổng kết về công tác tuyên truyền.

Hai là, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm kiên định những vấn đề quan điểm có tính nguyên tắc theo tinh thần thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương. Từ đó tiến hành đổi mới việc triển khai quán triệt và học tập nghị quyết; tài liệu học tập và phương thức truyền đạt nghị quyết cần bám sát đối tượng. Trước hết, trong năm 2010 cần tập trung tuyên truyền các hoạt động chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chương trình mà Đại hội X của Đảng đã đề ra, đại hội các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cần nhận thức thống nhất trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền các điển hành tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước.

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền miệng, lựa chọn đúng nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn thiết thực với nhu cầu thông tin của nhân dân, đúng định hướng tư tưởng của đảng và Nhà nước. Công tác tuyên truyền phải thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để kịp thời tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền có các giải pháp tư tưởng, thông tin kịp thời, nhất là trước những vấn đề lớn của đất nước có tính nhạy cảm, tránh gây tâm lý và bức xúc trong nhân dân.

Năm là, để hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, trong đó cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, chú trọng đề cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trực tiếp là ngành Tuyên giáo, trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản báo chí phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí, xuất bản thuộc quyền theo đúng các chủ trương, nguyên tắc của Đảng và các quy định của pháp luật.

Sáu là, tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục của các bài viết, thu hút rộng rãi hơn sự tham gia tích cực của các cơ quan nghiên cứu, đội ngũ trí thức, các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh này. Chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch.

Hiện nay, nước ta đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công tác tuyên truyền có nhiệm vụ to lớn là giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Hơn lúc nào hết, công tác tuyên truyền của Đảng phải thực sự là cầu nối chuyển tải những thông tin của Đảng, Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

ThS Nguyễn Huy Ngọc

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất