Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 25/10/2008 22:5'(GMT+7)

Miền Trung lại đối mặt với đợt lũ mới

Đường Bến Nghé gập hơn 0,5m. Ảnh: Ngọc Lan

Đường Bến Nghé gập hơn 0,5m. Ảnh: Ngọc Lan

Tính đến 7g sáng nay, lượng mưa phổ biến từ 50 đến 150mm, một số nơi trên 150mm như Huế (Thừa Thiên-Huế): 164mm; Bình Điền (Thừa Thiên Huế): 169mm; Ba Tơ (Quảng Ngãi): 167mm; An Hòa (Bình Định): 185mm; Bồng Sơn (Bình Định): 186mm; Hoài Nhơn (Bình Định): 193mm, Vĩnh Sơn (Bình Định): 185mm, Phú Lâm (Phú Yên): 184mm.

Mực nước các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam đang lên; các sông ở Quảng Ngãi đến Bình Định đã lên đỉnh và đang xuống. Một số sông đã đạt đỉnh lũ từ mức báo động (BĐ) II đến BĐ III như: Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc: 4,20m, ở mức BĐII; sông Vệ tại trạm sông Vệ: 4,15m, trên BĐIII: 0,05m. Sông Lại Giang tại Bồng Sơn: 6,87m, trên BĐII: 0,37m. Mực nước lúc 7g sáng nay, trên một số sông như sau:

Nhiều tuyến đường chính ở TP Huế, ngập chìm trong nước. Ảnh: PHAN LÊ.

Dự báo, chiều tối và đêm nay, lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục lên; các sông ở Thừa Thiên-Huế có khả năng lên mức BĐIII và trên BĐIII; các sông ở Quảng Ngãi dao động ở mức BĐII-BĐIII; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam ở mức BĐI-BĐII. Cần đề phòng lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi

Đà Nẵng: Trung tâm thành phố ngập nặng

Mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay làm hầu hết các tuyến phố trong nội thành như: Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Quang Trung, Trưng Nữ Vương,… bị ngập nặng gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Thậm chí, tại đường Nguyễn Văn Linh đoạn giáp ngã tư Hàm Nghi và đường Trần Phú đoạn Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, đường Phan Chu Trinh… bị ngập sâu khiến hàng trăm xe bị chết máy. Mỗi khi có xe ô tô chạy ngang qua, nước lại tràn vào nhà dân.

Quảng Nam: Dân gấp rút chạy lũ

Mưa lớn đã làm hầu hết các sông Vu Gia, Thu Bồn lên nhanh và xấp xỉ mức BĐII. Đường đến các huyện miền núi như Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông. Tuyến đường Hồ Chí Minh từ Đông Giang đi Tây Giang chị sạt lở chia cắt nhiều đoạn, trong đó đoạn nặng nhất là cầu A Vương, xã Bh’lêê với hàng trăm mét khối đất đá tràn lên mặt đường. Tại huyện Đại Lộc, nước sông Vu Gia và Thu Bồn đã xấp xỉ mức BĐII, nhiều xã vùng trũng và vùng núi như Đại Hồng, Cường, Đại Hòa, Đahi An, Đại Lãnh, Đại Hưng có nguy cơ bị lũ rất cao, người dân đang gấp rút chạy lũ.

Thừa Thiên-Huế: Học sinh nghỉ học

Tại thành phố Huế, các phường Kim Long, Phú Bình, Phú Cát, Phú Hậu và các phường nội thành ngập sâu trong nước, có nơi ngập từ 0,5-0,1m, hàng ngàn nhà dân phải di chuyển lên cao để tránh lũ. Hàng trăm tuyến đường chính như Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... bỗng chốc biến thành sông, làm tắc nghẽn giao thông. Mưa lũ cũng làm mọi hoạt động lưu thông phải ngưng trệ,  tất cả trường học trong thành phố Huế và các huyện vùng trũng đã cho học sinh nghỉ học tránh lũ....

Nhiều tuyến đường chính ở thành phố Huế
ngập chìm trong nước.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, mưa lớn sẽ kéo dài cả ngày hôm qua và sáng nay vì thế mực nước trên các triền sông tại Thừa Thiên-Huế sẽ lên mức BĐIII, vì vậy khâu di dời để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của những hộ dân có nhà gần sông, chân núi được địa phương đặt nên hàng đầu.

Toàn tỉnh dự định di dời 21.000 người dân nằm trong vùng lũ quét, sạt lở đến nơi ở an toàn. Khó khăn lớn nhất của địa phương lúc này là tuyến đê Đồng Lâm ngăn lũ sông Bồ bị vỡ 200m, sâu 0,5m tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền mặc dù đã được gia cố bằng hơn 3.000 bao tải cát đá cùng nhiều vật liệu khác nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời nên nguy cơ sạt lở, vỡ đê lại là khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Viết Âu, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, huyện Phong Điền - địa phương bị ngập lụt nặng nhất trong đợt mưa lũ từ ngày 16 đến 20-10 vừa qua cho biết, hiện tại nước lũ trên sông Ô Lâu bắt đầu lên, vì thế từ giờ đến trưa nay, địa phương sẽ di dời 223 người có nhà cửa ở những vùng quá thấp ven sông Ô Lâu đến nơi ở an toàn, nếu mưa lũ vẫn tiếp tục, địa phương sẽ di dời thêm 138 hộ dân khác nằm trong diện có nhà cửa tương đối thấp trũng…

Xuất phát từ địa hình thấp trũng lại chịu tác động trực tiếp bởi lũ sông Ô Lâu nên vấn đề lương thực được địa phương chủ bị dự trữ ngay từ đầu mùa mưa lũ. Hiện tại, 100% hộ dân trong xã đã dự trữ được một số lượng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phấm khác đảm bảo sử dụng cho từng gia đình trong xã từ 7 đến 8 ngày trong mưa lũ.

Quảng Ngãi: Dự trữ lương thực trong 15 ngày

Mưa lớn làm sạt lở một số tuyến đường về các xã miền núi. Hiện nay nhiều xã ở huyện miền núi bị cô lập như: Sơn Bua, Sơn Tinh, Sơn Lập ( huyện Sơn Tây); Trà Khê, Trà Thanh, Trà Quân ( huyện Tây Trà); Sơn Giang ( huyện Sơn Hà); Long Môn ( Minh Long); Ba Lế, Ba Nam, Ba Ngạc ( huyện Ba Tơ). Riêng tuyến Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum nước đã tràn qua cầu Sông Liêng, thuộc địa bàn thị trấn Ba Tơ trên 0,5m.

Hiện nay, mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi đang lên rất nhanh, dự kiến chiều và tối nay nước trên các sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Bồng lên BĐIII. Vùng hạ lưu một số sông như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ nước đã gây ngập lụt cục bộ ảnh hưởng đến gần 100 hộ dân tại các xã Bình Dương, Tịnh Sơn, Tịnh Hòa, Đức Nhuận…

Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Kiểm tra một số địa phương, đơn vị về Phương án PCLB-TKCN năm 2008, cho thấy hầu hết các địa phương đều đã vận động nhân dân tự dự trữ lương thực, thực phẩm, dầu thắp sáng và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác để chủ động sử dụng trong thời gian ít nhất là 15 ngày.

Các huyện cũng đã chuẩn bị phương án dự trữ gạo, mì tôm, dầu thắp sáng, bố trí điểm đỗ trực thăng để đề phòng những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra và chuẩn bị vận chuyển trước đến các vùng có nguy cơ bị ngập lũ, cô lập, chia cắt giao thông, liên lạc nhất là đối với các huyện miền núi như Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà./.
 
(SGGP điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất