Bắt đầu triển khai 01/01/2017, sau sáu tháng hoạt động hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” của BHXH Việt Nam đã cho thấy những hiệu quả tích cực từ việc vận hành hệ thống. Mô hình này giúp BHXH Việt Nam quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên toàn quốc; cùng với việc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp khác đã góp phần công khai, minh bạch TTHC, đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính (CCHC) mà Ngành đề ra.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, từ đầu năm đến tháng 6, các đơn vị trong toàn Ngành đã tiếp nhận gần 15,3 triệu hồ sơ theo cơ chế “một cửa”, trong đó giải quyết được 14,3 triệu hồ sơ, đạt tỷ lệ 94,5%. Các hồ sơ còn lại đang tiếp tục được giải quyết theo đúng thời hạn quy định.
Theo báo cáo của Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), hiện BHXH các địa phương đã thực hiện kết nối dữ liệu phần mềm quản lý tiếp nhận hồ sơ 2.0; đồng thời liên kết trực tiếp với hệ thống thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và phần mềm quản lý của BHXH Việt Nam. Tại Vụ Pháp chế, hệ thống máy tính hiện đại được lắp đặt đã kết nối với tất cả BHXH các địa phương, giúp thuận tiện trong công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, TTHC tại các địa phương. Tại BHXH cấp tỉnh và cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và quản lý hồ sơ (bộ phận “một cửa”) sẽ quản lý toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến chuyển hồ sơ dữ liệu, thụ lý giải quyết, trả kết quả, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết TTHC. Hệ thống còn quản lý chi tiết đến ngày, giờ giải quyết hồ sơ, cán bộ thụ lý hồ sơ, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn. Bên cạnh đó, còn quản lý được lượng hồ sơ cần giải quyết, tiến độ giải quyết, tình trạng hồ sơ để có phương án xử lý kịp thời. Qua theo dõi quy trình trên phần mềm, lãnh đạo BHXH địa phương có thể cập nhật được thông tin về tình hình, kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC tại các phòng, bộ phận nghiệp vụ; kiểm soát, đôn đốc các phòng, bộ phận giải quyết kịp thời, tránh tình trạng tồn đọng hồ sơ.
Tại BHXH các địa phương hiện vẫn đang triển khai ba hình thức giao dịch với các đơn vị sử dụng lao động và người lao động, gồm: giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH; giao dịch qua dịch vụ bưu chính và giao dịch trực tuyến thông qua phần mềm giao dịch điện tử. Trước đây, các dữ liệu giải quyết TTHC của BHXH các địa phương qua ba “kênh” giao dịch này được Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) thống kê, tổng hợp theo hình thức thủ công, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, TTHC. Từ khi triển khai mô hình Hệ thống “Một cửa điện tử tập trung”, cơ bản khắc phục được những khó khăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ.
Vụ trưởng Pháp chế (BHXH Việt Nam) Lương Anh Tuấn thông tin, hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” giúp BHXH Việt Nam theo dõi công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của Ngành trong phạm vi cả nước. Đây là công cụ hữu ích để Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trực tiếp theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện TTHC tại các địa phương. Với những hiệu quả tích cực, trong thời gian tới, hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” tiếp tục được BHXH Việt Nam hoàn thiện và nâng cấp để đồng bộ hơn, bảo đảm tín hiệu đường truyền được nhanh chóng, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, TTHC tại các địa phương.
Cùng với nhiều nỗ lực cải cách trong thời gian qua, mô hình “Một cửa điện tử tập trung” được coi là một trong những ứng dụng CNTT vô cùng hữu ích, tạo thuận lợi cho Ngành BHXH trong việc giám sát chặt chẽ các TTHC và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC. Đồng thời, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ và TTHC, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người lao động và các đơn vị sử dụng lao động khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Đáng chú ý, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai Đề án “Thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng tập trung”, nhằm tiếp nhận xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thực thi công vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố, nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên chức ngành BHXH trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đến giao dịch.
Thái Dương (Tạp chí BHXH)