Chủ Nhật, 24/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Năm, 8/6/2017 22:25'(GMT+7)

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội: Cần có chính sách tổng thể mang tính đột phá

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với công nhân và người lao động khu vực miền Trung, ngày 22/4/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với công nhân và người lao động khu vực miền Trung, ngày 22/4/2017.

Đối với bảo hiểm xã hội (BHXH), Nghị quyết yêu cầu: nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng, BHXH. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội để bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ; nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện;r soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật;phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Áp lực mở rộng bao phủ BHXH


Tại một hội thảo mới đây bàn về mở rộng diện bao phủ BHXH, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau gần 05 triển khai NQ 15/NQ-TƯ, chính sách BHXH đã từng bước được hoàn thiện, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia và được thụ hưởng các chế độ BHXH ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2016, cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi, bên cạnh đó hàng năm, có khoảng 4 - 5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và dài hạn, gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập từ chính sách BHXH. Đó là, diện bao phủ BHXH của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới; Quỹ Bảo hiểm xã hội tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế ( ILO,) nếu không có những điều chỉnh về chính sách thì quỹ hưu trí và tử tuất ở Việt Nam có thể mất cân đối vào năm 2034. 

 Với mục tiêu đến năm 2020, số lao động tham gia BHXH đạt 50%, nhiều chuyên gia nhận định rất khó thực hiện. Bởi tính chung trong 22 năm qua, từ 1995-2016 độ bao phủ BHXH mới tăng từ 6,3% lên 28%, bình quân mỗi năm chỉ tăng gần 1%.  Trong 3 năm tới, phải tăng 22% độ bao phủ BHXH để đạt 50% như NQ 15 đề ra là thách thức rất lớn. Bởi hiện nay, trên thực tế dù thị trường lao động rộng mở (khu vực chính thức và phi chính thức), tuy nhiên vẫn còn rất nhiều lao động chưa tham gia hệ thống BHXH. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, vẫn còn 20% lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, nhưng vẫn đứng ngoài hệ thống này. Bên cạnh đó, hàng năm có khoảng 500.000 lao động đã tham gia BHXH, nhưng lại tự nguyện xin hưởng chế độ trợ cấp một lần ra khỏi hệ thống BHXH.

Tiến sỹ Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), thừa nhận, lao động nông nghiệp và những người làm ở khu vực phi kết cấu, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện rất thấp chỉ chiếm 0,25%. Đặc biệt, có khoảng 5 triệu người cao tuổi chưa được hưởng chính sách trợ giúp nào của Nhà nước như lương hưu, trợ cấp xã hội… “Những khoảng trống này là dư địa rất khó để tăng số người tham gia BHXH. Vì thế cần có những biện pháp mạnh để giải bài toán tăng độ bao phủ này…” ông Giang bình luận.

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 1995, chính sách BHXH được cải cách theo hướng dần mở rộng đối tượng tham gia, từ chỗ chỉ có công chức, viên chức được tham gia, mở sang người lao động trong các doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên rồi tiếp tục mở rộng đến các lao động có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên.Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đã có hiệu lực từ 01/1/2016, theo đó  từ 01/1/2018, đối tượng tham gia BHXH tiếp tục được mở rộng đến lao động có hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng có cơ hội tham gia BHXH tại Việt Nam. 

Về các chính sách BHXH, lúc ban đầu chỉ có chính sách BHXH bắt buộc, đến 01/1/2008 có thêm chính sách BHXH tự nguyện, bắt đầu từ 01/1/2009 có thêm chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hệ thống các chế độ BHXH dù đã rộng mở, nhưng còn chưa đa dạng và linh hoạt, nên thiếu hấp dẫn với người dân. Hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH còn chưa thuận tiện, đôi khi gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. 

Để khắc phục những hạn chế nói trên, mơi đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp cho hệ thống BHXH ở Việt Nam. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, Đề án tập trung vào các hoạt động chính chia theo các nội dung về tổng quan kinh nghiệm quốc tế; tổng quan hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng về BHXH  tổng quan chính sách BHXH ở Việt Nam từ năm 1985 - 2016 và đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH  giai đoạn 1996 - 2016; dự báo bối cảnh kinh tế, xã hội, dân số, thị trường lao động…

Hướng mở như thế nào?


Trao đổi về chính sách BHXH ở Việt Nam hiện tại, chuyên gia Nguyễn Nguyệt Nga đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (W.B) cho rằng, với các chính sách hiện tại, hệ thống hưu trí ở Việt Nam có dấu hiệu không bền vững và phải cải cách ngay từ bây giờ để cải thiện tình hình. Theo phân tích của chuyên gia này, hiện mức chi BHXH và tỷ lệ tăng hằng năm áp dụng tại Việt Nam vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, nhất là với lao động nữ. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trên thế giới là 1,7% và khu vực đông Á - Thái Bình Dương là 1,8%. Nhiều nước tăng tuổi nghỉ hưu do tuổi thọ trung bình tăng và quy định tuổi nghỉ hưu giống nhau cho cả nam và nữ. Cách làm này cũng tạo điều kiện cho nữ được hưởng lương hưu cao.

Theo bà Nga, để mở rộng diện bao phủ BHXH, cần tiến hành theo nguyên lý tăng tỷ lệ tham gia BHXH trong khu vực chính thức. Hiện, hệ thống quản lý hành chính hiện còn nhiều điểm bất cập, do đó hệ thống BHXH Việt Nam cần được hiện đại hóa như chuyển toàn bộ hệ thống sang quản lý hồ sơ điện tử, hiện đại hóa các qui trình nghiệp vụ theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm; đặt tỷ lệ lợi nhuận đầu tư quỹ bảo hiểm cao hơn và tin cậy hơn, tăng cường quản trị tài chính quỹ hưu. Ngoài ra, mở rộng các chương trình hưu trí bổ sung thông qua việc mở rộng và tăng mức đóng góp cho các chương trình hưu trí theo nghề và các công cụ tiết kiệm hưu trí tư nhân.

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, ông Chang Hee Lee thì cho rằng có 4 phương án để mở rộng diện bao phủ BHXH. Theo đó, phương án 1 là tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 đối với nam và nữ theo lộ trình cứ một năm tăng lên 1 tuổi và bắt đầu thực hiện từ 2018; Phương án 2, tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế (tính bằng tỷ số giữa người thụ hưởng và người tham gia BHXH) bằng cách sử dụng tỷ lệ tích lũy ở mức 1,5% mức đóng BHXH trong vòng 40 năm; Phương án 3 là tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ thay thế bằng cách áp dụng tỷ lệ tích lũy ở mức 1% đối với mỗi năm đóng góp, áp dụng cơ chế hưu trí toàn dân ở mức 50% lương tối thiểu khu vực Nhà nước; Phương án 4 là tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng mô hình tài khoản cá nhân tượng trưng trong vòng 40 năm chuyển đổi từ năm 2018.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; đề án Lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2015 - 2020; đề án Chiến lược phát triển ngành BHXH giai đoạn 2013 - 2020. Mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đến năm 2020, cả nước phải có 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đến hết năm 2016, cả nước đã đạt tỷ lệ bao phủ toàn quốc là 81,3% dân số, vượt 1,3% so với mục tiêu đặt ra.

Ngày 29/12/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Với việc hỗ trợ như vậy thì người lao động sẽ có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện hơn.

Như vậy, lộ trình, giải pháp mở rộng diện bao phủ để người dân tham gia BHXH, bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có, vấn đề còn lại là khâu điều hành, thúc đẩy để tiến trình này cần được thực hiện nhanh, có hiệu quả, trong đó khâu tuyên truyền tạo chuyển biến nhận thức với toàn xã hội đóng vai trò rất quan trọng./.

Hoàng Khang
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất