(TG)-Điều trị bằng ARV – thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm HIV/AIDS mang lại nhiều lợi ích cho người nhiễm và cả xã hội. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị mở rộng điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS bằng ARV hướng đến mục tiêu thanh toán HIV/AIDS vào năm 2030.
Theo UBND thành phố, hiện thành phố có 35 phòng khám ngoại trú, chăm sóc và điều trị cho 26.500 bệnh nhân, trong đó điều trị thuốc ARV cho 23.800 bệnh nhân. Bà Trương Ngọc Nhu – Chi Hội trưởng Chi hội Phát Tâm (thuộc hội phòng chống HIV/AIDS quận Bình Thạnh) cho biết: Tôi từng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, người họ đầy những vết lở loét, đi phải khúm núm vì đau…nhưng sau một thời gian được điều trị bằng thuốc ARV họ như được “hồi sinh” . Anh T.V.Hiếu – một trong số những bệnh nhân đang được điều trị bằng ARV, ngụ tại Tân Bình chia sẻ: Cách đây 3 năm khi chưa được điều trị bằng ARV tôi chỉ nặng 29 kg, cả người nổi đầy hạch như mụn cóc. Gia đình cũng đã chuẩn bị hậu sự vì nghĩ tôi chỉ còn sống vài tuần. Thế nhưng, khi được thành phố hỗ trợ điều trị miễn phí ARV, sau hơn ba tháng sức khỏe của tôi dần được cải thiện. Khi có thể lao động trở lại, tôi nhận gia công giày bỏ mối cho các cửa hàng bán giày dép, cuộc sống vì thế đã ổn định hơn.
Không chỉ giúp người nhiễm HIV/AIDS nâng cao chất lượng cuộc sống, việc điều trị bằng ARV còn mang lại lợi ích cho cả cộng đồng. Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế cộng đồng, cố vấn chương trình AIDS của thành phố: Một nghiên cứu gần đây của thành phố trong 596 bệnh nhân AIDS được điều trị bằng ARV, cứ 10 người được điều trị có tới 9 người không còn là nguồn lây HIV/AIDS cho người khác. Bởi khi điều trị ARV tốt, tải lượng vi rút HIV của người nhiễm sẽ được giảm xuống chỉ còn 400 con/ml máu – đây là ngưỡng không thể lây HIV.
Việc phát hiện sớm và điều trị sớm cho người nhiễm HIV mang ý nghĩa rất lớn cho xã hội như giúp ngăn chặn được đại dịch này. Bác sĩ Lê Trường Giang cho biết: Mỗi năm có 10 người nhiễm mới mà chúng ta phát hiện chỉ 1 người thì vẫn còn nhiều nguồn lây nhiễm HIV/AIDS. Muốn việc điều trị ARV có ý nghĩ dự phòng cho xã hội thì số người nhiễm mới được phát hiện phải chiếm tỷ lệ cao từ 80 – 90%. Một người chịu đi xét nghiệm chỉ khi nào họ hiểu rõ lợi ích của việc đi xét nghiệm và điều trị ARV. Điều này phụ thuộc vào công tác truyền thông nhưng bên cạnh đó cũng cần thay đổi các phương thức tư vấn và xét nghiệm. Cách tư vấn của chúng ta chỉ là đề cập đến những tác hại của HIV/AIDS để người được tư vấn tự quyết định có đồng ý xét nghiệm hay không. Thay vào đó, chúng ta vừa tư vấn vừa thuyết phục họ xét nghiệm có như vậy mới không bỏ sót những trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS. Không chỉ thế, chúng ta cũng cần thay đổi hình thức xét nghiệm. Quy trình xét nghiệm vẫn còn lâu và rắc rối như: phải thực hiện 3 lần xét nghiệm trong đó lần cuối cùng phải do cơ sở xét nghiệm được phép kết luận người đó có bị HIV/AIDS hay không. Chúng ta nên tiến hành song song các hình thức xét nghiệm nhanh được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Tức là cũng vẫn thực hiện xét nghiệm ba lần nhưng ba lần này diễn ra cùng một thời điểm và với những mẫu xét nghiệm khác nhau như nước bọt, máu…. Bên cạnh đó, thành phố cần mở rộng mạng lưới xét nghiệm và thêm các cơ sở được khẳng định người được tư vấn có nhiễm HIV/AIDS hay không (thành phố chỉ có 6 cơ sở được quyền khẳng định).
Sau khi phát hiện người bị nhiễm HIV/AIDS bệnh nhân sẽ được đưa vào các cơ sở quản lý, điều trị nhưng không phải ai cũng được điều trị bằng ARV ngay. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS: Do còn nhiều hạn chế về kinh phí, nguồn thuốc nên người nhiễm HIV/AIDS ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác chỉ được điều trị khi CD4<350 (CD4 còn gọi là là tế bào T- heper cell để tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, số lượng tế bào thấp, sức đề kháng của cơ thể càng thấp). Do vậy, khi điều kiện cho phép thành phố nên mở rộng việc điều trị chẳng hạn từ CD4<500 là đã được điều trị bằng ARV. Riêng các bệnh nhân nằm trong nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, gái mại dâm…) và các bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa có thể được điều trị ARV ngay mà không cần quan tâm đến CD4.
Sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành Đề án điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV/AIDS theo phương thức xã hội hóa. Theo đó những bệnh nhân có CD4<350 vẫn tiếp tục được điều trị sớm miễn phí còn những người có CD4>350 sẽ được cung ứng đầy đủ các dịch vụ nhưng bỏ tiền mua thuốc với chi phí chỉ hơn một triệu mỗi năm./.
TG