Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có hơn 15 triệu người hút thuốc lá, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người và con số này có thể tăng lên 70.000 người vào những năm tới.
Biển báo cấm hút thuốc tại một nhà hàng. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhiều nghiên cứu chỉ ra cho thấy cứ 10 người tử vong do hút thuốc lá thì có 1 người tử vong do hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá). Như vậy, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 4.000 trường hợp tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã cho biết như vậy trong buổi tập huấn thúc đẩy giám sát và truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá vừa diễn ra tại Hà Nội.
Khả năng mắc ung thư phổ gấp 6,5 lần nếu hút thuốc
Thạc sỹ Lâm cho biết thêm, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 600.000 người tử vong do hút thuốc lá thụ động và 64% số ca tử vong do hút thuốc lá thụ động là nữ.
Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng gây ra các bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...) và các bệnh về hô hấp.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K cho thấy những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng tử vong sớm hơn người không hút đến 20 năm.
Đặc biệt, những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.
Phân tích về tác hại của việc hít phải khói thuốc lá thụ động, vị đại diện WHO chỉ rõ, trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh như hen suyễn, bệnh đường hô hấp dưới, viêm phế quản, viêm tai giữa; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh,…
Với người trưởng thành, nhất là phụ nữ mang thai, khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân,…
Những người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc như ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25-30% so với những người không hít phải khói thuốc.
33 triệu người thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà
Theo phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, tại Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi hút thuốc lá thụ động gây tác hại cho sức khỏe không kém người đang hút thuốc.
Một nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ người không hút thuốc lá phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động ở Việt Nam cao nhất ở quán bar, càphê, nhà hàng.
Theo đó, tại các quán bar hay càphê năm 2010, tỷ lệ hít khói thuốc thụ động là 92%, tỷ lệ này giảm xuống còn 89% năm 2015. Tại nhà hàng, tỷ lệ này là 84% xuống còn 80%. Tỷ lệ hít khói thuốc thụ động tại nhà năm 2010 là hơn 73% giảm xuống gần 60% năm 2015.
Trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra các bệnh.
Tại Việt Nam, tuy tỷ lệ hút thuốc giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, có tới 56% người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc trước 20 tuổi.
Cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc mà người hút thuốc thải ra không khí xung quanh gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày.
Vì vậy, WHO khuyến cáo những người hút thuốc lá từ bỏ thuốc lá, không hút thuốc lá trong nhà, tại các địa điểm cấm hút thuốc lá để không gây hại tới sức khỏe những người khác./.
Thùy Giang (Vietnam+)