Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 11/9/2008 4:12'(GMT+7)

Môi trường kinh doanh 2009: Có cải thiện nhưng vẫn tụt hạng

 Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2009 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng (10/9), Việt Nam đã từ hạng 91 (trên tổng số 178 nền kinh tế được tính năm ngoái) tụt 1 bậc xuống vị trí 92 trong tổng số 181 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đó là theo cách tính của năm ngoái, nếu dùng phương pháp luận của năm nay, Việt Nam đã tụt 5 bậc (từ 87 xuống 92) trong bảng xếp hạng.

Bản báo cáo của WB đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của các nền kinh tế dựa trên 10 yếu tố gồm: Thành lập một doanh nghiệp; Giải quyết vấn đề giấy phép xây dựng; Tuyển dụng và sa thải lao động; Đăng ký tài sản; Vay vốn tín dụng; Bảo vệ nhà đầu tư; Nộp thuế; Thương mại quốc tế; Thực thi hợp đồng và Giải thể doanh nghiệp. Đánh giá này không tính đến các yếu tố như chính sách kinh tế vĩ mô, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động tiền tệ, nhận thức của nhà đầu tư hay tỷ lệ tội phạm.

Theo đại diện WB, Báo cáo Môi trường kinh doanh 2009 là ấn bản thứ 6 trong loạt các báo cáo hàng năm điều tra về các quy định nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Báo cáo cũng thể hiện các chỉ số định lượng về luật lệ kinh doanh và bảo vệ quyền sở hữu tài sản có thể so sánh được của 181 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá.

Theo báo cáo của WB, Singapore là quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu về mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh trong năm thứ 3 liên tiếp. New Zealand đứng thứ 2 và Mỹ đứng thứ 3. Hongkong (Trung Quốc) vẫn duy trì vị trí thứ 4, Thái Lan đứng thứ 13 và Malaysia đứng thứ 20.

Trong đó, tiêu chí vay vốn tín dụng của Việt Nam được các chuyên gia của WB đánh giá là có những cải cách đáng ghi nhận nhất, xếp thứ 43 so với vị trí 59 của Trung Quốc, 68 của Thái Lan và 109 của Indonesia.

Theo WB, sở dĩ Việt Nam đạt được thứ hạng tốt trong lĩnh vực vay vốn tín dụng là do Việt Nam đã áp dụng hệ thống đăng ký thông tin tín dụng công giúp lưu trữ hồ sơ các tổ chức tín dụng lâu hơn và giúp cung cấp cho các tổ chức tín dụng có thêm các dữ liệu về lịch sử tín dụng và khả năng trả nợ cho các khách hàng tiềm năng.

Báo cáo chưa sát với thực tế

Thảo luận với các chuyên gia của WB, nhiều diễn giả đại diện cho một số cơ quan trong nước nghi ngờ độ chính xác của các con số được nêu trong bản báo cáo của WB.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng báo cáo chưa phản ánh được một cách chân thực về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo đó có những điểm sáng đã bị làm tối đi và ngược lại.

Bà Phạm Chi Lan phân tích thêm, các chỉ số được xếp hạng cao như “Đăng ký tài sản” xếp hạng 37, “Vay vốn tín dụng” xếp hạng 43 hoặc “Thực thi hợp đồng” xếp hạng 42. Tuy nhiên, trên thực tế bức tranh tín dụng ở Việt Nam hiện nay rất khác so với thứ hạng này và không phản ánh được thực tế việc tiếp cận vốn tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa- hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Rita Ramalho, thành viên nhóm thực hiện báo cáo, những con số công bố trong báo cáo được tổng hợp từ các số liệu của năm 2007. Vì thế, nếu Việt Nam thực sự có những tiến bộ trong các lĩnh vực trên, sẽ được phản ánh trong bản báo cáo của năm sau.

Bên cạnh đó, báo cáo mới chỉ tập trung vào đo lường một số chỉ số nặng về hành chính, dựa trên cơ sở những văn bản pháp quy đã được công bố và đi vào thực hiện. Trong khi những yếu tố quan trọng nhất của môi trường kinh doanh tác động hàng ngày đến hoạt động của doanh nghiệp như ổn định kinh tế vĩ mô, vấn đề chống tham nhũng, lao động, hạ tầng… lại chưa đề cập đến.


Về đối tượng được tham vấn để tổng hợp báo cáo, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng cần phải được lựa chọn sát thực tế hơn. “Trong báo cáo năm ngoái, những người được tham vấn là các hãng luật nước ngoài ở Việt Nam và chỉ có mười mấy luật sư Việt Nam ở các văn phòng đó đóng góp ý kiến. Cách hỏi thế này quan liêu vì trong báo cáo nói rõ phương pháp tiếp cận là không đánh giá về đầu tư nước ngoài, nhưng đối tượng khách hàng chính của các hãng luật nước ngoài là các nhà đầu tư nước ngoài chứ không phải là các doanh nghiệp Việt Nam”, bà Phạm Chi Lan nói.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, việc trong 3 năm liên tục báo cáo đều đưa ra con số thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn thành các thủ tục nộp thuế là 1.050 giờ (tương đương 130 ngày làm việc) cần phải xem xét lại. Bởi trên thực tế Việt Nam đã có nhiều cải cách trong lĩnh vực thuế: rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục nộp thuế…

Ông Huỳnh đề nghị, báo cáo nên “bắt mạch” 10 chỉ số thành phần của nền kinh tế xem yếu tố nào mạnh, yếu tố nào yếu, từ đó đưa ra các giải pháp thì tốt hơn. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện báo cáo cần đa dạng hóa người được hỏi ý kiến, sát hơn với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không nên băn khoăn về thứ hạng

Giải thích việc môi trường kinh doanh Việt Nam bị tụt hạng, bà Phạm Chi Lan cho rằng, những cải cách của Việt Nam vẫn được thực thi và có không ít cải cách tích cực được đưa ra, tuy nhiên do các nước khác đã cải cách mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn nên họ vượt lên trên. Đây mới là điều để cho chúng ta phải suy nghĩ và nỗ lực hơn nữa.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, không nên lấy những chỉ số được xếp hạng cao hoặc lên hạng để tự mãn, cho là Việt Nam đã hơn hoặc vượt lên các nước khác. Vì khi so sánh với các nước dưới hạng, Việt Nam còn nhiều mặt đáng phải cải thiện hơn nhiều.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI và ông Sin Foong Wong, Giám đốc Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam cũng cho rằng không nên quá băn khoăn về thứ hạng vì nó chỉ mang tính chất tương đối./.

(VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất