Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 24/8/2011 20:21'(GMT+7)

Mong muốn tạo được bước phát triển nhảy vọt cho giáo dục

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ai cũng phải học. Không học thì sẽ là người dốt nát, mà dốt theo Bác Hồ cũng là một loại giặc. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới vừa ra đời đã phải đối mặt với những nguy cơ trong, ngoài hiểm nghèo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó gọi là ba thứ giặc: giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Người nêu lên nhiệm vụ của toàn thể quốc dân đồng bào là phải cùng lúc, vừa cấp bách vừa lâu dài tiêu diệt cả ba thứ giặc đó.

Riêng về tiêu diệt giặc dốt, cổ vũ và tổ chức việc học tập cho toàn xã hội, Bác Hồ nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Chỉ sau 6 ngày tuyên bố độc lập, ngày 8/9/1945 Chính phủ đã ra sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ (Sắc lệnh số 19). Sắc lệnh có chỉ thị rõ: "Trong toàn cõi Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối". Dân ta rất hiếu học. Thành ngữ Việt có câu Nửa bụng chữ bằng một hũ vàng. Xưa kia chữ Hán học khó thế mà các cụ đồ nho đều ráng sức dạy con em trong làng. Khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, chúng thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Tại Đại hội Tours (1920) Bác Hồ đã lên tiếng tố cáo: Chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt, tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập.

Vì vậy theo tôi trước hết học để có thể làm người tự do. Tự do là trái ngược với nô lệ. Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là mục tiêu của Cách mạng và biết bao liệt sĩ đã hy sinh để phấn đấu cho các mục tiêu đó của toàn dân tộc Việt Nam.

Từ một nước có tới trên 90% dân chúng mù chữ, ngày nay hầu như không còn ai thuộc tuổi đi học mà không được đến trường. Trong niên học 2009-2010 cả nước có tới 15.022.759 học sinh phổ thông, 1.935.739 sinh viên đại học và cao đẳng, 685.163 học sinh các trường chuyên nghiệp và 445.546 người theo học ở hệ giáo dục thường xuyên. Thành tích ấy của ngành Giáo dục là nỗ lực hết mình của trên 1 triệu thầy cô giáo các cấp và là một nhành hoa đẹp của chế độ ta.

Điều thứ hai tôi nhận thấy là học để làm người tốt. Giáo dục không chỉ nhằm đào tạo kiến thức mà trước hết còn phải là đào tạo nhân cách cho thế hệ trẻ. Tôi có may mắn làm đại diện Hội phụ huynh học sinh trong các lớp cấp I của khóa đầu tiên ở Trường Thực nghiệm của người bạn học cũ của tôi - GSTS. Hồ Ngọc Đại. Tôi có dịp theo dõi bước trưởng thành của các bạn của con trai tôi trong khóa học đầu tiên này. Đâu chỉ riêng có danh giá như Ngô Bảo Châu mà còn rất nhiều bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhà báo và cả những nhà doanh nghiệp tài ba khác. Trên nữa là tình bạn của các cháu ấy vẫn sống mãi qua năm tháng. Các buổi gặp gỡ nhau ồn ào, thân thiết cho thấy các cháu là những người bạn rất tốt của nhau.

Tôi rất mừng khi nghe tin GS Hồ Ngọc Đại cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho thí nghiệm lại tại Hải Phòng Chương trình Công nghệ giáo dục với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm.

Điều thứ ba mà tôi nhận thức là học để trở thành người có ích cho xã hội. Nếu học thiên kinh vạn quyển để rồi không đóng góp được chút ít gì cho xã hội, chưa kể đến những người dùng kiến thức của mình để gây hại cho xã hội, thì thật là vô ích. Muốn có ích cho xã hội thì mỗi người phải học cho mình một nghề, càng tinh thông càng tốt. Các cụ thường dạy Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Thân vinh không chỉ có nghĩa là đem lại cho mình một cuộc sống ấm no bằng những thu nhập chính đáng mà còn đem lại vẻ vang vì những cống hiến có ích cho xã hội. Các cụ thời Đông Kinh Nghĩa Thục đề ra triết lý: “Học thật (để có) nghề thật” (thực học - thực nghiệp). Người học, bằng trực giác, hiểu ngay rằng… hễ có nghề “thật” sẽ có thu nhập “thật” để nuôi thân và nuôi gia đình. Đây sẽ là sức mạnh chi phối chương trình (của nhà nước) và cách dạy (của thầy cô), vì học sinh sẽ chỉ chọn nơi nào “dạy thật”, “dạy thiết thực” để xin học. Và còn gì ích lợi cho xã hội hơn, nếu ai cũng có một nghề “thật”: từ cán bộ các cấp cho tới dân thường?

Chính vì ba l‎ý do nói trên tôi nhận thấy:

- Nhất thiết cần có một chương trình chuẩn cho giáo dục phổ thông. Việc này đâu có quá khó khi chúng ta đang thực thi công cuộc hội nhập quốc tế. Trẻ em Việt Nam có trí tuệ chả kém ai, số năm học phổ thông không khác các nước phát triển, đội ngũ thầy cô giáo hầu hết vẫn rất yêu nghề, yêu trẻ.

Tôi mong muốn chương trình giáo dục phổ thông thu gọn lại trong 10 năm. Còn hai năm cuối (lớp 11,12) nên phân ban sâu (4 ban và mỗi ban chỉ học 4 môn như đã thực hiện rất thành công ở một nước rất nghèo như Nepal).

Nên giao cho các Hội Khoa học chuyên ngành phối hợp với các giáo viên phổ thông tài hoa tham gia biên soạn chương trình. Có thể đề nghị các Đại sứ quán các nước có nền giáo dục phát triển cung cấp cho chương trình giáo dục phổ thông hiện hành của nước họ để tham khảo. Chỉ cần chương trình chứ chưa cần sách giáo khoa nên chắc không Đại sứ quán nào từ chối hỗ trợ.

Về chương trình cho bậc tiểu học, theo tôi nên thực sự cầu thị đánh giá lại chương trình của nhóm nghiên cứu công nghệ giáo dục mà trước đây đã được thực nghiệm có hiệu quả ở rất nhiều tỉnh, thành. Chương trình cho bậc đại học thì nên theo sát chương trình của các trường đại học ở các nước phát triển với sự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh nước ta.

- Việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình chuẩn là công việc của các nhóm tác giả, các nhà xuất bản (như ở hầu hết các nước phát triển). Nhà nước sẽ tiết kiệm được một số tiền rất lớn cho công việc này và sẽ có một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ để có được những cuốn sách giáo khoa tốt.

Việc lựa chọn sách giáo khoa nào là quyền của từng giáo viên, từng học sinh. Về việc giảng dạy ở bậc đại học thì theo tôi nếu môn học nào chưa có giáo trình đạt chuẩn thì không được dạy. Chuyên ngành nào chưa đủ giáo viên đạt chuẩn thì trường đó chưa được mở. Cần chuyển các môn học phi chuyên môn vào các hoạt động ngoại khóa với chất lượng và hiệu quả cao hơn so với việc tốn quá nhiều thời gian trong các chương trình nội khóa. Nhẽ nào các sinh viên du học từ các nước phát triển về phải học lại các môn học này rồi mới đủ khả năng nhận công tác (!).

- Cần tạo điều kiện cho các ngành khoa học cơ bản thu nhận được các học sinh xuất sắc, vì khoa học cơ bản là nền tảng, là xương sống cho mọi ngành kinh tế-xã hội. Muốn vậy cần miễn học phí cho các sinh viên này, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giỏi và đầu tư tập trung cho các cơ quan nghiên cứu khoa học cơ bản để sao cho không thua kém ít ra là so với các nước trong khu vực. Phát huy trí tuệ của các giảng viên đại học có năng lực đã nghỉ hưu và không nên cắt trợ cấp thâm niên đối với các nhà giáo này.

Theo tôi đó là ba kiến nghị có thể thực hiện được ngay, không tốn kém bao nhiêu nhưng có thể tạo ra được một bước phát triển nhảy vọt cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ./.

(Nguồn: Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất