Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 27/7/2010 15:30'(GMT+7)

Một chuyến đi cơ sở, nhiều bài học quý

Đường vào bản

Đường vào bản

Chiếc xe khách ì ạch leo qua từng con đèo, rồi bất ngờ quặt đầu vòng qua những khúc cua tay áo khiến cho hành khách trong xe hết chúi đầu về phía trước, rồi lại xô người dồn sang một bên. Mặc cho đèo cao, vực sâu, chiếc xe vẫn cứ hiên ngang xé mây lao đi. Lần đầu tiên đi công tác cơ sở, cũng là lần đầu tiên Tôi lên miền Tây Hà Giang. Ngắm nhìn mây trắng bồng bềnh bay dưới chân đèo, cảnh vật thiên nhiên hiện ra trước mắt mà ngỡ mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Trong nền xanh nguyên sơ của núi rừng, con đường miền Tây như dải lụa điểm những bông gạo đỏ tươi, mềm mại vắt ngang lưng chừng núi, xa xa bóng người nông dân đang cần mẫn tỉa từng bắp ngô, chàng trai dân tộc khỏe mạnh địu từng tấm PhiProximăng được Nhà nước hỗ trợ về để lợp nhà… Làn sương mỏng mảnh cõng tia nắng vàng nhạt bay khắp không gian, cầu Cốc Pài cháy đỏ hoa gạo nối hai sườn núi cho tôi đến Huyện ủy Xín Mần. Đón tiếp tôi là một anh cán bộ tuyên giáo huyện. Nhanh nhẹn, thân thiện, đậm chất giọng địa phương, anh mời tôi uống nước rồi về phòng nghỉ ngơi để sáng hôm sau bắt đầu công việc. Qua vài câu chuyện xã giao, Tôi được biết anh tên Lìn, người dân tộc Nùng nơi đây.

Sớm hôm sau, tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy, sau một vài phút trao đổi công việc với đồng chí trưởng Ban, anh Lìn được lãnh đạo phân công giúp đỡ Tôi hoàn thành nhiệm vụ. Vẫn nụ cười thân thiện, giọng nói pha chút hỉm hỉnh, anh chào Tôi: “Chào cán bộ trẻ cấp tỉnh, đi đường mệt quá phải không? Chúng ta sẵn sàng lên đường nhé!”

Chiếc xe máy Angle chở tôi và đồng nghiệp lao nhanh về phía con đường dẫn vào xã Bản Díu. Con đường nhỏ, cong queo, một bên tà luy, một bên vực sâu, lô nhô những đá, hòn nhỏ bằng cái bát ăn cơm, hòn to dễ có đến mấy thanh niên khỏe mạnh mới có thể dịch chuyển được. Đá “giàn trận đánh” như muốn thử ý chí những cán bộ tuyên giáo và như muốn hất tung chúng tôi ra khỏi con đường. Chiếc xe máy cứ liên tục chồm lên, thỉnh thoảng lại nghe như có tiếng va đập mạnh của đá vào ổ máy, có lúc xe như sắp đổ nhưng lại được đôi bàn chân săn chắc chống đỡ nên cứ tiếp tục phóng đi. Đoán được sự ái ngại của Tôi trước con đường, anh Lìn nhanh nhảu giải thích: “Ở đây có phong trào làm đường đoàn kết rầm rộ lắm em ạ! Con đường này được mở ra cũng từ phong trào ấy. Lúc đầu nó phẳng và đẹp lắm nhưng do địa chất chủ yếu là đất pha cát, cứ mỗi trận mưa, lũ làm đất trôi, đá sạt, đá trên đồi lăn xuống, đá dưới mặt đường trơ ra khiến nhiều đoạn đường bị hỏng và trở nên như thế này” và to giọng trêu Tôi: “Giữ cho chặt em nhé! Kẻo mắc bệnh nghề nghiệp hay nói, mải đi, quay lại không biết em văng xuống đoạn đường nào thì dở”. Quả thật, Tôi cũng đã nghĩ đến điều này nhưng rồi những câu chuyện hàn huyên, vẻ đẹp chân chất của thiên nhiên nơi đây làm cho tôi không còn thấy sợ đèo cao, vực sâu và quên đi những cái sóc đến lộn ruột gan.

Mặc đường khó đi, cuối cùng chúng Tôi cũng đến được nhà già làng Nò. Đúng lúc Tôi bước lên đến nhà thì Già cũng ôm bó củi nhặt từ rừng về. Như người con trong gia đình, anh Lìn nhanh nhẹn chạy xuống gầm sàn đỡ Già, vác củi lên và giới thiệu tôi với Già bằng thứ tiếng dân tộc thiểu số mà tôi không hiểu. Hai người cười nói, mời Tôi uống nước, rồi lại chung nhau hút điếu thuốc lào, chỉnh lại cái sừng trâu treo trên cột nhà… Còn tôi cười ngượng ngựu và vì nóng lòng muốn được thực hiện nhiệm vụ nên nóng lòng cho rằng cán bộ làm việc như thế này thì sẽ không hiệu quả và không thể giúp mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được. Đang mải suy nghĩ, Già Nò tiến lại gần, nắm tay tôi cười và nói sẵn sàng giúp đỡ những việc mà tôi đang cần tìm hiểu (qua lời anh Lìn dịch). Lúc ấy, tôi thực sự hiểu ra ý nghĩa sâu sắc những cử chỉ, hành động của đồng nghiệp. Nhớ về lời dạy của Bác, khi tôi được học trên giảng đường đại học: “ Tuyên truyền để làm cho những người đã yêu quý ta thì yêu quý chúng ta hơn, những người chưa yêu quý thì hiểu đúng và đi đến yêu quý chúng ta, thậm chí làm cho những người chống đối chúng ta bớt hung hăng đi”, tôi càng thấm thía và cảm thấy xấu hổ vì mình đã nghĩ sai về anh Lìn. Nhờ sự giúp đỡ của anh Lìn, đặc biệt là khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc Mông, Dao, Nùng, sau ba ngày ở xã, tôi đã hoàn thành xong nhiệm vụ được giao.

Trên suốt chặng đường trở về thị xã, càng nghĩ tôi càng thấm thía hơn câu tục ngữ ông cha ta đã dạy: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và bài học quý rút ra từ chuyến công tác đầu tiên mà cho đến bây giờ tôi không bao giờ quên, đó là: Muốn trở thành một cán bộ tuyên giáo tốt, ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận, phẩm chất đạo đức tốt thì cần thiết phải đi công tác cơ sở, phải gần gũi với nhân dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân để từ đó mới có thể tham mưu giúp cấp ủy có những giải pháp thực hiện công tác tư tưởng kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt hơn, với đặc thù Hà Giang là một tỉnh nhiều dân tộc sinh sống, thì cán bộ tuyên giáo cần thiết phải biết ít nhất tiếng của một dân tộc ít người.

Trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để góp phần cho Cuộc vận động trở nên thực sự thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa trong toàn xã hội và để đáp ứng yêu cầu của cán bộ tuyên giáo trong tình mới, bản thân tôi sẽ xây dựng cho riêng mình một kế hoạch học tập, rèn luyện nghiêm túc, hiệu quả. Việc làm đầu tiên để thực hiện kế hoạch ấy, tôi đã đăng ký tham gia lớp học tiếng Mông do tỉnh tổ chức và tham gia chương trình rèn luyện kỹ năng, nghệ thuật tuyên truyền miệng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Mặc dù đã gắn bó nhiều năm với ngành tuyên giáo và đã rất nhiều lần đi công tác cơ sở nhưng với tôi mỗi chuyến công tác sẽ có nhiều bài học quý được rút ra. Đây là kỷ niệm đầu tiên đáng nhớ của những bài học quý./.

Hoàng Thị Quyên

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất