Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 20/6/2009 22:46'(GMT+7)

Một số kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7(khoá IX) về công tác dân tộc

Nước sạch đã về với đồng bào

Nước sạch đã về với đồng bào

Nguồn vốn này được tập trung chủ yếu cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như: đường ô tô đến trung tâm xã, kiên cố hoá trường học, hệ thống thuỷ lợi, phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn. Trên thực tế, nguồn vốn này đã bước đầu phát huy tác dụng, tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về kinh tế: Mức lương thực bình quân đầu người tăng từ 250 kg/người/năm (năm 2003) lên 350 kg năm 2007. Tính đến tháng 6-2008, đã giải quyết nhà ở cho 340 nghìn hộ dân tộc thiểu số nghèo và hỗ trợ đất ở cho 62,3 nghìn hộ. Tỉ lệ hộ nghèo đói giảm bình quân khoảng 3-5%/năm, góp phần làm giảm phân hoá giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân tộc.

Hiện nay, cả nước còn hơn 200 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm cần được đầu tư. Các xã chưa có đường ô tô tập trung chủ yếu ở vùng khó khăn của các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Thanh Hoá, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Đắc Nông. Đến năm 2010, chỉ tiêu này về cơ bản có thể đạt được nhưng việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông liên huyện, liên xã đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng.

Đến nay, 100% số huyện và 95% xã có điện; các nguồn thuỷ điện nhỏ và nguồn điện năng từ sức gió, pin năng lượng mặt trời cũng được quan tâm đâu tư xây dựng; đã có hơn 70% số hộ được dùng điện, nhiều tỉnh có 100% số xã có điện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số xã chưa có điện lưới quốc gia (Điện Biên 25 xã, Lào Cai: 20 xã, Thanh Hoá: 13 xã và Lạng Sơn 12 xã...). Như vậy, phấn đấu đến năm 2010, mục tiêu 90% hộ dân có đủ điện sinh hoạt như Nghị quyết 24-NQ/TW đặt ra là có thể thực hiện được.

Về giáo dục: Đến năm 2007, 100% các xã đặc biệt khó khăn có trường tiểu học, nhà mẫu giáo và các lớp bán trú dân nuôi. Các bản ở xa trung tâm đều có lớp cắm bản, xoá bỏ tình trạng học 3 ca; 90 - 95% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; 90% xã đặc biệt khó khăn có trường trung học cơ sở kiên cố, các trường đều được tăng cường về cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện để đảm bảo chất lượng dạy và học; 100% các huyện đều có trường trung học phổ thông, ở một số huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa đều có trường phổ thông dân tộc nội trú và trường bán trú dân nuôi tại các cụm xã.

Từ năm 2003 đến nay, công tác cử tuyển vào đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp hàng năm đã có chuyển biến tốt, đã tuyển trên một nghìn học sinh ở khu vực III vùng đặc biệt khó khăn và ưu tiên tuyển sinh những dân tộc rất ít người theo học tại các trường cao đẳng, đại học công lập.

Theo báo cáo của 46 tỉnh có xã đặc biệt khó khăn, đến hết năm 2007, có 1.261 xã trong tổng số 1.808 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (chiếm 71%) và 1.409 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành phổ cập trung học cơ sở (chiếm 80%). Như vậy, mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và năm 2010 của Nghị quyết 24-NQ/TW đã đặt ra là có thể thực hiện được.

Về y tế: Đến cuối năm 2007, 100% các huyện đã có trung tâm y tế, có bác sĩ, cán bộ y tế. Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã có trạm y tế và y sĩ. Đa số thôn bản đã có cán bộ y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 25%, đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng muối i-ốt phòng chống bệnh bướu cổ. Dịch sốt rét ở vùng dân tộc thiểu số đã được ngăn chặn. Đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn đã được phục vụ, khám chữa bệnh miễn phí.

Về văn hoá: Đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, các thiết chế văn hoá ở cơ sở được quan tâm xây dựng, nhiều thôn, bản, làng, xóm, ấp và gia đình người dân tộc thiều số, được công nhận là đơn vị văn hoá và gia đình văn hoá. Các lễ hội văn hoá - thể thao được tổ chức thường xuyên ở nhiều vùng dân tộc thiểu số đã góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết giữa các dân tộc.

Đã có 25 tờ báo, tạp chí cấp không thu tiền cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống, xoá bỏ những tập tục lạc hậu được các địa phương quan tâm, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư'' có nhiều tiến bộ.

Đến cuối năm 2007, có 95% số xã đặc biệt khó khăn đã có trạm truyền thanh, trong đó nhiều xã đã phát thanh bằng tiếng dân tộc, được đồng bào các dân tộc nhiệt tình đón nhận. Tỉ lệ hộ dân được nghe đài, xem truyền hình ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng cao, gần 90% các xã đã có điện thoại, đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt. Như vậy, đến năm 2010, sẽ đạt được mục tiêu 100% đồng bào dân tộc thiểu số được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, 90% được xem truyền hình...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, đối chiếu với một số mục tiêu mà Nghị quyết số 24-NQ/TW đề ra như: Giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (tiêu chí cũ) vào năm 2010; đến năm 2010 hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư, chấm dứt tình trạng di cư tự do, còn là những vấn đề rất khó khăn bởi vì do ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan như thiên tai, thời tiết, khủng hoảng kinh tế tài chính.v.v..

Mặt khác, các tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống là các tỉnh miền núi, vùng cao biên giới có nhiều khó khăn, là những tỉnh nghèo nên kinh phí đầu tư rất hạn hẹp, chưa đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề bức xúc như: xây dựng công trình cơ sở hạ tầng tối thiểu, nhà ở, đất sản xuất, nước sản xuất, trường học, trạm y tế; môi trường sinh thái bị suy giảm...Bởi vậy, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào dân tộc, giảm bớt khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền núi theo tinh thần nghị quyết của Đảng vẫn cần sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của tất cả các cấp, các ngành cũng như của toàn bộ hệ thống chính trị./.


  • PV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất