Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 17/3/2009 21:53'(GMT+7)

Một số vấn đề đặt ra về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ban Tuyên giáo TW

Đ/c Tô Huy Rứa, UVBCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW gặp gỡ CB, công chức trẻ Ban TGTW -Năm 2008 (Ảnh: Minh Huế)

Đ/c Tô Huy Rứa, UVBCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW gặp gỡ CB, công chức trẻ Ban TGTW -Năm 2008 (Ảnh: Minh Huế)

Thực trạng đội ngũ cán bộ của Ban:

Những năm qua, cán bộ, công chức thuộc các ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, một số chuyên viên đã được chú trọng cử đi đào tạo, bồi dưỡng về các mặt: lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, nhiều người được tạo điều kiện học nâng cao trình độ (trong năm 2008 có 5 người được đào tạo nghiên cứu sinh, 11 người học cao học) bước đầu hình thành đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, kỹ năng và phương pháp thực hiện nhiệm vụ. Hàng năm Ban vẫn dành một khoản kinh phí đào tạo để tổ chức các lớp kỹ năng công nghệ thông tin, một số lớp về kỹ năng nghiên cứu khoa học, vận động và tạo điều kiện cán bộ, công chức theo học lớp phổ cập ngoại ngữ (tiếng Anh) ngoài giờ dành cho các cơ quan Đảng Trung ương để có khả năng giao tiếp hoặc sử dụng ngoại ngữ trong lĩnh vực chuyên môn. Những cán bộ, viên chức có trình độ trung cấp hoặc chưa có chuyên môn, nghiệp vụ cũng được khuyến khích, tạo điều kiện tự học nếu có nhu cầu. Song việc đào tạo, bồi dưỡng chưa thu được kết quả cao. Đa số cán bộ làm công tác Tuyên giáo còn hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, khả năng tham mưu, dự báo và xử trí tình huống trong công tác. Việc cập nhất kiến thức, nắm bắt tình hình tư tưởng, nghiên cứu về các vấn đề lý luận chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cách mạng sinh động mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đã chỉ ra. Trong những năm tới, nhiệm vụ của ngành Tuyên giáo sẽ ngày càng đòi hỏi cao hơn, vì vậy việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách làm công Tác tuyên giáo là yêu cầu thường xuyên và cấp bách.

Nhận thức được sự cấp thiết và tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành, tháng 5/2007 Ban đã có “Đề án thành lập trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo Trung ương” trình Bộ Chính trị nhưng vì nhiều lý do khách quan, Đề án này không thực hiện được. Bộ Chính trị đồng ý chủ trương “Riêng Đề án trước đây của Ban Tư tưởng-Văn hóa TW (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) về lập trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tuyên giáo thì giao cho Học viện Báo chí Tuyên truyền đảm nhiệm, với sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương" (1).

Hiện nay, Ban giao cho Trung tâm Nghiên cứu khoa học, Nghiệp vụ và Tư liệu thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Ban tổ chức công tác nghiên cứu và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong Ban và ngành Tuyên giáo (2).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu khoa học, Nghiệp vụ và Tư liệu phối hợp cùng với vụ Tổ chức và Cán bộ và một số đơn vị khác tổ chức được một khóa bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu khoa học cho cán bộ, công chức các cơ quan Đảng Trung ương (3 lớp với 175 học viên); một số lớp bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ trong Ban; phối hợp với Ban tuyên giáo tỉnh Lai Châu mở 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác khoa giáo cho đối tượng là cán bộ Tuyên giáo của tỉnh (100 người) và được đánh giá đạt chất lượng cao. Trung tâm cũng đang lập kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong Ban và toàn ngành trong năm 2009 và những năm tiếp theo.

Mặc dù đạt được nhiều thành tích, song qua thực tế cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của chúng ta còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đi vào chiều sâu: Tình trạng lạc hậu, chậm đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn là lực cản lớn, ảnh hưởng chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Việc đào tạo chưa xuất phát từ nhu cầu của người học, từ sự cần thiết của các kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của công chức ngành Tuyên giáo. Các ý tưởng cải cách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vẫn chưa được quan tâm triển khai thực hiện...

Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Bản thân cán bộ, công chức chưa tích cực tham gia vào việc học tập. Động cơ tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chủ yếu là do yêu cầu duy trì hay chuyển ngạch chứ chưa thật sự vì mục đích nâng cao trình độ và năng lực phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Những vấn đề đặt ra và giải pháp

Đơn vị làm công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ phải thường xuyên cập nhật nhu cầu đào tạo, điều chỉnh nội dung, chương trình, liên hệ với các đối tác và chịu trách nhiệm nhiều hơn với sản phẩm của mình .v.v… Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức lớp và giảng viên cần phải có trình độ lý luận cao, am hiểu thực tế ngành và đặc biệt phải thành thạo về kỹ năng giảng dạy tích cực theo tình huống. Thực tế, chúng ta chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn này.

Để khắc phục những nhược điểm trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Ban và ngành Tuyên giáo, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, cần có sự thống nhất về mục tiêu, nội dung, phương thức và lộ trình đào tạo, bồi dưỡng giữa các đơn vị làm công tác quản lý đào tạo trên cơ sở lãnh đạo sát sao và trực tiếp của Lãnh đạo Ban và các đơn vị trong Ban. Trên cơ sở đó thiết lập hệ thống thể chế mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và quyết tâm thực hiện.

Hai là, đơn vị làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cần nỗ lực đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho sát với thực tế, theo hướng chuyển sang học tập theo nhu cầu của mỗi người và yêu cầu ngày càng cao của công việc. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi nhiệm vụ của Ban và nhiệm vụ được giao của mỗi người. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải chuyển từ truyền thụ lý thuyết sang hướng dẫn kỹ năng thực hành, từ đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ nhu cầu ở trong cơ quan, đơn vị, sang đào tạo, bồi dưỡng để phát triển khả năng đáp ứng trong toàn ngành, toàn hệ thống và khả năng cạnh tranh trong điều kiện mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế.

Ba là, Trước mắt cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức các khoá học, xây dựng được các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên đề, huy động đội ngũ giảng viên kiêm chức có kinh nghiệm trong Ban, thu hút đội ngũ giảng viên đã được đào tạo cơ bản, có năng lực giảng dạy tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Bốn là, Về dài hạn, cần củng cố và nâng cao chất lượng đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong Ban, đồng thời thu hút các chuyên gia đầu ngành tại các địa phương, các học viện, trường đại học, các công ty trong nước và ngoài nước tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành tuyên giáo. Muốn làm được điều này, đơn vị phải được giao thực quyền và tạo điều kiện vật chất, đảm bảo kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, Trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục đạo đức và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao lòng yêu nước, yêu chế độ, niềm tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ban hành kèm theo Quyết định 161/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Ban Tuyên giáo TW; xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, chi tiết theo nhu cầu thực tế; đồng thời xây dựng một hệ thống tiêu chí để đánh giá chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đào tạo những kỹ năng làm việc cho cán bộ, công chức chứ không chỉ cung cấp kiến thức một chiều về khái niệm và kỹ năng làm việc. Xác định nguyên tắc trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng là cung cấp kiến thức ở mức cần thiết và rèn luyện kỹ năng để cán bộ, công chức làm tốt công tác tham mưu, tư duy tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo và khả năng đề xuất theo yêu cầu của người cán bộ Tuyên giáo. Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ Tuyên giáo, công tác bồi dưỡng cán bộ của Ban còn phải được trú trọng cả về những kỹ năng như nghiên cứu xây dựng chính sách, kỹ năng nghiên cứu khoa học, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và nhiều kỹ năng khác.

Trong buổi tập huấn nghiệp vụ cho các bộ trẻ của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 24/12/2008, đồng chí Phùng Hữu Phú, UVTW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW đã có ý kiến chỉ đạo:

“…Bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi cán bộ của ngành Tuyên giáo, nhất là cán bộ trẻ phải giỏi công nghệ thông tin và phải nói được ngoại ngữ. Phấn đấu trong khoảng 5-10 năm nữa, cán bộ Tuyên giáo đi nước ngoài không cần phiên dịch. Làm thế nào để có hình thức bồi dưỡng cho anh em về mặt ngoại ngữ, phải đưa vào thành một yêu cầu bắt buộc. Về công nghệ thông tin cũng không thể chỉ dừng ở mức độ sử dụng soạn thảo văn bản, vì đó chỉ là một dạng máy chữ cấp cao. Sử dụng công nghệ thông tin chính là để tiết kiệm thời gian trong việc thu thập, xử lý thông tin. Chúng ta phải nâng trình độ cho đội ngũ cán bộ. Đây là yêu cầu đặt ra để phấn đấu và đòi hỏi phải có lộ trình, mục tiêu và phương thức hữu hiệu. Những việc này lâu nay chúng ta đã và vẫn làm, nhưng chưa thực sự có chất lượng…”

Cùng với ý kiến chỉ đạo của đồng chí UVBCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Tô Huy Rứa tại buổi gặp mặt đội ngũ cán bộ công chức trẻ trong Ban năm 2008, những ý kiến nêu trên của đồng chí Phùng Hữu Phú chính là những vấn đề đang đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Ban Tuyên giáo TW những nhiệm vụ, đòi hỏi cao hơn, bài bản và khoa học hơn. Để thực hiện tốt được điều đó, rất cần sự định hướng, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Ban, cùng với đó là sự nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn nữa của bản thân những người được giao nhiệm vụ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Ban Tuyên giáo TW./.

Phương Uyên, Đức Long, Đức Quý
Trung tâm Nghiên cứu KH, NV & TL - Ban Tuyên giáo TW
___________________________________________

(1) - Số 62 – TB/TW ngày 10-6-2008 về Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy, sự nghiệp của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và các Ban Đảng ở Trung ương.

(2) - Số 436 - QĐ/BTGTW ngày –11-2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Nghiên cứu khoa học, Nghiệp vụ và Tư liệu.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất