Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 23/9/2011 20:10'(GMT+7)

Một số vấn đề về giáo dục mầm non ngoài công lập

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập (NCL) của Chính phủ, nhiều tổ chức, cá nhân ở các địa phương đã tiến hành lập dự án xây dựng trường mầm non NCL. Một số địa phương đã ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo sự phát triển của các trường, lớp đối với các cơ sở giáo dục mầm non NCL phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, vùng miền, nhằm hướng tới nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Năm học 2009-2010, toàn quốc có 12.711 trường mầm non, trong đó có 7.342 trường công lập, chiếm 57,8%; 5.369 trường ngoài công lập, chiếm 42,2%. Tổng số trẻ đến trường, lớp mầm non tư thục là 419.404 trẻ, chiếm 13,61% so với tổng số trẻ mầm non đến trường.
Việc xã hội hóa giáo dục, mở rộng các loại hình trường, lớp đã góp phần thu hút trẻ mầm non trong độ tuổi đến trường; đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ rất lớn hiện nay trong khi còn thiếu nhiều cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) công lập; góp phần làm ổn định xã hội, tạo thuận lợi cho cha mẹ các cháu yên tâm làm việc; tạo việc làm cho một bộ phận giáo viên mầm non và một số lao động...
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của hệ thống giáo dục mầm non NCL hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ, sửa đổi cả về cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhằm tạo hành lang phát triển lành mạnh cho hệ thống giáo dục này phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước và thế giới. Trước hết, vẫn còn quá nhiều (40% số trường mầm non tư thục và 57% số nhóm lớp lẻ, chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động. Trong số 45.611 giáo viên các trường, lớp mầm non NCL mới chỉ có 12.199 người đang làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non được cấp phép.
Về trình độ chuyên môn, những năm gần đây, nhiều trường mầm non NCL nhìn chung đã chú trọng tuyển chọn giáo viên mầm non đạt chuẩn. Các cơ sở mới thành lập, chỉ được cấp phép khi đủ giáo viên có trình độ tối thiểu là trung cấp sư phạm mầm non, nhằm mục đích nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ an toàn, hiệu quả và tránh được sai phạm mắc phải trong quá trình nuôi dưỡng trẻ.
Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên mầm non NCL còn thiếu ổn định, thu nhập lại rất khác nhau; giáo viên rất ít khi tham dự các hoạt động hội họp, sinh hoạt chuyên môn, tham quan học tập do ngành tổ chức... Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động ở nhiều trường, lớp mầm non NCL còn chưa được quan tâm, đặc biệt là chế độ nghỉ hè, thai sản... Vẫn còn số lượng khá đông giáo viên chưa được tham gia đóng bảo hiểm (những người trông trẻ thuộc các nhóm trẻ gia đình) do thời gian hợp đồng làm việc thường không ổn định chỉ tạm thời từ 2-3 tháng. Phần lớn số giáo viên ở các nhóm lớp lẻ chưa được cấp phép, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy cũng hạn chế, việc tổ chức cho trẻ hoạt động, vui chơi theo chương trình quy định chưa đảm bảo chất lượng, một số nhóm lớp nhỏ lẻ chỉ lo cho trẻ ăn ngủ và giữ trẻ an toàn là chính mà chưa chú trọng đến việc giáo dục.
Thực hiện tốt chương trình chăm sóc giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nhiều trường mầm non NCL được cấp phép đã thực hiện đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức giáo dục trẻ, thực hiện tốt kế hoạch giáo dục hàng ngày, tạo điều kiện cho trẻ tích cực tham gia các hoạt động giáo dục theo các lĩnh vực phát triển. Các trường này cũng đã cố gắng dạy trẻ theo chương trình và theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ. Nhiều trường có thực đơn cho trẻ hàng ngày, mua thực phẩm an toàn, có tính khẩu phần dinh dưỡng. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong các trường, lớp mầm non NCL ngày càng được cải thiện, giảm bớt khoảng cách về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ so với các trường mầm non công lập. Nhiều trường mầm non NCL đầu tư cơ sở vật chất khang trang và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tốt đã và đang trở thành nơi tham quan thực hành, thao giảng của các trường mầm non trong tỉnh, thành phố (như trường mầm non Hồng Nhung, Đức Trí-Đà Nẵng; Minh Hải-Hà Nội, Phước Thạnh-Kiên Giang; mầm non Thu Hương-Bắc Giang; mầm non Mi Sa-Kon Tum).
Tuy vậy, chất lượng chăm sóc sức khỏe, ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng tránh tại nạn cho trẻ trong các cơ sở GDMN NCL còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục và sự an toàn của trẻ (đặc biệt các nhóm lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép). Ở một số nhóm, lớp mầm non tư thục, chất lượng bữa ăn của trẻ còn thấp, công tác quản lý bữa ăn chưa chặt chẽ, thiếu công khai trong việc chi tiêu ăn uống hàng ngày của trẻ, một số nơi có hiện tượng cắt xén chương trình và dạy chữ trước theo chương trình lớp một. Còn một số nhóm lớp chỉ thực hiện trông giữ trẻ là chính, không theo chương trình nào, chủ yếu tập trung ở các nhóm trẻ, lớp mầm non tư thục lẻ.
 Nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc là do nhiều nhóm trẻ, lớp mầm non NCL vượt quá số trẻ theo quy định của quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục. Nhiều trường, lớp mầm non tư thục phát triển ở quy mô nhỏ, ghép nhiều độ tuổi, không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ gây tác hại đến phát triển thể chất, tinh thần và nhân cách, đến năng lực trí tuệ của trẻ em. Kỹ năng sư phạm và tổ chức các hoạt động giáo dục của giáo viên hạn chế. Vì vậy, trẻ thường có biểu hiện thiếu tích cực như ít tham gia các hoạt động học tập, vui chơi phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Đây là một trong những yếu tố tạo sự khác biệt rõ rệt về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ giữa các trường mầm non công lập và NCL. Bên cạnh đó, số nhóm lớp lẻ ở các khu lao động, vùng ven biển chưa đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở này.Việc quản lý các cơ sở giáo dục mầm non NCL hiện nay còn lỏng lẻo, chưa hợp lý. Cụ thể như việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở mầm non NCL là thuộc chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, trong khi đó, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố chỉ chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo chuyên môn đối với các cơ sở mầm non khi đã đủ điều kiện tối thiểu và được cấp giấy phép hoạt động. Do vậy đã nảy sinh hiện tượng các cơ sở lớn thì được quản lý, còn cơ sở nhỏ, nhóm trẻ gia đình “phát triển như nấm” thì “thả nổi”, mạnh ai lấy làm, chính quyền xã, phường không quản lý và phòng giáo dục-đào tạo không “với tới” được.
 Công tác kiểm tra tuy được tiến hành khá thường xuyên ở cấp cơ sở, song việc chấn chỉnh những sai sót trong hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ và biện pháp xử lý vi phạm qui chế còn chưa kiên quyết. Một số cá nhân mở nhóm, lớp thông thường chủ yếu vì kế sinh nhai, không có nhận thức đầy đủ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ theo khoa học, chưa thực sự chuyên tâm với công việc, không chú trọng đầu tư điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, không quan tâm đến công tác giáo dục. Một số nhóm lớp né tránh sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương và ngành giáo dục. Do vậy dẫn tới sự tồn tại của nhiều nhóm trẻ tư thục không đủ các điều kiện tối thiểu đảm bảo chăm sóc, giáo dục trẻ đã gây tâm lý bất an cho gia đình và dư luận xã hội (1) nhất là sau khi báo chí công bố trong thời gian gần đây.
Cơ sở vật chất của các nhóm, lớp qui mô nhỏ còn hạn chế nhiều về các điều kiện tối thiểu như: về diện tích phòng học (phòng học tạm bợ, chật chội thiếu ánh sáng, có nơi còn dùng nhà ở để làm nơi trông giữ trẻ); bếp ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sân chơi không có nên không đủ chỗ để tổ chức các hoạt động vui chơi của trẻ; đồ dùng, đồ chơi thiếu thốn; nội dung chương giảng dạy nghèo nàn không đúng yêu cầu... Những hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức triển khai giảng dạy theo chương trình mầm non mới, đặc biệt là khi triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi thì các cơ sở giáo dục mầm non này khó có thể đạt được yêu cầu phổ cập.
Số lượng giáo viên mầm non trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn còn thấp, kỹ năng sư phạm và tổ chức các hoạt động giáo dục của giáo viên còn hạn chế. Số giáo viên ở trường công lập hiện còn thiếu, các trường mầm non tư thục càng thiếu hơn nên việc sử dụng bảo mẫu thay thế giáo viên ở các trường, lớp này ngày càng nhiều, một số trường còn tuyển cả sinh viên chưa tốt nghiệp ra trường (2) tham gia vào việc giảng dạy làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ. Chế độ chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, nhân viên chưa được quan tâm về tiền lương, BHXH-BHYT, áp lực công việc đã nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ việc hoặc chuyển sang làm việc khác.
Để giáo dục mầm non nói chung và giáo dục mầm non ngoài công lập nói riêng có được những chuyến biến tích cực, theo chúng tôi cần phải thực hiện một số yêu cầu sau:
1. Thay đổi trong nhận thức của người dân và các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương về vai trò của giáo dục mầm non từ đó dành sự quan tâm, đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục mầm non. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của UBND cấp xã, phường, thị trấn (đối với việc quản lý các nhóm lớp) và cấp quận, huyện (với việc quản lý trường) để kiểm tra, giám sát phát hiện sai phạm, kịp thời khắc phục.
2. Chỉ cấp phép hoạt động cho các cơ sở mầm non đủ điều kiện hoạt động, kiên quyết giải thể các cơ sở mầm non chưa đủ các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ.
3. Giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp và thiếu giáo viên mầm non bằng việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa mở thêm nhiều các trường, nhóm lớp NCL có chất lượng; kêu gọi sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để dành quỹ đất cho phát triển giáo dục. Các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất cần phải có quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện chính sách thuế hợp lý đối với các cơ sở mầm non NCL nhằm khuyến khích các loại hình này mở rộng quy mô.
4. Xây dựng nhiều chính sách phát triển dành cho giáo viên mầm non: như giáo viên và cán bộ quản lý làm việc theo chế độ hợp đồng ở các cơ sở GDMN NCL được nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở GDMN thực hiện trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non, được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế như giáo viên đã hợp đồng làm việc có cùng trình độ đào tạo đang công tác ở các cơ sở GDMN công lập; được Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên... nhằm nâng cao trình độ giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề và ổn định công tác./.

----------------
(1) Vụ bạo hành trẻ em ở TP Biên Hòa tại điểm giữ trẻ tư nhân do bà Quảng Thị Kim Hoa làm chủ; vụ bạo hành tại nhóm trẻ tư nhân Hoa Lan (quận Tân Phú, TPHCM); vụ bảo mẫu ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, ...
(2) Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2.400 bảo mẫu đang làm việc thay thế giáo viên ở khu vực mầm non ngoài công lập, trong đó khoảng 800 bảo mẫu thay thế giáo viên ở lớp mẫu giáo lớn 5 tuổi.

ThS. LÊ MAI HOA

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất