Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 21/7/2009 21:27'(GMT+7)

Mưa, lốc gây thiệt hại tại nhiều địa phương


Hai ngày qua, lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến 50-70 mm; một số nơi có lượng mưa lớn hơn như Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 109 mm; Ðiểm Mạc (Thái Nguyên) 109 mm. Riêng khu vực Hà Nội, tổng lượng mưa từ 1 giờ đến 7 giờ ngày 20-7 phổ biến 80-100 mm; tại Thượng Cát 138 mm; Ba Vì 113 mm; Ðông Anh 112 mm. Tuy nhiên, mưa chỉ tập trung từ ngày 20 đến 21-7, sau đó nền nhiệt độ sẽ tăng trở lại. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chuẩn bị có nắng nóng cục bộ.

Ngày 20-7, Bộ Y tế có Công điện khẩn số 4734/CÐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố phía bắc và các đơn vị trực thuộc bộ về việc chủ động đối phó diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng của cơn bão số 5, yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị chủ động triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh và trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra mưa lũ. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa lũ gây ra.

Tại các huyện ngoại thành Hà Nội hiện có hơn 2.300 ha lúa ngập úng, trong đó diện tích ngập sâu là 1.050 ha. Thành phố đã huy động 157 trạm bơm với 624 máy bơm các loại đang vận hành chống úng. Sáng 20-7, UBND thành phố có Công điện số 10 yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty thoát nước Hà Nội tập trung lực lượng, phương tiện xử lý nhanh úng ngập trên các tuyến đường, không để xảy ra ùn tắc giao thông; vận hành các công trình tiêu, phối hợp các công ty thủy lợi để tiêu thoát úng có hiệu quả, bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa và công trình thủy lợi.

Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Phú Thọ, đêm 19 và ngày 20-7, mưa lũ  xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn, làm bị thương hai người ở huyện Ðoan Hùng và Cẩm Khê, sập đổ ba  nhà, tốc mái 304 nhà ở và 373 trường học; ngập úng 399 ha lúa, 98 ha hoa màu; hàng nghìn cây lâm nghiệp, cây ăn quả gãy đổ; sạt lở, vỡ hơn 3.000 m đường giao thông và kênh mương... Ban Chỉ huy PCLB tỉnh và các huyện đã tới các xã bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Do hoàn lưu của bão số 5, đêm 19-7, tỉnh Yên Bái có mưa to, có nơi mưa rất to kết hợp với lốc xoáy. Tại huyện Văn Yên, lốc làm tốc mái một trường mầm non, một nhà văn hóa thôn và 23 nhà dân  xã Yên Hợp; làm đổ một nhà dân ở xã Ðại Phác. Cầu Ngòi Viễn tại xã Xuân Ái bị sạt lở, 20 ha lúa mùa bị vùi lấp. Ban chỉ huy PCLB huyện và các xã đã kịp thời huy động lực lượng tại chỗ giúp nhân dân lợp lại mái nhà; khơi thông các tuyến đường, kênh mương bị sạt lở nhằm bảo đảm nước tưới cho vụ mùa.

Hồi 13 giờ ngày 20-7, tại thôn 1, xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đã xảy ra lốc xoáy làm tốc mái 13 nhà; hơn 20 ha lúa bị đổ; hàng chục cây ăn quả lâu năm, nhiều cột ăng-ten gãy đổ và hơn năm tấn thóc giống bị ướt. Trước đó, đêm 19-7, một cơn lốc xoáy khác cũng đã làm tốc mái năm căn nhà và sập đổ một nhà tại xã Ðức Phú, huyện Tánh Linh. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các gia đình sửa chữa nhà cửa, nhanh chóng ổn định chỗ ở.

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, đêm 19 rạng ngày 20-7 tại bản Sỉn Chải, xã Dào San, huyện Phong Thổ có mưa rất to. Mưa lớn đã làm sạt lở đất vùi lấp hai nhà dân, trong đó một gia đình có ba người, gồm vợ, chồng và con chết.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư 26,26 tỷ đồng nạo vét sông Ngự Hà. Dự án sẽ tập trung khơi thông dòng chảy, hạn chế ngập úng cho khu vực nội thành, khắc phục việc bồi lắng, giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay, một nửa diện tích đất và mặt nước sông hồ trong TP Huế bị khai thác để làm ruộng lúa và trồng rau màu. Sông Ngự Hà và hệ thống ao hồ bị bồi lấp, làm Thành nội Huế thường xuyên úng ngập nhiều do nước thoát chậm. Giai đoạn một, dự án di dời 120 hộ dân ven sông Ngự Hà đến nơi ở mới để việc nạo vét sông có thể bắt đầu trước mùa mưa lũ.

Gần 10 ngày qua, tỉnh Cà Mau có mưa giông to kèm theo lốc xoáy đã làm 21 căn nhà dân bị sập, 59 nhà hư hỏng nặng, 25,1 nghìn ha lúa hè thu, mạ mùa và gần 2,3 nghìn ha tôm ngập úng. Trên biển, có 11 tàu cào nhỏ hoạt động theo tuyến ven bờ bị sóng biển đánh chìm, hai ngư dân bị mất tích, 13 miệng đáy hàng khơi bị cuốn trôi. Ngành nông nghiệp và các huyện trong tỉnh đang rà soát những vùng sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp để chủ động gia cố bờ bao, hệ thống cống đập để tiêu thoát nước kịp thời, bảo vệ sản xuất./.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất