Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 20/11/2009 21:47'(GMT+7)

Muốn con hay chữ...

Chữ tức là trí, là hiểu biết. Nhờ đâu mà có chữ. Nhờ có Thầy. Tiếng Thầy ở đây là người dạy, bao gồm cả cô giáo. Cho nên chỉ cần gọi chung là thầy (sư). Vì người Việt Nam ta luôn đề cao lên hàng đầu vai trò của chữ - tức là sự hiểu biết - nên rất coi trọng người thầy. Vì thế dạy học trở thành nghề được tôn vinh nhất. Cùng ý nghĩa đó, còn có những câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng nhờ thầy, nửa chữ cũng nhờ thầy mới có được); và “Không thầy đố mày làm nên”.

Lịch sử dân tộc ta dẫu qua rất nhiều biến động thăng trầm, nhưng chưa bao giờ vị trí người thầy bị hạ thấp, mà luôn cao quý, thiêng liêng. Ít nhất, thầy phải như cha mẹ đẻ ra mình. Cho nên ngày trước học trò luôn xưng “con” với thầy, chứ không xưng “em” như sau này, dẫu thầy có ở tuổi nào đi chăng nữa.

Thuở nhỏ đi học, tôi nhớ mãi những kỷ niệm với các thầy. Hồi ấy, không hiểu sao chúng tôi rất sợ thầy. Không phải sợ như sợ hùm, sợ cọp mà là nể, kính trọng, cảm phục. Thầy nói điều gì, chúng tôi cũng răm rắp nghe theo. Dĩ nhiên là còn hơn cả cha mẹ ở nhà rất nhiều. Với cha mẹ, con cái còn lắm khi nhờn, làm nũng, nhõng nhẽo. Còn với thầy thì chỉ biết vâng lời tắp lự. Thậm chí học trò còn phải luôn quan sát, lựa ý, đón bắt xem thầy muốn gì thì làm trước, không muốn gì thì chớ trái ý. Thầy bước vào lớp, trò đứng lên chào. Mọi lần thầy chào lại rồi mời chúng tôi ngồi xuống. Có lần thầy đã không làm như vậy, mà đứng nhìn cả lớp một lượt, vẻ mặt rất nghiêm, không nói gì. Chúng tôi hiểu là có gì sơ sót. Thì ra có một bạn nam tóc rối bù, lại tuột chiếc khuy áo trên cùng, để phanh ngực. Chúng tôi đổ dồn mấy chục cặp mắt về phía bạn ấy. Đến khi bạn cài lại khuy áo, thầy mới chào lại và bảo chúng tôi ngồi.

Quả tình là trong mắt chúng tôi, thầy luôn mẫu mực về tất cả các phương diện: Kiến thức, tác phong, ăn mặc, lời nói. Cho nên ngày ấy, thầy có bực mình mà véo tai hoặc cốc chiếc thước kẻ vào đầu chúng tôi - dĩ nhiên là rất đau - mà chẳng trò nào dám oán, cho đó là bạo lực, là hành xử xúc phạm đến học sinh, vì chúng tôi đã coi việc đó như bố mẹ dạy mình. Lòng kính trọng, nể phục thầy của chúng tôi vẫn luôn được bảo toàn, chẳng hề suy giảm. Tôi nhớ mãi năm học lớp 1, cạnh nhà tôi có 1 người đàn bà bị mọi người nói: “Đừng dây vào con mụ Tú bà ấy làm gì”. Tôi hỏi cô giáo: “Thưa cô, vì sao bà ấy lại được mọi người gọi là Tú Bà?” Cô giáo giải thích: “Trong truyện Kiều - một tác phẩm nổi tiếng của văn học cổ nước ta, sau này các em lớn lên sẽ được học - có một nhân vật rất xấu xa độc ác, có thân hình phì nộn, đẫy đà, nước da lại mai mái. Vì mọi người thấy bà ta giống với nhân vật trong truyện có tên là Tú bà đó nên gọi vậy.” Tôi có khái niệm về nhân vật Tú Bà từ ngày ấy. Đến ngày hôm nay, khi tôi biết rõ có cô giáo dạy văn ở trường phổ thông không biết bài thơ nổi tiếng nhất của Lưu Trọng Lư là gì, lại chứng kiến một cô thạc sĩ văn học, dạy văn ở PTTH ngoài Truyện Kiều, không hề biết Nguyễn Du còn có tác phẩm nào cũng bất hủ nữa, mới thấy cô giáo dạy lớp 1 ngày xưa đã rất hiểu biết về Truyện Kiều, về nhân vật Tú Bà.

Hôm nay đây, một trong những lĩnh vực gây cho toàn dân bức xúc nhất là giáo dục. Người ta đã phàn nàn, kêu ca, nói đi nói lại quá nhiều những chuyện liên quan đến cải cách giáo dục, đến đổi mới sách giáo khoa, học thêm, dạy thêm, lạm thu các loại phí, đến tình trạng yếu kém của học sinh, đến chất lượng giáo viên. Và trùm lên tất cả là bệnh thành tích, ngồi nhầm lớp, gian lận trong thi cử... Đã rất nhiều kỳ họp Quốc hội, giáo dục là một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất. Thật là đích đáng khi chất lượng đội ngũ những người thầy và những người làm công tác quản lý giáo dục luôn được bàn đến trước tiên.

Vẫn còn đó tấm gương dũng cảm của những thầy giáo ở Hà Tây, Nghệ An đã đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực, gian lận trong thi cử. Vẫn đang còn có rất nhiều những người thầy thầm lặng, tận tuỵ ngày đêm miệt mài hoàn tất sứ mạng trồng người. Không có những nhà giáo chân chính ấy, làm sao nền giáo dục của chúng ta vẫn trụ vững được trước bao chao đảo của xã hội trong cơ chế thị trường? Nhưng từng giờ từng phút, cái tốt đẹp đã phải đối mặt với rất nhiều cái xấu, cái tiêu cực mà nếu chỉ với một khẩu hiệu “Hãy nói không với bệnh thành tích và gian lận trong thi cử” thì khó cải thiện được tình hình.

Nhưng dẫu sao, tôi cũng bắt đầu có niềm tin về một sự khởi sắc mới khi mà trên các diễn đàn quan trọng, rất nhiều ý kiến thẳng thắn, thành tâm đã ủng hộ triệt để cho sự thắng thế của một nền giáo dục lành mạnh./.

Quang Duy 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất