(TG)- Muốn không vỡ quỹ bảo hiểm y tế cần phải tăng cường những nguồn bảo hiểm, đa dạng hóa những mức thu bảo hiểm, chứ không phải chỉ nhăm nhăm siết chi. Đó là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - TP Hồ Chí Minh.
Theo đại biểu Phong Lan, khi đưa ra một nhận xét hay một báo cáo thì phải nhìn trên quan điểm toàn diện. Có thể nói mục tiêu của tất cả chúng ta là làm sao nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ cho người dân tốt nhất. Người dân mới chính là chủ số tiền mà bảo hiểm xã hội đang quản lý thay. Nhưng ở đây chỉ thấy tập trung một khía cạnh tiêu cực trong việc lạm dụng và trục lợi của quỹ bảo hiểm y tế.
“Chuyện tiêu cực này có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhất là khi cơ chế quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo, cho tới nay bảo hiểm y tế chưa hoàn tất được việc liên thông tất cả các số liệu, nhiều khi chúng ta làm thủ công, người này không biết người kia làm gì. Chúng ta phải xem lại trách nhiệm, không nên đổ lỗi cho người dân và cho ngành y tế là muốn tiêu cực, tất cả là vì cái nghèo mà ra” – đại biểu Phong Lan nêu quan điểm.
Vấn đề thứ hai, trước nguy cơ vỡ quỹ thì chúng ta phải thấy nguyên nhân của nó, ngay từ đầu bài toán đặt ra chính Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Giám đốc đã khẳng định với một cái thu rất ít nhưng muốn chi nhiều thế thì chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ vỡ.
“Như vậy muốn không vỡ quỹ chúng ta phải xem lại bài toán này đặt ra như thế nào. Chúng ta phải tăng cường những nguồn bảo hiểm ra làm sao, đa dạng hóa những mức thu bảo hiểm v.v... chứ không phải chỉ nhăm nhăm siết chi”- đại biểu Phong Lan bày tỏ.
Đại biểu giải thích thêm: Tôi thấy tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực không kém gì những người có thể trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Các bác sỹ, dược sỹ ở các bệnh viện hiện nay rất khó khăn trong việc tập trung vào chuyên môn mà bây giờ phải xem xét làm sao để thuốc đó, kỹ thuật đó có trong danh mục chi hay không và có bị xuất toán hay không, việc này rất khó. Trước một bệnh nhân ngành y tế không thể từ chối khám, chữa bệnh, cũng mong sau đó chúng tôi không phải gánh chịu hậu quả.
Ở đây cần vai trò của Bộ Y tế trong việc tổng hợp thông tin và đại diện cho ngành để đấu tranh cho nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như mục tiêu của ngành, đặc biệt việc sửa đổi các thông tư, tránh để tình trạng dựa vào những thông tư đó mà bảo hiểm từ chối chi.
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến - TP Đà Nẵng chia sẻ, với việc bội chi quỹ bảo hiểm y tế cũng như một số nội dung của ngành y tế do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam là có lạm dụng. Tuy nhiên, kiểm soát việc lạm dụng cũng như việc kiểm soát bội chi quỹ bảo hiểm y tế đã có những văn bản quy định rất cụ thể.
“Vừa rồi ngày 19/5/2017 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về giao việc chi thanh toán bảo hiểm y tế cho các địa phương, cụ thể là Công văn số 1943 ngày 19/5/2017 của Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi cho các địa phương về việc giao chỉ tiêu kinh phí cho bảo hiểm y tế của các địa phương” – đại biểu Kim Yến nói.
Theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến, việc ban hành các văn bản như thế chưa đúng thẩm quyền về ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với địa phương, đặc biệt Khoản 4, Điều 35 của Luật bảo hiểm y tế quy định, nếu như ở địa phương nào mà số chi mà vượt số thu thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam cân đối và sử dụng từ nguồn quỹ dự phòng của mình để thanh toán toàn bộ, nếu như thiếu sẽ báo cáo Chính phủ. Trong khi đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại yêu cầu các địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh cân đối, nếu thiếu thì dùng ngân sách của địa phương để thanh toán. Điều đó đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem lại./.
Mỹ Anh-ĐCSVN