Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 5/2/2012 20:35'(GMT+7)

Muôn mầu văn hoá các dân tộc - người Giáy Hà Giang vào Lễ mừng năm mới

 Nói tới người Giáy, ai cũng biết đến Lễ hội mừng năm mới, một nét văn hoá đặc trưng, một tín ngưỡng của bà con dân tộc từ bao đời nay cuộc sống gắn chặt với sản xuất nông nghiệp. Lễ hội “Mừng năm mới” của người Giáy Hà Giang diễn ra trong suốt cả tháng Giêng, bắt đầu từ ngày mùng một Tết.

Một năm mới đến, cả bản làng vui vẻ đón mừng. Lễ hội “Mừng năm mới” là dịp để mọi người khấn cầu thần linh mang lại cho họ mùa màng bội thu, cây lúa trỗ bông dày hạt, dân bản ấm no và hạnh phúc. Năm mới đến cũng là lúc để mọi người xua đi những rủi ro của năm cũ; điều tốt lành ở lại, cái xấu ra đi. Lễ hội “Mừng năm mới” của người Giáy không kiêng kỵ với người ngoài, vì thế các dân tộc khác cùng sinh sống trong vùng có thể cùng tham gia.

Người Giáy quan niệm, thế giới được chia làm 3 tầng: tầng trên cùng là tầng của trời - nơi đó là một thế giới đẹp đẽ; ở giữa thuộc loài người; tầng dưới lòng đất thuộc loài người nhỏ bé – nơi đó, người ta địu con ở bắp chân, đeo dao ở cổ chân. Trong cuộc sống tâm linh, ngoài thờ cúng tổ tiên người Giáy còn thờ cúng các vị thần linh, trời đất để mong các vị cho mùa màng bội thu, cho phúc, cho lộc.

Làng của người Giáy thường có 2 miếu thờ, được gọi là miếu Ông và miếu Bà. Miếu Bà là nơi cất giữ trống thần. Trống thần chỉ được lấy ra khỏi miếu Bà một lần duy nhất trong năm vào dịp năm mới đến. Trống được làm từ thân cây gỗ nghiến cổ thụ, dài khoảng 1,5m, có đường kính khoảng hai vòng tay ôm lớn; một đầu trống được bịt bằng da bò ghim vào thân trống bằng đinh gỗ.

Từ sáng ngày mùng 1 Tết, thầy cúng cùng các thanh niên chưa vợ trong bản mang hương đến miếu Bà làm lễ xin mang trống thần đến miếu Ông để tổ chức lễ hội. Khi làm lễ xin rước trống ở miếu Bà xong thì lễ rước trống thần từ miếu Bà về miếu Ông được tiến hành. Hai đôi nam thanh nữ tú được phân công bê mâm lễ vật lớn đi đầu, tiếp theo là hai nam thanh niên khiêng trống thần, rồi đến thầy cúng… Lễ rước đi qua từng nhà trong thôn bản vừa để thông báo đến giờ mở hội vừa tiếp nhận đồ lễ cúng của từng nhà (thường là sản vật do gia đình sản xuất); các thành viên trong các gia đình cũng nhập vào đoàn rước làm đoàn rước ngày một đông. Đoàn rước trống thần dừng ở điểm cuối cùng là miếu Ông với sự có mặt của đông đủ dân làng. Lễ vật bày ra, thường là một con gà luộc, hai chiếc bánh chưng, trầu cau, chai rượu, tiền, vàng, hương, hoa cùng các lễ vật góp của các gia đình; mọi người ngồi quanh trống thần; thầy cúng tiến hành làm lễ.

Đầu tiên, thầy cúng đọc bài cúng mời các vị thần linh về chứng kiến buổi lễ của dân bản. Thầy cúng báo cáo những việc lớn trong làng năm qua, mong các thần linh phù hộ một năm mới tốt lành. Cúng xong, thầy cúng đến bên trống thần, cầm dùi trống viết thần chú lên mặt trống dòng chữ có nội dung: trai gái hoà thuận, người già sống lâu; tiếp đó, thầy cúng đánh tiếng trống đầu tiên mời thần linh về dự hội. Cúng xong, thầy cúng chỉ định một đôi trai gái trong làng nhận lại dùi trống, tiếp quản việc đánh trống trong lễ hội. Mọi người trong thôn đi vòng quanh trống múa cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cầu cả làng hạnh phúc. Kết thúc phần cúng các vị thần linh là phần nghi thức tiễn các vị về trời, xong phần lễ.

Phần hội vui nhộn với nhiều hoạt động như: nhảy múa, hát đối, hát giao duyên, đánh đáo, đánh yến, tung còn… Ngày vui kéo dài cho hết tháng Giêng. Trong suốt cả tháng, tiếng trống vang lên không dứt, mọi người trong thôn bản thay nhau đánh trống với mong muốn tự tay đánh trống là cơ hội để xin may mắn cho gia đình và bản thân. Tiếng trống thần không dứt, liên hồi và vang xa là báo hiệu một năm làm ăn tốt đẹp của dân bản. Hết hội, trống thần lại được rước về miếu Bà chờ đến Tết năm sau. Hết 1 tháng vui chơi, mọi người phấn khởi trở lại với công việc hàng ngày với niềm tin là các vị thần linh đã chấp nhận lời cầu của họ.

Lễ hội “Mừng năm mới” là sinh hoạt văn hoá mang tính truyền thống của người dân tộc Giáy, vừa mang yếu tố tâm linh hướng về sự no đủ và hạnh phúc an bình trong cuộc sống cho cộng đồng, cho mỗi người; đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người được sống cho nhau, cùng nhau, tạo nên sự kết dính chặt chẽ trong cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình./.

Công Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất