Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 27/8/2008 10:55'(GMT+7)

Muốn phát triển công nghệ cao phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực

Cùng dự buổi làm việc trên còn có đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội; Bộ Khoa học- Công nghệ và đại diện một số cơ quan tham gia thực hiện dự án khu công nghệ này.

Theo báo cáo của đồng chí Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban quản lý HHTP và một số đại biểu cho thấy: HHTP vừa được Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch với diện tích lên tới 1.585 ha bao gồm cả khu công nghiệp Bắc Phú Cát (Quyết định 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008). Đến nay, sau 10 năm (1998-2008) mới giải phóng mặt bằng được 745 ha, giá trị đầu tư hạ tầng kỹ thuật là hơn 189 tỷ đồng. Hiện nay, HHTP đã thu hút được một số đối tác của Nhật Bản, Đài Loan. Viện Công nghệ vũ trụ, Viện Vệ sinh dịch tễ... cũng chọn HHTP làm địa điểm để “lập nghiệp”.

HHTP sẽ là trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) và ứng dụng công nghệ cao (CNC) tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp (DN) CNC, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNC. HHTP bao gồm 10 phân khu chức năng. Hiện nay, khu giáo dục đào tạo rộng 108 ha đã có 2 đơn vị đăng kí xây trường tại đây là Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội và Đại học FPT do Tập đoàn FPT là chủ đầu tư với quy mô 10.000 sinh viên đang chuẩn bị khởi công xây dựng và là dự án đào tạo nhân lực lớn nhất vào HHTP.

Khu R&D rộng 229 ha cũng đã có 14 cơ quan nghiên cứu đăng kí. Khu CNC rộng 549,5 ha hiện đã thu hút 413 triệu USD đầu tư... Hiện có 8 DN đang hoạt động tại Vườn ươm DN CNC tại đây (HBI). Họ được tuyển chọn từ nhiều cuộc thi về công nghệ, sở hữu các bí quyết công nghệ tiên tiến thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới. Một số nhóm đã có kết quả rất khả quan như phát triển trường học trực tuyến, sản xuất chế phẩm sinh học, nghiên cứu tế bào gốc... Chỉ một thời gian ngắn nữa, một số kết quả sẽ được thương mại hóa. Hiện nay có khoảng 2000 người đang làm việc tại đây.

Theo quy hoạch mới của HHTP sẽ xây dựng các khu hỗ trợ cho nhà đầu tư và lao động làm việc tại đây như khu dịch vụ tổng hợp, nhà ở kết hợp văn phòng, chung cư, khu thể thao, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng... HHTP sẽ có dân số là khoảng 14 vạn người vào năm 2015 và đến 2020 là khoảng 23 vạn người. Đây sẽ là một thành phố khoa học trong tương lai.

Do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đường Láng-Hòa Lạc đang nâng cấp nên các nhà đầu tư còn chưa mặn mà với HHTP, như tập đoàn SAMSUNG (Hàn Quốc) đã đến đây rồi lại quyết định đầu tư tại Bắc Ninh.

Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Trương Tấn Sang nhận định: Qua 10 năm nhìn lại, kết quả phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc mới đạt kết quả rất khiêm tốn. Những hạn chế do hạ tầng kỹ thuật như nước máy, hạ tầng kỹ thuật viễn thông và thiếu nhân lực tiêu chuẩn CNC... là nguyên nhân chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chính vì vậy, đồng chí yêu cầu thành phố Hà Nội, phối hợp với các bộ, ngành tập trung đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng của HHTP; trong đó đẩy mạnh tiến độ thi công dự án mở rộng đường Láng-Hòa Lạc; giải phóng mặt bằng gắn với quy hoạch bảo đảm không bị lạc hậu trong vài thập kỷ tới. Công nghệ cao là bộ phận không thể thiếu trong kết cấu của nền kinh tế đất nước, đóng vai trò tích cực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Muốn phát triển công nghệ cao, trước hết phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực gắn với quy hoạch dài hạn; khẩn trương khắc phục tình trạng hẫng hụt lực lượng lao động CNC hiện nay. 

Đồng chí Trương Tấn Sang tin tưởng trong thời gian tới, Ban quản lý HHTP và các nhà đầu tư sẽ tạo nên chuyển biến mới  để khai thác Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đạt hiệu quả cao./

(VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất