Tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang chuyển sang thời kỳ muộn của chu kỳ kinh tế khi các biện pháp kích thích tài chính-tiền tệ đang từng bước được dỡ bỏ khi tác động của căng thẳng thương mại kéo dài.
Tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang chuyển sang thời kỳ muộn của chu kỳ kinh tế khi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ đang từng bước được dỡ bỏ trong khi những tác động của căng thẳng thương mại kéo dài ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo Kinh tế toàn cầu và Triển vọng năm 2019 do Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới BlackRock công bố mới đây.
Theo báo cáo trên, tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới đang chuyển sang thời kỳ muộn của chu kỳ kinh tế, còn gọi là giai đoạn cuối cùng trước khi rơi vào thời kỳ suy thoái.
Báo cáo dự đoán tình trạng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong năm nay và "nền kinh tế Mỹ trở thành một lực cản thay vì một động lực."
Mặc dù vậy, báo cáo nhận định tình trạng tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm sẽ phần nào được "giảm nhẹ" nhờ tăng trưởng ngày càng ổn định tại châu Âu và các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc.
Nhà kinh tế trưởng Elga Bartsch thuộc BlackRock cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào thời kỳ muộn của chu kỳ kinh tế trong nửa đầu năm nay khi thị trường lao động yếu kém và lỗ hổng sản lượng (khoảng chênh lệch giữa GDP thực tế và GDP tiềm năng) cho thấy nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.
Chuyên gia này cho biết dự báo này được đưa ra dựa trên một loạt các biến số kinh tế của Mỹ bao gồm tăng trưởng chậm lại, lạm phát tiền lương tăng dần, tỷ lệ thất nghiệp dưới mức tự nhiên (là tỷ lệ thất nghiệp khi thị trường lao động được cân bằng), tỷ lệ tín dụng và việc tiết kiệm của khu vực tư nhân.
Trước đó, trong cuộc họp chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hồi cuối tháng Một vừa qua, cơ quan này đã dự báo xu hướng bất ổn trong triển vọng kinh tế cũng như sự gia tăng biến động trong môi trường chính sách của chính phủ.
Với nhận định đó, ngân hàng trung ương Mỹ cũng đã gạt bỏ cam kết "tăng lãi suất từ từ" và nói rằng sẽ "kiên nhẫn" trước khi đưa ra thêm bất kỳ động thái nào.
Trong năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất ngắn hạn 4 lần và dự định tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay. Lãi suất hiện tại của Fed ở trong khoảng từ 2,25% đến 2,5%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử.
Các nhà kinh tế cảnh báo nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh hoặc quá cao, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái.
Trong năm qua, việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất đã siết chặt các điều kiện kinh tế toàn cầu và tác động sang cả các nền kinh tế mới nổi./.
Theo TTXVN