Chủ Nhật, 29/9/2024
Thế giới
Thứ Hai, 24/9/2012 9:43'(GMT+7)

Mỹ trước cơn giận dữ của người Hồi giáo

Cửa hàng KFC bị phá hủy ở Ca-ra-chi. (Ảnh: AFP)

Cửa hàng KFC bị phá hủy ở Ca-ra-chi. (Ảnh: AFP)

Ngày 22/9, hàng chục nghìn người Pa-ki-xtan và Ni-giê-ri-a tiếp tục đổ xuống đường để phản đối bộ phim sản xuất tại Mỹ có nội dung xúc phạm đạo Hồi. Tại Ca-nô, thành phố lớn thứ hai và là nơi có đông người Hồi giáo sinh sống nhất ở Ni-giê-ri-a, các tín đồ Hồi giáo đã đổ ra đường đốt ảnh Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma (Obama) và giẫm đạp lên cờ Mỹ để bày tỏ sự phẫn nộ đối với bộ phim. Những người biểu tình, gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã tuần hành hô những khẩu hiệu chống Mỹ, I-xra-en. Điều đáng nói là cuộc biểu tình do Phong trào Hồi giáo Ni-giê-ri-a tổ chức sau khi nhận được sự chấp thuận của chính phủ. Trước đó, hàng nghìn người Hồi giáo cũng đã biểu tình tại các thành phố Da-ri-a, Giô buộc cảnh sát phải bắn chỉ thiên cảnh cáo. Cùng ngày tại Pa-ki-xtan, hàng nghìn nhà hoạt động Hồi giáo tiếp tục biểu tình phản đối bộ phim, sau khi xảy ra các vụ bạo lực trên cả nước một ngày trước đó làm 21 người thiệt mạng. Đáng chú ý nhất là cuộc biểu tình của hơn 5000 người trước cửa tòa nhà Quốc hội ở thủ đô I-xla-ma-bát và cuộc tuần hành của khoảng 1.500 người trước Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố La-ho miền Đông Pa-ki-xtan.

Cách đây gần 2 tuần, một đoạn giới thiệu phim dài 14 phút của bộ phim "Innocence of Muslims" (tạm dịch: Sự ngây thơ của tín đồ Hồi giáo) do một người Mỹ sản xuất được phát hiện đăng tải trên mạng chia sẻ YouTube. Đoạn phim ngay lập tức đã thổi bùng lên sự giận dữ của người Hồi giáo khắp thế giới. Kể từ lúc đó đến nay, các cuộc biểu tình phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi đã lan rộng tại gần 30 nước, làm hàng chục người thiệt mạng và bị thương. Giữa lúc làn sóng biểu tình lan rộng, thì trong tuần vừa qua, tạp chí Charlie Hebdo của Pháp đã "đổ thêm dầu vào lửa" khi đăng tải loạt tranh biếm họa về nhà tiên tri tối cao của đạo Hồi. Ngay lập tức, các biếm họa này đã làm dấy lên những lo ngại về một làn sóng giận dữ của thế giới Hồi giáo bùng lên khắp châu Âu như đã từng xảy ra vào năm 2006.

Hiện hoạt động của phương Tây đã bị ngưng trệ tại thế giới Hồi giáo và dấy lên lo ngại rằng, phản ứng dữ dội sẽ leo thang và lan rộng khắp thế giới sau khi bộ phim "Innocence of Muslims" được trình chiếu. Pháp - nơi tạp chí đã xuất bản hình hoạt họa châm biếm Đấng tiên tri Mô-ha-mét - đã phải đóng cửa các đại sứ quán, lãnh sự quán, trung tâm văn hóa và trường học ở hơn 20 quốc gia Hồi giáo vì sợ rằng sẽ chịu ảnh hưởng lây từ Mỹ. Để giảm căng thẳng, Đại sứ quán Mỹ ở I-xla-ma-bát đã mua những suất quảng cáo trên truyền hình Pa-ki-xtan để đăng tải video cảnh Tổng thống Ô-ba-ma và Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton) chỉ trích bộ phim báng bổ đạo Hồi. Đoạn quảng cáo được dịch ra tiếng Urdu, ngôn ngữ chính của Pa-ki-xtan.

Đoạn phim và bức biếm họa đã kích động làn sóng bạo lực trên khắp thế giới, khiến hố sâu ngăn cách giữa thế giới đạo Hồi và các quốc gia phương Tây ngày một lớn. Một số chuyên gia thậm chí còn nhận định rằng Al-Qaeda, với các kế hoạch và chương trình cụ thể vạch ra để chống lại Mỹ và phương Tây, cũng không thể đạt được hiệu quả như những gì mà bộ phim và các bức biếm họa đã làm. Thủ tướng Pa-ki-xtan A-sráp (Ashraf) ngày 20/9, trong bài phát biểu trước các chính trị gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã nói: "Tấn công nhà tiên tri là tấn công vào 1,5 tỷ người Hồi giáo. Vì vậy, đây là một điều không thể chấp nhận được".

Từ lâu các chuyên gia vẫn cảnh báo không nên đụng vào các thần tượng, nếu không sẽ xảy ra chiến tranh. Thế giới đã có nhiều bài học về sự thịnh nộ của các tín đồ Hồi giáo khi những giá trị tinh thần bị cho là xúc phạm. Trong khi đó, thời điểm hiện nay, tâm lý không đồng tình với phương Tây của người Hồi giáo đang dâng cao do chính sách ủng hộ I-xra-en cũng như sự hiện diện của NATO tại vùng Vịnh, cuộc chiến I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và những biến động được gọi là "Mùa xuân A-rập" thời gian qua... Vì vậy, các động thái phạm vào điều cấm kỵ, dù nhỏ nhất của thế giới Hồi giáo lúc này đều có thể làm bùng lên đám cháy đang âm ỉ. Các nhóm cực đoan sẽ không bỏ lỡ những cơ hội như vậy để phát động "cuộc chiến" bài Mỹ và châu Âu trên toàn cầu.

Nhà khoa học chính trị X. Ta-ra-xốp (S. Tarasov) dự đoán, sớm hay muộn trận sóng thần "chống Mỹ" sẽ lan tràn khắp thế giới Hồi giáo. Ông cho rằng, việc Đại sứ Mỹ bị giết hại tại Ben-ga-di, Li-bi là một thảm họa và là hậu quả chính sách của Mỹ ở thế giới Hồi giáo./.

Ngọc Hà/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất