Thứ Sáu, 27/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 23/1/2009 22:25'(GMT+7)

Năm 2009, gắn kết chặt chẽ 3 trụ cột ngoại giao: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa

 PV: Trước thềm xuân mới Kỷ Sửu, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng có thể cho biết những trọng tâm công tác ngoại giao trong năm 2009?

PTT - BT Phạm Gia Khiêm: Năm 2009, nhiệm vụ bao trùm của ngoại giao Việt Nam là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, trước mắt là nỗ lực cao độ góp phần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Quán triệt tinh thần đó, chúng ta sẽ phối hợp chặt chẽ ngoại giao Nhà nước với đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhân dân, đẩy mạnh nền ngoại giao toàn diện với việc triển khai chủ động, hài hòa, có trọng tâm, trọng điểm và gắn kết chặt chẽ 3 trụ cột: Ngoại giao Chính trị, Ngoại giao Kinh tế và Ngoại giao Văn hóa.

Theo đó, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ với các nước, nhất là các đối tác hàng đầu đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; phát huy tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm cuối của nhiệm kỳ 2008-2009; tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào ASEAN và các diễn đàn quốc tế khác; tiếp tục triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền với các nước; cùng các bộ, ngành, địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh mọi mặt của đất nước.

Chúng ta sẽ hướng mạnh ngoại giao ninh tế vào công tác thông tin, dự báo, học hỏi kinh nghiệm các nước xử lý tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu, và hỗ trợ các hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm góp phần đưa đất nước sớm vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng.

Chúng ta cũng sẽ triển khai các biện pháp toàn diện để phục vụ "Năm Ngoại giao Văn hóa 2009"; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, đồng thời tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

PV: Vậy năm Ngoại giao Văn hóa 2009 sẽ được triển khai cụ thể như thế nào, thưa Phó Thủ tướng - Bộ trưởng?

PTT - BT Phạm Gia Khiêm: Ngoại giao văn hóa là một trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam trong tình hình mới và năm 2009, đã được xác định là "Năm Ngoại giao Văn hóa" để thúc đẩy toàn diện và nâng cao hiệu quả của công tác này.

Ngay trong năm 2008, đi đôi với việc tiếp tục triển khai nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa thiết thực và hiệu quả, chúng ta đã tích cực chuẩn bị cho "Năm Ngoại giao Văn hóa 2009" bằng nhiều công việc cụ thể như thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng các chương trình, kế hoạch, phân công đầu mối (cả trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), xây dựng một số cơ chế phối hợp liên ngành...

Trên cơ sở đó, năm Ngoại giao văn hóa 2009 sẽ được triển khai theo một số mảng việc lớn là: Gắn kết chặt chẽ các hoạt động văn hóa đối ngoại với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại phục vụ mục tiêu phát triển và hội nhập; tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Triển khai tích cực các đề án, chương trình nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất và 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tăng cường tôn vinh hình ảnh Bác Hồ - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và danh nhân văn hóa thế giới; phát huy việc quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc như một công cụ quan trọng tăng cường sự hiểu biết và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước.

Tích cực vận động UNESCO công nhận một số di sản văn hóa, lịch sử của Việt Nam, như vận động công nhận di tích Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; thúc đẩy tuyên truyền bầu chọn cho một số danh lam thắng cảnh của Việt Nam trở thành di sản thiên nhiên thế giới mới; tích cực hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa quốc tế, v.v...

PV: Thưa Phó Thủ tướng - Bộ trưởng, năm ngoại giao 2008 đã kết thúc với nhiều diễn biến sôi động. Theo ông, những dấu ấn nào trong năm được coi là đáng ghi nhận và để năm ngoại giao 2009 phát huy những thành quả đó một cách hiệu quả thì ngành cần lưu ý những vấn đề gì?

PTT - BT Phạm Gia Khiêm: Năm 2008, chúng ta đã tạo được những dấu ấn ngoại giao đậm nét. Cùng với việc tiếp tục đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả hơn, chúng ta đã đạt được thành tựu quan trọng trong ngoại giao đa phương với việc đảm nhận thành công năm đầu tiên ở vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sớm phê chuẩn Hiến chương ASEAN.

Các nước đánh giá cao những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Công tác biên giới lãnh thổ đạt thành tựu có ý nghĩa lịch sử với việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin tuyên truyền đối ngoại đều đạt nhiều kết quả tích cực.

Để có thể phát huy tốt những thành quả trên và thực hiện thắng lợi những phương hướng, nhiệm vụ đề ra cho năm 2009, cùng với việc đẩy mạnh ngoại giao toàn diện, ngành ngoại giao phải phát huy hơn nữa hết sức mạnh bên trong của ngành và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia công tác đối ngoại.

Phải tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, ngoại giao nhân dân, đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương trong tất cả các khâu từ nghiên cứu chiến lược, xử lý động thái, triển khai cụ thể đến tăng cường quản lý thống nhất đối ngoại.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức và nâng cao công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao có bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và đáp ứng về năng lực chuyên môn, coi đây là vấn đề có tính quyết định đối với việc thực hiện thành công các nhiệm vụ đặt ra.

PV: Trước những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và nhu cầu phát triển của đất nước, ngoại giao kinh tế năm 2009 sẽ tập trung vào những lĩnh vực, thị trường nào và làm sao để phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong lĩnh vực này, thưa Phó Thủ tướng - Bộ trưởng?

PTT - BT Phạm Gia Khiêm: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và đang tác động mạnh đến nước ta. Năm 2009, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngoại giao là góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì đà tăng trưởng, hạn chế tối đa tác động của khủng hoảng.

Trên cơ sở đó, với phương châm "đột phá, mở đường, tham mưu, đồng hành, đôn đốc", ngoại giao kinh tế sẽ tích cực phát huy các lợi thế, đặc biệt là vai trò của các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD).

Cùng với việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dự báo, thông tin kinh tế, tranh thủ hợp tác và kinh nghiệm quốc tế về khắc phục khó khăn, ngoại giao kinh tế sẽ tăng cường mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế đối ngoại, hướng vào các thị trường lớn, các nước công nghiệp phát triển, các thị trường ta có lợi thế cạnh tranh và một số thị trường tiềm năng quan trọng; chú trọng tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư, ODA, du lịch, đẩy mạnh hợp tác lao động.

Đồng thời, ngoại giao sẽ tiếp tục tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước thông qua việc thực hiện các cam kết song phương và đa phương; vận động các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; xây dựng, đàm phán các khuôn khổ hợp tác mới như Hiệp định Đối tác và Hợp tác với EU, Hiệp định đầu tư song phương với Mỹ, bước đầu tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương ... nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Hội nghị Ngoại giao 26 vừa qua đã thông qua Chương trình hành động cho hai năm tới bao gồm nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các CQĐD, nhất là các đồng chí Thủ trưởng CQĐD phải chủ động, tích cực và sáng tạo hơn nữa, phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, đồng thời phối hợp chặt chẽ, nắm bắt được ưu tiên, thế mạnh của các địa phương, doanh nghiệp trong nước, nghiên cứu kỹ địa bàn, hiểu rõ đặc điểm và nhu cầu của sở tại, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp cận, vận động, thúc đẩy các đối tác, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của ta, tập trung vào những lĩnh vực, thị trường, đối tác mà chúng ta có thể khai thác và hợp tác./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Theo TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất