Chèo đò bằng chân đưa khách du lịch quốc tế đi tham quan tại khu du lịch Tam Cốc. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Tính chung cả năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 15,5 triệu lượt người, tăng 19,9% so với năm trước.
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách; trong đó có 18 triệu khách quốc tế, phục vụ 85 triệu khách nội địa. Ngành du lịch cũng quyết tâm về đích trước một năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đón thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa.
Năm 2018 được coi là một năm thành công của du lịch Việt Nam với những kết quả nổi bật, hoàn thành xuất sắc các kế hoạch được giao và vị thế của ngành du lịch không ngừng tăng lên.
Khách đến bằng đường không tăng 14,4%; đến bằng đường bộ đạt 2,8 triệu lượt người, tăng 59,6%; đến bằng đường biển đạt giảm 16,8%. Đặc biệt, du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá, uy tín trên thế giới, trong đó có giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”…
Khách từ châu Á đạt hơn 12 triệu lượt, tăng 23,7% so với năm trước. Khách đến từ châu Âu tăng 8,1%; khách đến từ châu Mỹ tăng 10,6%, khách đến từ châu Đại dương tăng 4%; khách đến từ châu Phi tăng 19,2% so với năm 2017.
Như vậy có thể thấy, năm 2018, ngành du lịch đã hoàn thành mục tiêu đón 15,5 triệu lượt khách đến, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.
[Dấu ấn thành công mới của du lịch Việt Nam trong năm 2018]
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, các địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước đều có tốc độ tăng trưởng.
Thành phố Hồ Chí Minh đón 36,5 triệu lượt khách, trong đó đạt 7,5 triệu lượt khách quốc tế; Hà Nội đón khoảng 28 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế.
Quảng Ninh đón 12,5 triệu lượt khách, trong đó 5,3 triệu lượt khách quốc tế. Đà Nẵng đón 7,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt gần 3 triệu...
Nhiều địa phương khác cũng đón lượng khách khá lớn, từ 6 triệu lượt khách trở lên như Khánh Hòa, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Thanh Hóa.
Trong suốt năm 2018, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, phát động thị trường cũng được đẩy mạnh ở nhiều thị trường nguồn, thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Âu, ASEAN, New Zealand-Australia, Canada-Hoa Kỳ...
Chỉ tính riêng năm 2018, có 113 cơ sở lưu trú trong phân khúc từ 3-5 sao được công nhận; trong đó 26 cơ sở lưu trú hạng 5 sao, 35 cơ sở lưu trú hạng 4 sao.
Hiện nay, cả nước có 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 buồng phòng, tăng hơn 2.400 cơ sở lưu trú so với năm 2017. Trong số này, có 145 khách sạn 5 sao với 47.111 buồng, 267 khách sạn 4 sao với 35.467 buồng phòng./.