Năm 2020, ngành tài chính phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tổ chức điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
Ngày 10/1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2020, ngành tài chính phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tổ chức điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách...
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương; trong đó từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, ngành kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi 3,44% GDP, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, để giảm bội chi ngân sách Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu đến cuối năm 2020, dư nợ công không quá 54,3%GDP, nợ Chính phủ không quá 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45,5% GDP.
Năm 2019, thu cân đối ngân sách Nhà nước đến ngày 31/12/2019 đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,79% so với dự toán, tăng 92,2 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, tăng 8,7% so với thực hiện năm 2018.
Trong số đó, thu nội địa vượt 100,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%; thu từ dầu thô vượt 11,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% và thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu vượt 25,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với dự toán. Tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước đạt khoảng 25,7% GDP, huy động từ thuế và phí khoảng 21,1% GDP, mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP.
Đáng chú ý, thu ngân sách trung ương đã vượt 32 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với dự toán, thu ngân sách địa phương vượt trên 106,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với dự toán. 63/63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu ngân sách địa phương.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cơ cấu thu ngân sách Nhà nước tiếp tục có chuyển biến, ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên trên 82% năm 2019; tỷ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 3,6% năm 2019; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm từ mức 18,2% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn 13,9% năm 2019.
Đối với điều hành chi ngân sách Nhà nước, cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2019 đạt khoảng 27% tổng chi (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên còn khoảng 61% tổng chi ngân sách Nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).
Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 ước khoảng 3,4% GDP trong khi dự toán là 3,7% GDP. Việc phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc được thực hiện chủ động, phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đã tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương; siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, góp phần giảm nợ công.
Đến cuối năm 2019, dư nợ công dưới 55% GDP, nợ Chính phủ dưới 48,5% GDP; trong đó nợ trong nước chiếm 62,3%, nợ ngoài nước chiếm 37,7%. Nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP. Trong khi đó, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ quy định các tỷ lệ nợ công và nợ nước ngoài quốc gia các năm trong giai đoạn 2016-2020 tương ứng là không quá 65% GDP, không quá 54% GDP và không quá 50% GDP.
Năm 2019, cũng là năm Bộ Tài chính đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các hoạt động khác như: tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; triển khai tái cấu trúc thị trường tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính-ngân sách.../.
Theo TTXVN