Chủ Nhật, 24/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 25/6/2018 16:47'(GMT+7)

Nắm bắt thực tiễn để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Chiều 25/6, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (nhiệm kỳ 2016-2021) tiến hành Kỳ họp thứ Tư. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chủ trì kỳ họp.
 
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, năm 2018 là năm bản lề trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng, là năm thứ hai Hội đồng (nhiệm kỳ 2016-2021) triển khai thực hiện nhiệm vụ. Kỳ họp thứ Tư của Hội đồng được tiến hành trong bối cảnh Đảng và Nhà nước tiếp tục có những quyết sách lớn, trực tiếp tác động đến đời sống chính trị - xã hội. Thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật và thực tiễn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật vẫn tiếp tục vận động theo chiều hướng phong phú, đa dạng và nhiều khuynh hướng. Đây cũng là thời điểm Đảng ta đang triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là hoạt động rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả giới văn học, nghệ thuật, trong đó Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật với chức năng, nhiệm vụ được giao cần khẳng định được vai trò và đóng góp của mình.

Thực hiện kế hoạch công tác đã được thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, trong thời gian qua, Hội đồng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu lý luận, nắm bắt thực tiễn, kịp thời tư vấn giúp Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương những vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, Hội đồng sẽ tập trung thảo luận về Báo cáo hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp thứ ba và thứ tư. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng sẽ thảo luận, cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng dự kiến triển khai từ nay đến hết năm 2018.

Báo cáo hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cho biết, Hội đồng đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học “Góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn”. Sau tọa đàm, Hội đồng đã có báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan, đơn vị liên quan nêu rõ 7 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và 2 kiến nghị, đề xuất.

Bên cạnh đó, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) -  Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Hội đồng đã báo cáo tư vấn giúp Đảng, Nhà nước 4 nhóm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật cải lương nói riêng, các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nói chung trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế.

Từ sau kỳ họp thứ ba đến nay, Hội đồng đã tổ chức xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (xuất bản năm 2016 - 2017). Hội đồng cũng tham gia và có những đóng góp thiết thực trong việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Ngoài ra, thực hiện chức năng tư vấn cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Hội đồng đã tư vấn giúp Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương hướng xử lý một số nội dung, vụ việc nảy sinh trong đời sống văn học, nghệ thuật, góp phần giải tỏa các bức xúc trong dư luận xã hội.

Đối với thực hiện nhiệm vụ do Ban Bí thư giao là cơ quan thường trực Đề án đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật (Đề án 213), Ban Chỉ đạo, Bộ phận Thường trực Đề án đã theo dõi sát những vụ việc nổi cộm trong đời sống văn học, nghệ thuật, kịp thời tổng hợp thông tin để báo cáo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời chủ động triển khai một số biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Từ nay đến cuối năm 2018, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng tiếp tục bám sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời tư vấn cho Đảng, Nhà nước những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Thường trực Hội đồng ban hành văn bản phê duyệt chủ đề các tọa đàm do các tiểu ban chuyên môn đề xuất, trên cơ sở đó, trong 6 tháng cuối năm, mỗi tiểu ban tổ chức ít nhất 1 tọa đàm khoa học. Hội đồng chủ động tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; xây dựng đề cương sơ bộ Chương trình tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; Chương trình dịch thuật quốc gia, báo cáo, xin ý kiến Ban Bí thư, đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai bắt đầu từ năm 2019…

Tại Kỳ họp, căn cứ kế hoạch công tác năm 2018 đã được Hội đồng thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, các đại biểu đã tập trung thảo luận về kết quả những công việc đã triển khai; phân tích, đánh giá về những việc đã làm được, làm tốt và những công việc chưa làm hoặc làm chưa hiệu quả; trên cơ sở đó chỉ rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã cho ý kiến, đóng góp những giải pháp hiệu quả để triển khai khối lượng công việc dự kiến triển khai trong 6 tháng cuối năm. Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến đánh giá về thực tế hoạt động, định hướng và các giải pháp để phát huy vai trò, tổ chức hiệu quả hoạt động của các tiểu ban chuyên môn của Hội đồng trong 6 tháng cuối năm 2018.
 


Ngoài những nội dung trọng tâm trên đây, các thành viên Hội đồng trên cơ sở thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật trong thời gian qua, đã đề xuất những nội dung Hội đồng cần tập trung nghiên cứu, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước có những quyết sách thúc đẩy sự phát triển lý luận, phê bình nói riêng, lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Những nội dung này sẽ được Hội đồng nghiên cứu, đưa vào kế hoạch hoạt động đồng thời báo cáo Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) để hoàn chỉnh báo cáo trình Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương.
 

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất