Ngày 25/8, các trường bắt đầu xét tuyển nguyện vọng 2. Hiện nay tất cả thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điểm xét tuyển đều đã được các trường công bố trên website chính thức. Tuy nhiên, một số trường vì khó khăn trong thu hút thí sinh đã có những biểu hiện không lành mạnh, thậm chí sai phạm khi tuyển sinh
Nhận diện các trường có nguy cơ “xé rào tuyển sinh”
Ngày 25/8, các trường bắt đầu xét tuyển nguyện vọng 2. Hiện nay tất cả thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điểm xét tuyển đều đã được các trường công bố trên website chính thức. Tuy nhiên, một số trường vì khó khăn trong thu hút thí sinh đã có những biểu hiện không lành mạnh, thậm chí sai phạm khi tuyển sinh
Đa số các trường hợp vi phạm Quy chế tuyển sinh là các trường ngoài công lập, trường mới thành lập, trường mới nâng cấp ở các địa phương. Đối với các trường ngoài công lập, biện pháp thu hút thí sinh quen thuộc là: tặng quà, tặng học bổng, giảm học phí… Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) thông báo tặng 700.000 đồng cho TS có tổng điểm 3 môn từ 16 đến 19,5; 1 triệu đồng cho TS có từ 20 điểm trở lên. ĐH Thành Đông (Hải Dương) bên cạnh thông báo giảm 50% học phí kỳ đầu tiên còn miễn phí chỗ ở một năm, miễn học phí cho con liệt sĩ, giảm 50% học phí toàn khóa học cho con thương binh. Đặc biệt, còn có trường thưởng "phí môi giới" như ĐH Lương Thế Vinh ( Nam Định) không chỉ thưởng tiền cho thí sinh mà còn công bố sẽ thưởng các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên… nếu khuyến khích được thí sinh vào học tại trường sẽ thưởng 250.000 đồng/thí sinh.
Năm nay rất nhiều trường đã xin áp dụng điều 33 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng để hạ điểm xét tuyển nguyện vọng 2 xuống mức thấp nhất có thể như trường ĐH Phan Thiết thông báo điểm xét tuyển nguyện vọng 2, hệ đại học khu vực 1 chỉ còn 8 điểm, hệ cao đẳng là 5 điểm…
Trong công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại website chính thức về toàn cảnh nguyện vọng 2, đến ngày 25/8 mới có 5 trường được áp dụng Điều 33 Quy chế Tuyển sinh là: Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang, CĐ Cộng đồng Cà Mau, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Tây Bắc và ĐH Hùng Vương (Phú Thọ). Trong đó, ĐH Hùng Vương chỉ được áp dụng Điều 33 với 2 ngành là khoa học cây trồng và chăn nuôi.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều trường vẫn công bố trên website chính thức việc được phép sử dụng điều 33 để hạ điểm tuyển sinh.
Thanh tra ngay trong quá trình xét tuyển và xử lý kịp thời các vi phạm
Đó là biện pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, an toàn, đúng quy chế. K hác với mọi năm thường tổ chức thanh tra sau khi công tác xét tuyển của các trường đã hoàn tất, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức các đoàn thanh tra kiểm tra ngay trong quá trình nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của các trường để xử lý kịp thời.
Theo đó, các đoàn thanh tra đã lên đường đi kiểm tra xét tuyển và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Thời gian kiểm tra cho tới khi kết thúc việc xét tuyển NV2. Đối với các trường vi phạm quy chế tuyển sinh sẽ bị xử lý nghiêm và loại bỏ các hồ sơ không hợp lệ.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi khẳng định: Việc có một số đối tượng thí sinh chỉ cần 8 điểm đã đỗ đại học, 5 điểm đã đỗ cao đẳng là có thật. Tuy nhiên, đây là một số ít và cũng là những thí sinh trong dạng ưu tiên đặc biệt, thí sinh có hộ khẩu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thí sinh dân tộc thiểu số và đăng ký vào các ngành học đang cần khuyến khích như: nông, lâm nghiệp.
Thực chất điều 33 của Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng là sự ưu tiên dành cho thí sinh vùng khó, ưu tiên cho các trường đại học, cao đẳng có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho vùng khó. Quy chế này không được áp dụng tràn lan và cũng không dành cho đối tượng học sinh phổ thông bình thường.
Do vậy, các thí sinh cần tỉnh táo lựa chọn và xem xét kỹ các đối tượng ưu tiên cũng như các trường có nguy cơ "xé rào", vi phạm quy chế tuyển sinh để không bị thiệt thòi vì dù có được các trường chấp nhận hồ sơ vẫn không được nhập học khi thanh tra Bộ phát hiện sai phạm./.
Theo TTXVN