Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 11/3/2012 15:11'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ, nhân dân vùng biển đảo

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Sự tác động của môi trường bên ngoài lên cơ thể con người là vô cùng lớn. Từ ngàn xưa, cha ông ta đã nhận thức rất rõ về mối quan hệ này, đã đưa ra luận thuyết về “Thiên - Địa - Nhân” nhằm nghiên cứu, đánh giá sâu mối quan hệ khăng khít, hữu cơ giữa trời, đất và người. Đặc biệt, con người với tư cách là “tiểu vũ trụ”, là chủ thể để nghiên cứu, xem xét sự tác động với môi trường xung quanh.

Nhưng có lẽ vấn đề còn ít được đề cập tới là con người trong điều kiện sống và làm việc ở môi trường biển. Hay nói cách khác, chữ “Địa” trong mối quan hệ “Thiên - Địa - Nhân” ở môi trường biển không còn như ở đất liền, nó đã có sự biến đổi to lớn. Điều đó đòi hỏi phải có sự đi sâu nghiên cứu nhằm tìm ra những cơ chế thích hợp trong điều kiện con người phải làm việc ở môi trường này, kể cả khi có sóng to gió lớn. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng với cư dân vùng biển, đặc biệt là đối với các cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang phải có mặt thường xuyên trên biển, đảo, bất kể điều kiện thời tiết để bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong chuyến đi công tác ra quần đảo Trường Sa, có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên biển và các đảo, nhà dàn, tôi nhận thấy một số vấn đề liên quan đến sức khỏe và một số bệnh hay mắc phải khi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân sống, làm việc ở trên biển, đảo. Từ những thực tế , tôi xin có một vài kiến nghị sau:

Việc trồng rau xanh trên các đảo, nhà dàn hiện đa phần xuất phát từ cuộc sống thực tế của cán bộ, chiến sĩ. Chúng ta chưa có các đề án cụ thể thiết kế và chế tạo các thùng, chậu chuyên dụng cho việc này, cũng như thiết kế các mái che chắn sóng cho vườn rau; chưa đi sâu tìm hiểu những loại cây rau khác, ngoài các loại cây thông dụng như rau muống gieo hạt, rau cải xanh… nhằm làm phong phú cho bữa ăn của bộ đội, giảm thiểu bệnh tật xuất phát từ chế độ ăn uống không đủ chất gây nên. Do vậy, cơ quan chức năng cần đưa vào chương trình nghiên cứu và chế tạo giúp nâng cao đời sống vật chất cho bộ đội.

Hiện nhiều địa phương trên đất liền có nghề trồng rong biển. Đây là nguồn thực phẩm quý có thể đưa ra trồng thí nghiệm tại các đảo và nhà dàn. Nếu thành công sẽ cung cấp và thay thế một phần rau xanh, cải thiện bữa ăn cho bộ đội và dân trên các đảo.

Ở các đảo nổi, việc phủ xanh đảo đang được đặt ra, nhưng lá cây rụng xuống được quét bỏ đi, cũng như cây thân thảo mọc hoang trên đảo nhiều. Có thể nghiên cứu sử dụng những vật liệu này để nuôi trồng nấm. Ngay cả việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội và người dân cũng nên đưa ra đảo các chế phẩm cho việc nuôi trồng nấm, làm phong phú bữa ăn cho bộ đội.

Ngoài các thực phẩm đồ hộp, nên cung cấp cho bộ đội và người dân trên đảo và các tàu công tác các loại thực phẩm như: đậu xanh, vừng, lạc, mộc nhĩ… Đây không chỉ là các loại thực phẩm bảo quản được lâu ngày, mà còn là các vị thuốc tốt cho cơ thể, nhất là bệnh đại tràng, tim mạch, tiền đình…

Cần có chế độ khám bệnh thường kỳ cho cán bộ, chiến sỹ khi đi công tác biển, đảo. Phát hiện những trường hợp bị mắc bệnh mãn tính để có chế độ chữa trị, như trường hợp bị thoái hóa đốt sống cổ, nhằm tránh bị những cơn tăng huyết áp đột ngột, dẫn đến tai biến mạch máu não giữa biển khơi.

Đối với các nhà dàn DK-1 cần nghiên cứu làm thế nào để giảm tối đa sự tác động của các sóng điện từ và hóa chất tác động lên cán bộ và chiến sỹ cũng như hạn chế việc bị tê chân khi không có điều kiện tiếp xúc với đất…

Bên cạnh các loại thuốc tân dược vẫn được sử dụng, nên nghiên cứu, ứng dụng một số bài thuốc Đông y, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cách trồng và sử dụng một số loại cây thuốc Nam. Như việc ăn cá bị ngộ độc, trong nhân dân chúng ta có cách chữa. Do vậy, chúng ta nên khai thác vốn y học cổ truyền dân tộc phục vụ cho việc phòng và điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, làm việc và công tác trên biển, đảo.

Với tầm quan trọng của biển và đảo trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành Y tế đã có những đóng góp hết sức lớn lao, tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa các công trình nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học cũng như giới chuyên môn nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác chăm sóc sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng biển, đảo hiện nay./.

Lê Quang Tuấn
Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất