Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 24/7/2010 9:51'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong giai đoạn hiện nay

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Thu Hằng

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Thu Hằng

Đó là một kênh thông tin chính thống, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; thông báo kịp thời có định hướng các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, các vấn đề nóng bỏng cũng như những vấn đề nhạy cảm mà dư luận quan tâm; là công cụ sắc bén trong đấu tranh bảo vệ chân lý, chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng- văn hoá; góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào thi đua, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Tuy nhiên, trong công tác tư tưởng của Đảng, đã có lúc chúng ta chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ BCV, TTV. Nhiều cấp uỷ cho rằng, hiện nay có quá nhiều các phương tiện thông tin, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng, nên không cần thiết đến công tác tuyên truyền miệng; do đó không quan tâm đầu tư một cách thỏa đáng đến việc xây dựng, củng cố bộ máy tổ chức, đào tạo đội ngũ BCV, TTV; cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc, kinh phí cho hoạt động này. Mặt khác, công tác tuyên truyền miệng chậm đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp hoạt động nên hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới; nhất là tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Hiện nay các thế lực thù địch phối hợp với lực lượng cơ hội chính trị đang điên cuồng tiến hành âm mưu "diễn biến hoà bình" trên mặt trận tư tưởng- lý luận. Điều mà kẻ thù mong muốn là loại bỏ chủ nghĩa xã hội cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận càng phức tạp, quyết liệt hơn. Trách nhiệm của những người cộng sản lúc này là phải chủ động tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, đổi mới và tăng cường công tác tuyên giáo của Đảng, trong đó có công tác tuyên truyền miệng là một yêu cầu khách quan.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong những năm qua, Tỉnh uỷ Phú Thọ đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng, coi đây là một hình thức hoạt động có hiệu quả, công cụ sắc bén để tổ chức, tập hợp quần chúng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Sau hơn 30 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 03/8/1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IV) "Về việc tổ chức đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng" và 10 năm thực hiện Thông báo số 71-TB/TW, ngày 07/6/1997 của Thường vụ Bộ Chính trị (khoá VIII) về "Tăng cường lãnh đạo và đổi mới công tác tuyên truyền miệng", hệ thống BCV, TTV đã được hình thành, củng cố và phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, trở thành lực lượng chủ lực trong công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ và ngày càng có những đóng góp to lớn, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tư tưởng. Một số huyện, thành, thị uỷ đã xây dựng được quy chế hoạt động để tổ chức, quản lý đội ngũ BCV, TTV. Vì vậy, chất lượng BCV, TTV từng bước được nâng lên. Kết quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ BCV, TTV của Đảng bộ tỉnh trong những năm qua đã góp phần tạo nên sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ đã đề ra.

Mặc dù vậy, qua thực tiễn hoạt động, một bộ phận BCV trình độ, năng lực hạn chế, do đó phương pháp truyền đạt, báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu của cán bộ, đảng viên; trong quá trình báo cáo nghị quyết ít liên hệ thực tiễn, ít thông tin mới. Thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu về những thông tin mà đảng viên và quần chúng đang quan tâm. Đặc biệt, năng lực giải đáp thắc mắc chưa có sức thuyết phục nên không thu hút người nghe.

Số lượng BCV, TTV đông nhưng không mạnh, chưa có nhiều BCV giỏi. Nhiều cán bộ, đảng viên chưa chủ động tích cực tham gia tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quần chúng.

Việc tuyên truyền chưa thật sự đổi mới nội dung, phương thức, chưa bám sát cơ sở nên hiệu quả đạt thấp. Việc trao đổi thông tin về cơ bản mới chỉ thực hiện chiều xuống, ít đối thoại, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng không cao.

Công tác đấu tranh, phản bác âm mưu diễn biến hòa bình, cũng như các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa của đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng còn rất hạn chế, tính thuyết phục thấp.

Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tư tưởng của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới" Thông báo Kết luận số 225-TB/TW", ngày 3/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) "Về cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền", Tỉnh uỷ Phú Thọ xây dựng và ban hành Đề án số 04- ĐA/TU ngày 16/4/2009 về "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009-2015".

Đề án 04-ĐA/TU của Tỉnh uỷ đã xác định phương hướng chung, mục tiêu cụ thể, trong đó trọng tâm là: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng theo phương châm "Hướng về cơ sở", thực hiện thông tin nhiều chiều, tích cực đối thoại, giải đáp những vấn đề bức xúc đặt ra từ cuộc sống. Hoạt động của đội ngũ BCV, TTV phải tập trung vào nội dung đột phá: "Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nhân cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực". Thực hiện phương châm thường vụ cấp uỷ, trực tiếp đồng chí bí thư lãnh đạo công tác tư tưởng, mỗi đảng viên đều phải làm công tác tuyên truyền miệng.

Qua gần 1 năm thực hiện Đề án của Tỉnh uỷ, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ BCV, TTV từ tỉnh đến cơ sở có nhiều chuyển biến. Đến nay, toàn tỉnh có 20 BCV cấp tỉnh, 254 BCV cấp huyện, thành, thị uỷ và tương đương, 1.331 BCV cấp xã, phường, thị trấn và 4.135 TTV ở các khu dân cư. Hội nghị BCV được duy trì hàng tháng ở cấp tỉnh, hàng quý ở các huyện, thành, thị uỷ, đảng bộ trực thuộc và các cụm xã. Trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng được tăng cường. Mặc dù Phú Thọ còn nhiều khó khăn, song Tỉnh đã trích ngân sách tỉnh trang bị cho 15 huyện, thành, thị và đảng bộ trực thuộc mỗi đơn vị: 1 máy tính, 1 tivi, 1 caset, 1 đài radio, 1 máy ảnh, 1 máy ghi âm, mỗi tổ tuyên truyền viên ở xã 1 đài bán dẫn; các huyện đều được kết nối internet (ngoài mạng công nghệ thông tin diện rộng của Tỉnh uỷ), có địa chỉ mail để trao đổi thông tin giữa tỉnh, huyện và ngược lại.

Đội ngũ BCV, TTV đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin thời sự trong nước, quốc tế đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Từ yêu cầu đòi hỏi khách quan và căn cứ vào tình hình thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo ở tỉnh Phú Thọ, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, chúng tôi thấy cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp uỷ Đảng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.

Công tác tuyên truyền miệng là truyền bá, phổ biến hệ tư tưởng cách mạng trong xã hội, khơi dậy tính sáng tạo cách mạng của quần chúng, động viên quần chúng tham gia sự nghiệp cách mạng. Vai trò của công tác tuyên truyền nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng chính là làm cho "lý luận thâm nhập vào quần chúng" để qua đó trở thành "lực lượng vật chất". Vì vậy, các cấp uỷ đảng, mà trực tiếp và trước hết là đồng chí bí thư cấp uỷ cần phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền miệng. Các đồng chí cấp uỷ vừa là người lãnh đạo công tác tuyên truyền miệng, vừa là người quyết định chủ trương công tác tư tưởng ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ hai: Đổi mới nội dung tuyên truyền, đảm bảo tính định hướng, phong phú, hấp dẫn; thực hiện tốt chủ trương "Hướng về cơ sở.

Đổi mới nội dung tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại.... trong đó đặc biệt chú trọng tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng, có sức thuyết phục chủ nghĩa Mác-lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; những vấn đề thời sự chính trị trong nước và quốc tế. Công tác tuyên truyền phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, tìm ra những giải pháp và bước đi đúng đắn trên con đường hội nhập và phát triển. Tăng cường đối thoại giữa BCV với người nghe. Bên cạnh đó, cần phải hướng mạnh về cơ sở để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời phản ánh với Đảng và Nhà nước để đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp.

Thứ ba: Kiện toàn, củng cố hoạt động của đội ngũ BCV, TTV kết hợp với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại hoá phương tiện tuyên truyền miệng.

Vấn đề cốt lõi, có tính quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng hiện nay là quan tâm kiện toàn đội ngũ BCV, TTV; từng bước chuẩn hoá đội ngũ BCV, nghiên cứu cho đội ngũ này được hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, góp phần cổ vũ, động viên hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác tư tưởng trong tình hình mới. Đội ngũ BCV, TTV phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có uy tín và khả năng tuyên truyền miệng. Ngoài tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các tài liệu nghiệp vụ, thông tin qua các Hội nghị BCV, cần tập huấn nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, nhất là cấp tỉnh, cấp huyện và chú ý khai thác và sử dụng triệt để mạng internet phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng.

Thứ tư: Củng cố hoạt động của Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong công tác tuyên truyền miệng.

Các cấp uỷ Đảng tiếp tục đầu tư đủ về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, cán bộ cho Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo của tỉnh; Ban Tuyên giáo Trung ương cần thống nhất mô hình hoạt động của Trung tâm thông tin trong phạm vi cả nước; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân./.

Hà Kế San (*)
Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phú Thọ
______________

(*) Bài tham luận tại Hội thảo khoa học “80 năm công tác tuyên giáo của Đảng – Kinh nghiệm và đổi mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, ngày 21/7/2010

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất