(TG) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang ATGT đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang ATGT đường sắt; đưa Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt vào thực tế hoạt động trong lĩnh vực đường sắt; nâng cao ATGT trong lĩnh vực đường sắt nói riêng và trong lĩnh vực GTVT nói chung.
Mục tiêu cụ thể là giảm TNGT đường sắt từ 5-10% hàng năm; hạn chế thấp nhất TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường sắt cho người dân, trong đó tập trung vào các đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên toàn quốc, đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; hành khách đi tàu... bằng nhiều hình thức, kiên trì, thường xuyên, liên tục.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, sẽ hoàn thiện cơ cấu tổ chức doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm ATGT đường sắt; khẩn trương kiện toàn hồ sơ pháp lý về đất đai dành cho đường sắt, hành lang ATGT đường sắt trong phạm vi được giao quản lý khai thác, sử dụng.
Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời đồng thời báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm về hành lang ATGT đường sắt, lối đi tự mở qua đường sắt; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trực thuộc khi không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm được giao trong việc bảo vệ, bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Đối với cơ quan quản lý chuyên ngành đường sắt, tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an giao thông tăng cường TTKS, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý lối đi tự mở, thực hiện các biện pháp bảo đảm tăng cường ATGT đường sắt; giảm, xóa bỏ lối đi tự mở thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt mà pháp luật đã quy định...
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra giao thông địa phương và Cảnh sát giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, phối hợp tổ chức cưỡng chế các hành vi vi phạm hành lang ATGT, đặc biệt là các vi phạm ở các đoạn đường bộ chạy gần đường sắt, lối đi tự mở nối với đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt để điều tra, xử lý các hành vi vi phạm giao thông đường sắt được phát hiện thông qua hình ảnh do các camera, các thiết bị khác ghi lại.
Đối với UBND cấp tỉnh có đường sắt đi qua, có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường sắt; phân công, giao nhiệm vụ và quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm trật tự ATGT và hành lang ATGT đường sắt.
Đề án cũng đưa ra giải pháp tổ chức quản lý lối đi tự mở, vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt quốc gia. Cụ thể, hoàn thiện công tác rà soát, cập nhật, phân loại, lập hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt, lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt quốc gia đang khai thác; quản lý, theo dõi lối đi tự mở, kịp thời có các biện pháp kiềm chế, ngăn chặn, không phát sinh lối đi tự mở; xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp kiềm chế, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở.
Thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở, hoàn thành trong năm 2020, trong đó, vận động các đoàn thể chính trị tại địa phương tham gia cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao gây TNGT; lắp đặt thiết bị đèn cảnh báo giao thông tại các lối đi tự mở là các vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt.
Cắm biển hạn chế phương tiện giao thông đường bộ tại các lối đi tự mở. Xây dựng gờ, gồ giảm tốc để cảnh báo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua lối đi tự mở; tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện giao thông đường bộ qua lại lối đi tự mở nhằm giảm thiểu các phương tiện qua lại đường sắt.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cần phải quy định rõ tránh nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng để người dân tự ý mở đường ngang trái phép tại địa phương. “Chỉ khi ta gắn trách nhiệm cụ thể của ai vào việc gì, khi có tai nạn xảy ra cần truy rõ và xử lý trách nhiện cụ thể. Khi đó may ra TNGT đường sắt mới “hy vọng” giảm”, ông Hùng nói../.
TG