Thứ Hai, 9/12/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Chủ Nhật, 6/10/2024 14:0'(GMT+7)

Nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai trong trường học, hướng tới đối tượng trẻ em

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đạt giải trong Cuộc thi “Rung chuông vàng”

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đạt giải trong Cuộc thi “Rung chuông vàng”

Những năm qua, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã phối hợp với nhiều đối tác, trong đó phải kể tới sự hỗ trợ của UNICEF Việt Nam, luôn chú trọng thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng chống thiên tai hướng tới trẻ em, với mục tiêu lan tỏa những thông điệp tích cực, tiếng nói và thu hút sự quan tâm và tham gia của chính quyền các cấp, toàn thể cộng đồng, đặc biệt là trẻ em trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm.

XÂY DỰNG, CẤP PHÁT CÁC TÀI LIỆU TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI DÀNH RIÊNG CHO TRẺ EM

Các nội dung cơ bản về hoạt động thông tin, truyền thông lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai trong trường học, hướng tới đối tượng trẻ em bao gồm: xây dựng, cấp phát các tài liệu truyền thông về phòng, chống thiên tai dành riêng cho trẻ em; tổ chức các cuộc thi cho trẻ em về chủ đề phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông về phòng, chống thiên tai hướng tới đối tượng trẻ em; tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông số về phòng, chống thiên tai cho trẻ em; tập huấn, nâng cao năng lực, phối hợp nhân rộng các mô hình, hoạt động ngoại khóa về phòng, chống thiên tai hướng tới trẻ em.

Các tài liệu truyền thông chung trong cộng đồng về phòng, chống thiên tai có những khó khăn, cản trở nhất định trong việc giúp trẻ em ghi nhớ và thực hành theo. Hiểu được điều đó, Cục QLĐĐ & PCTT đã chú trọng xây dựng riêng các bộ tài liệu truyền thông với hình thức riêng cho trẻ em về những loại hình thiên tai phổ biến và có nguy cơ gây rủi ro lớn, trong đó phải kể tới: Bộ infographic tuyên truyền các kỹ năng ứng phó, phòng chống bão, lũ, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất cho trẻ em (thực hiện năm 2020), với 26 infographic về các nội dung: + Hướng dẫn các kỹ năng an toàn, kỹ năng ứng phó trước, trong và sau thiên tai với 1 số loại hình thiên tai phổ biến như: bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại; + Hướng dẫn các kỹ năng bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tâm lý cho trẻ em trong trường hợp xảy ra thiên tai như: Kỹ năng phòng tránh đuối nước, điện giật, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe tâm lý, tinh thần,…

Các em học sinh tham gia Cuộc thi

Các em học sinh tham gia Cuộc thi "Rung chuông Vàng"

Bộ tài liệu truyền thông hướng dẫn kỹ năng ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cho trẻ em (thực hiện năm 2020, sử dụng hình tượng nhân vật “Hiệp sĩ Miền Tây” được dịch ra tiếng Việt và tiếng Khơ me), bao gồm: 1 tiểu phẩm ca cảnh, 03 video hoạt hình, 05 radio spot, in ấn và cấp phát 1.000 tờ gấp, vở ô ly trẻ em về các nội dung: Khái niệm và các nguy hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra; hướng dẫn trẻ em các kỹ năng chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân, sử dụng nước sạch, bảo vệ tâm lý trẻ khi có hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra.

Bộ tài liệu truyền thông hướng dẫn kỹ năng ứng phó với ứng phó với bão, lũ cho trẻ em (thực hiện năm 2021, sử dụng hình tượng nhân vật “Hải Mộc Nhi” được dịch ra tiếng Việt, tiếng Paco và tiếng Vân Kiều), bao gồm: 07 video hoạt hình, 08 radio spot về các nội dung: Khái niệm bão, lũ lụt và những việc trẻ em nên làm và không nên làm khi có bão, lũ lụt; Hướng dẫn xử lý nước an toàn trong và sau bão, lũ; Vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, đặc biệt là bé gái trong và sau bão, lũ; Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong và sau khi có bão, lũ lụt, sạt lở đất xảy ra; Bảo vệ trẻ em tránh bị lạc, bị bạo lực, xâm hại, làm việc quá sức khi có bão, lũ lụt, chia cắt xảy ra; Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong và sau khi có bão, lũ lụt; Chăm sóc tâm lý trẻ em trong và sau khi có bão, lũ.

Bộ tài liệu truyền thông hướng dẫn kỹ năng ứng phó với ứng phó với lũ quét, sạt lở đất cho trẻ em (thực hiện năm 2021, sử dụng hình tượng nhân vật “Hải Mộc Nhi” được dịch ra tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng H’Mông), bao gồm: 4 video hoạt hình, 6 radio spot về các kiến thức về dấu hiệu và phản ứng nhanh trước lũ quét, sạt lở đất, cách bảo vệ bản thân và mọi người trước, trong và sau khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Bộ tài liệu truyền thông hướng dẫn kỹ năng ứng phó với thiên tai và dịch bệnh (thực hiện năm 2022) với 04 video hoạt hình hướng dẫn các kỹ năng chuẩn bị ứng phó và sơ tán an toàn khi có thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngoài ra, Cục QLĐĐ & PCTT cũng xây dựng Sổ tay Kiến thức về phòng, chống thiên tai trong trường học và các kỹ năng xây dựng trường học an toàn trước thiên tai, vở ô ly cho trẻ em, sách tô màu, truyện tranh lồng ghép kiến thức. Các bộ tài liệu được cấp phát trực tiếp và online tới VPTT Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 63 tỉnh, thành trên cả nước và cấp phát thí điểm trực tiếp đến các trường học tại một số địa phương triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em”.

Bên cạnh việc xây dựng tài liệu truyền thông, nhiều cuộc thi dành cho trẻ em về chủ đề phòng, chống thiên tai cũng được phát động trong trường học. Các cuộc thi tập trung vào việc khai thác góc nhìn, tiếng nói, mong muốn, quan điểm của trẻ em trong công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ năm 2019 đến nay, có khoảng gần 20 cuộc thi lớn được tổ chức, trong đó phải kể đến các cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em và cộng đồng. 

Năm 2022, Chiến dịch truyền thông sáng tạo “Cùng nhau hành động sớm - Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh trước thiên tai và biến đổi khí hậu cho mọi trẻ em” được tổ chức tạo tiếng vang lớn đối với trẻ em Việt Nam trên khắp cả nước, thu hút hơn 33.000 người trực tiếp tham gia và tiếp cận được 1,6 triệu người, trong đó tỉ lệ trẻ em chiếm tới hơn 70%. Hưởng ứng ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN về quản lý thiên tai, Chiến dịch truyền thông với mục tiêu nâng cao nhận thức, tăng cường kỹ năng giúp trẻ em sẵn sàng ứng phó trước những tác động đang ngày càng gia tăng của thiên tai và biến đổi khí hậu; đồng thời, lan tỏa thông điệp: “Hành động ngay hôm nay vì một tương lai an toàn, sạch và xanh cho mọi trẻ em” với nhiều hoạt động như: gameshow "Chiến thắng Internet”, Giải chạy "Tiếp sức phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu - Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh cho mọi trẻ em", Thử thách làm video “1 phút Xanh - Cùng em hành động sớm, Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu”. Đồng hành cùng chiến dịch, các cơ quan báo chí, những người nổi tiếng - sứ giả truyền thông của chiến dịch như vũ công Quang Đăng, ca sĩ, diễn viên Duy Khoa, vận động viên Châu Tuyết Vân cùng nhiều người nổi tiếng khác đã đưa tin về các hoạt động và lan tỏa thông điệp của chiến dịch tới cộng đồng.

Nối tiếp thành công ấy, năm 2023, chiến dịch truyền thông Vì một ASEAN an toàn, sạch và xanh cho mọi trẻ em” được phát động và triển khai bùng nổ với chuỗi hoạt động sáng tạo lấy trẻ em, học sinh làm trung tâm là một trong những điểm nhấn nổi bật trong công tác thông tin, truyền thông về phòng chống thiên tai hướng tới đối tượng trẻ em năm 2023. Chiến dịch được thực hiện bài bản, sáng tạo khi xây dựng bộ nhân vật “Biệt đội thiên tài phòng, chống thiên tai” xuyên suốt và phối hợp, định hướng thông tin báo chí bùng nổ truyền thông về hàng loạt sự kiện hấp dẫn, bổ ích dành cho trẻ em, học sinh từ 6-18 tuổi trên toàn quốc. Một loạt các hoạt động được thực hiện như cuộc thi sáng tác tranh, rung chuông vàng, tập huấn hướng dẫn công tác đoàn đội về phòng, chống thiên tai, cuộc thi nhảy đồng diễn “Như cánh diều bay - Flying Kites”, cuộc thi hùng biện Tiếng Anh “Cùng nhau tạo ra sự khác biệt” và nhiều hoạt động khác… đã tạo nên một phong trào tích cực, ý nghĩa, giúp các em chủ động tìm hiểu về thiên tai và các kỹ năng phòng tránh giảm thiểu thiệt hại trong trường học.

Năm 2024, Chuỗi sự kiện hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về Phòng, chống thiên tai với chủ đề “Hành động sớm – Chủ động trước thiên tai” bao gồm các hoạt động như sáng tác tranh, Rung chuông vàng, lễ mít tinh hưởng ứng, và đặc biệt là hoạt động ngoại khóa mới, sáng tạo vẽ tranh tường về chủ đề phòng, chống thiên tai tại Phú Thọ (Tháng 5/2024) là một trong những hoạt động mới nhất lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai trong trường học. Chuỗi sự kiện đã tiếp cận trực tiếp đến hơn 10.000 em học sinh tại tỉnh Phú Thọ nói riêng và góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho đối tượng trẻ em Việt Nam nói chung. Đây là những chủ nhân tương lai của đất nước - thế hệ sẽ tiên phong thay đổi và hiện thực hóa tầm nhìn trong việc “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”, góp phần xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.

Các chiến dịch, sự kiện truyền khép lại với sự thành công không chỉ ở những con số kết quả, mà từ những ghi nhận tích cực từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh và các em học sinh trên khắp cả nước; đồng thời hỗ trợ truyền thông rộng rãi những thông điệp “hành động sớm”, “vì mọi trẻ em” đến với cộng đồng. Các hoạt động và thông điệp đã đến với tất cả mọi người, thanh thiếu niên, đặc biệt những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật và đã được các em tích cực tham gia và đón nhận.

Bên cạnh các cuộc thi, công tác truyền thông về phòng, chống thiên tai cũng chú trọng việc xây dựng các tài liệu truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông số. Để đưa các thông điệp, hoạt động gần gũi hơn với trẻ em, các nhân vật đại diện được sáng tạo như Hiệp sĩ Miền Tây, Hải Mộc Nhi được xây dựng dựa trên các khảo sát, lấy ý kiến từ trẻ em và đánh giá về văn hóa, thiên tai các vùng miền. Đặc biệt phải kể đến Bộ nhân vật “Biệt đội thiên tài phòng, chống thiên tai” với những sức mạnh siêu thực gửi gắm ước mơ của trẻ em trong việc phòng chống thiên tai, bảo vệ thế giới được thực hiện năm 2023.

TẬP HUẤN, NÂNG CAO NĂNG LỰC, PHỐI HỢP NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH, HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI HƯỚNG TỚI TRẺ EM

Các hoạt động ngoại khóa về phòng, chống thiên tai hướng tới trẻ em

Các hoạt động ngoại khóa về phòng, chống thiên tai hướng tới trẻ em

Không chỉ dành cho các em học sinh, các hoạt động truyền thông về phòng, chống thiên tai còn tập trung hướng tới việc tập huấn, nâng cao năng lực, huy động sự tham gia của các ban, ngành liên quan, phối hợp lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai trong trường học. Trên cơ sở những kết quả đạt được qua các hoạt động phối hợp, cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2024 - 2029 (QĐ số 01/CTrPH-BNNPTNT-BGDĐT ngày 5 tháng 01 năm 2024), để ngày càng nhiều hơn nữa trẻ em được tiếp cận và hiểu hơn tinh thần “hành động sớm” và chủ động trước thiên tai.

Sau thành công của mô hình 2 cuộc thi vẽ tranh và Rung chuông vàng “Cùng em phòng, chống thiên tai – Kiến tạo tương lai bền vững” được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Sóc Trăng vào năm 2021, Cục QLĐĐ & PCTT đã tiến hành tài liệu hóa các bước thực hiện và hướng dẫn triển khai 2 mô hình cuộc thi trong các trường học. Đến nay, đã có rất nhiều địa phương áp dụng và nhân rộng mô hình, trong đó phải kể đến cuộc thi Rung chuông vàng tại các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hòa Bình, Phú Thọ, với sự tham gia trực tiếp của hơn 6.000 trẻ em. Mô hình cuộc thi RCV Phòng, chống thiên tai cũng đã được lan tỏa, áp dụng cho nhiều đối tượng khác như Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi,… và huy động được nhiều nguồn vốn khác nhau trong quá trình tổ chức...

Tiếp nối mục tiêu ấy, trong năm 2024, Hội thảo “Xây dựng Kế hoạch hướng dẫn lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào các chương trình hoạt động ngoại khóa trong trường học” và Hội thảo tập huấn “Tích hợp nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình, hoạt động trong ngành giáo dục” được tổ chức với sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cả nước. Dự kiến với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên từ 63 tỉnh/ thành phố cùng các bộ phận chuyên trách về phòng, chống thiên tai, các Hội thảo sẽ tập trung mục tiêu nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và cộng đồng; từng bước xây dựng Nhà trường, cộng đồng an toàn trước thiên tai./.

Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất