Đa dạng sinh học là cơ sở của sự sống trên Trái đất, tiền đề quan trọng để phát triển thịnh vượng và bền vững xã hội loài người. Bảo vệ đa dạng sinh học theo nguyên tắc bền vững là quan điểm xuyên suốt của công tác bảo tồn và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá của chúng ta.
Tuy vậy, đa dạng sinh học đang bị suy thoái bởi nhiều yếu tố trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ tương hỗ giữa biến đổi khí hậu với đa dạng sinh học đã và đang là chủ đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế.
* Thực trạng đa dạng sinh học với biến đổi khí hậu
Tiến sỹ Hoàng Văn Thắng, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cũng như các nguồn tài nguyên khác, đa dạng sinh học đang bị thất thoát và suy thoái bởi rất nhiều yếu tố tự nhiên và nhân sinh, mà một trong những mối đe dọa tiềm ẩn ngày càng nghiêm trọng là biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Chúng ta đều biết rõ là từ giữa thế kỷ 20 đến nay, nhiệt độ trái đất đã tăng khoảng 0,6 độ C, gây ảnh hưởng đến toàn thế giới và theo dự báo đến năm 2100 nhiệt độ trái đất sẽ tiếp tục tăng từ 1,4 độ C - 5,8 độ C. Nếu xảy ra kịch bản nhiệt độ trái đất tăng 2,5 độ C, sẽ gây ra hàng loạt các hậu quả rất nghiêm trọng, đó là khoảng 3 tỷ người sống thiếu nước; 50 triệu người phải đối mặt với nạn đói và khoảng một triệu loài sinh vật không có khả năng thích nghi với những biến đổi khí hậu trên hành tinh này có nguy cơ tuyệt chủng.
Tại Việt Nam, nếu nhiệt độ tăng 2 độ C, mực nước biển dâng 1m, có thể làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của khoảng 23% dân số (tức khoảng 17 triệu người dân Việt Nam). Nhiệt độ trung bình năm tăng, dẫn đến nước biển dâng (như là một kết quả của biến đổi khí hậu) còn làm mất đi một vùng đất canh tác trù phú và cả các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Nước biển dâng cũng có thể làm mất đi nhiều khu rừng ngập mặn rất có giá trị của chúng ta, dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Sự gia tăng khí nhà kính dẫn đến quá trình axit hoá nước biển và đại dương. Kết quả này tác động một cách mạnh mẽ lên các hệ sinh thái dưới nước như các rạn san hô, thảm cỏ biển, các loài động vật thân mềm...
Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu biển và Hải đảo (Dư Văn Toán, Trần Đức Trứ, Đặng Nguyệt Anh, Lê Đức Đạt, Nguyễn Thục Anh): các vùng nước cửa sông và biển ven bờ cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái với giá trị vô cùng quan trọng đối với con người nhưng lại dễ bị tác động xấu đồng thời của biến đổi khí hậu và những khu vực bị sa mạc hoá do không có ô xy. Đến năm 2100, có 94% các vùng sa mạc hoá hiện có sẽ mở rộng diện tích, với nhiệt độ tăng là 2 độ C. Trạng thái thiếu hụt ô xy trong quá trình hải dương học, sinh thái học và sinh lý học cho thấy có nguồn gốc biến đổi khí hậu: nhiệt độ, axít hoá đại dương, mực nước biển dâng, gió và bão. Với sự đa dạng và biến đổi mạnh mẽ của cơ chế biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu oxy và tỷ lệ biến đổi khí hậu. Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, các biến đổi khí hậu đang góp phần làm tăng các vùng sa mạc hoá biển cùng với các tác nhân do con người gây ra đến các khu vực sa mạc hoá bằng hành động hiệp đồng xảy ra cùng nhau như hiện tượng phú dưỡng. Điều này cho thấy, cần có cách tiếp cận tổng hợp, đa ngành, xem xét đầy đủ các yếu tố trong biến đổi khí hậu để tăng cường khả năng đảo ngược sự lan rộng của các vùng sa mạc hoá biển.
* Thực hiện các giải pháp hiệu quả
Đa dạng sinh học, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng và đất ngập nước khi ở trạng thái khỏe mạnh, được bảo tồn hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu cũng như những hệ quả mà biến đổi khí hậu có thể gây ra như: khả năng tích lũy, hấp thu cacbon cao hay khả năng hạn chế ngập lụt, trượt lở đất, xói lở bờ biển và làm giảm mức độ nguy hiểm của những đợt lũ lụt tàn khốc. Hệ sinh thái đất ngập nước còn có vai trò cực kỳ quan trọng như là các bể chứa nước ngọt ở các vùng khác nhau khi mà biến đổi khí hậu gây ra hạn hán nghiêm trọng tại những vùng này.
Tiến sỹ Hoàng Văn Thắng cho rằng, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai khá thành công một số mô hình ở các tỉnh ven biển của Việt Nam đó là việc bảo tồn dựa vào cộng đồng, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng từ các cán bộ lãnh đạo cho đến người dân tham gia vào công tác trồng rừng. Hiện nay, Viện này đã phối hợp với các tỉnh trồng được rất nhiều rừng ngập mặn ở dọc các tỉnh ven biển Việt Nam (đặc biệt là các tỉnh miền Trung và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định). Xây dựng các vùng đệm ở các vườn quốc gia thuộc khu bảo tồn ở nhiều tỉnh khác nhau trong đó tập trung nhiều vào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; phối hợp với các vườn quốc gia khu bảo tồn xây dựng cơ chế "đồng chia sẻ" tức là các cộng đồng ở các vùng đệm phối kết hợp với Ban Quản lý vườn quốc gia khu bảo tồn bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng (người dân và các cấp lãnh đạo) về vai trò và giá trị của đa dạng sinh học cũng như vai trò của đa dạng sinh học trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Cần có những chính sách phù hợp, khuyến khích việc dựa vào hệ sinh thái hay là các dịch vụ hệ sinh thái, dựa vào thiên nhiên để quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội cho phù hợp.
Xây dựng nguồn lực (bao gồm cả nhân lực và vật lực). Đào tạo những cán bộ khoa học và những nhà quản lý về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Bên cạnh đó phải bảo tồn cho được rừng đầu nguồn, phục hồi khu vực rừng đầu nguồn đã mất, bảo tồn hệ thống vườn quốc gia, rừng phòng hộ... là những vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Danh Sơn, Khoa Kinh tế học, Học Viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị cần tăng cường "tư duy xanh" trong hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển gắn với chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh"; tăng cường hàm lượng lượng giá tài nguyên môi trường trong đó có tài nguyên sinh học, trong các quyết định phát triển. Xây dựng cơ sở dữ liệu cho lượng giá tài nguyên môi trường nói chung, tài nguyên sinh học nói riêng, phục vụ nghiên cứu và hoạch định chính sách quản lý phát triển kinh tế bền vững theo hướng xanh ứng phó biến đổi khí hậu. Tạo dựng, phát triển hướng đào tạo và nghiên cứu triển khai và mạng lưới kết nối nghiên cứu (trong nước, quốc tế) về kinh tế học tài nguyên môi trường, trong đó đa dạng sinh học là bộ phận quan trọng, phục vụ hoạch định chính sách phát triển nền kinh tế bền vững theo hướng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Thắng Trung/TTXVN